Cảnh báo các vụ cháy mùa hanh khô

Hầu hết các vụ cháy xảy ra đều do chập điện hoặc do đốt hương, vàng mã.

Dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, tại nhiều địa phương trong cả nước xảy ra những vụ cháy lớn, gây thiệt hại về người và tài sản của tập thể và cá nhân. Điều này cho thấy, nhiều nơi, nhiều người vẫn còn chủ quan với “giặc lửa” trong mùa hanh khô.

Điển hình là 2 vụ cháy xảy ra ngay trong Tết tại thành phố Hồ Chí Minh. Vụ thứ nhất xảy ra ngày mùng 2 Tết, cháy tại nhà số 91T Trần Văn Đang, phường 9, quận 3. Vụ thứ 2 xảy ra vào ngày mùng 6 Tết, thiêu rụi khu nhà kho, cùng một lượng lớn hàng hoá tại số nhà 270 Lý Thường Kiệt (phường 14, quận 10). Đây là khu nhà kho của Công ty Cổ phần Vật tư bưu điện nằm trong khuôn viên rộng hơn 1.000m2.

Còn tại Hà Nội liên tiếp trong 2 ngày, xảy ra 2 vụ cháy nghiêm trọng. Vụ thứ nhất, xảy ra ngày 21/2, thiêu rụi toàn bộ căn nhà giữa của ngôi nhà số 47 phố cổ Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm. Đây là ngôi nhà mang đậm vẻ đẹp của đô thị cổ Hà Nội, được xây dựng từ cuối thế kỷ 19 và nằm trong danh sách cần được bảo tồn, gìn giữ. Vụ cháy thứ 2 xảy ngày 22/2, tại Phòng máy tính Trường tiểu học Kim Liên, quận Đống Đa trong khi thầy trò nhà trường vừa bước vào buổi học đầu tiên sau những ngày nghỉ Tết. Trước đó, thời điểm cận kề Tết Canh Dần, tại Hà Nội xảy ra 2 vụ cháy lớn tại khu vực bãi trông giữ xe số 26 Nguyễn Khánh Toàn, phường Quan Hoa, quận Đống Đa và cháy dãy hàng khô thuộc chợ tạm Hàng Da, quận Hoàn Kiếm, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Hầu hết các vụ cháy xảy ra đều do chập điện, hoặc do đốt hương, vàng mã. Dù trước Tết Nguyên đán, ngành chức năng đã cảnh báo, hiện đang trong mùa hanh khô, nguy cơ xảy ra cháy rất cao và Luật Phòng cháy chữa cháy đã quy định rõ: phải thực hiện công tác phòng chống cháy bằng phương tiện và lực lượng ngay tại chỗ, nhưng tiếc thay, do chủ quan, bất cẩn, thậm chí là tắc trách, nhiều tổ chức, cá nhân vẫn để xảy ra những vụ cháy gây thiệt hại vật chất rất lớn. Riêng vụ cháy ngôi nhà cổ ở phố Hàng Bạc, Hà Nội, thiệt hại không thể tính được bằng tiền, bởi đây là vốn quý văn hoá vật thể có giá trị. Tại các khu dân cư, việc sử dụng lửa, điện, hoặc khí đốt, thắp hương thờ cúng còn tuỳ tiện, không đảm bảo điều kiện về an toàn phòng chống cháy cháy nổ.

Theo khuyến cáo của lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy 2 thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, để hạn chế tối đa các vụ cháy trong thời gian tới, rất cần sự vào cuộc tích cực và trách nhiệm của toàn xã hội. Ngành chức năng và các cơ quan, đơn vị cần tăng cường tuyên truyền về công tác phòng cháy chữa cháy; xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy tại chỗ với đầy đủ vật tư, phương tiện và lực lượng. Đối với các hộ gia đình, cần tự bồi dưỡng trang bị kiến thức phòng cháy chữa cháy; thường xuyên kiểm tra hệ thống thiết bị điện, bếp đun, khắc phục kịp thời những nguy cơ gây cháy. Việc thắp hương, đốt vàng mã phải cẩn trọng, tránh bất cẩn để xảy ra cháy./.                                                                                        

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên