Cảnh báo từ những tai nạn thương tích trẻ em
Mặc dù đã có nhiều biện pháp cảnh báo để phòng chống tối đa tai nạn thương tích cho trẻ em, nhưng tình hình trẻ nhập viện cấp cứu vẫn không giảm.
Cha mẹ bất cẩn, con nuốt mặt đồng hồ
Tai nạn của bé Nguyễn Hương Thảo, 4 tuổi ở Kinh Môn, Hải Dương là một trong nhiều trường hợp trẻ em thường gặp. Bé đã nuốt mặt đồng hồ trong lúc đang chơi một mình trong nhà. Điều đáng trách là sau khi phát hiện sự việc, cha mẹ bé chủ quan không đưa con đến bệnh viện cấp cứu ngay.
Chị Phạm Thị Phúc, mẹ của bé Thảo kể lại: “Tôi ở ngoài nên cháu nghịch một mình ở trong nhà. Bố cháu quên khóa cửa tủ nên cháu mở tủ ra thấy có mặt đồng hồ và bỏ vào mồm rồi bị tụt xuống cổ. Người nhà lại tưởng là mặt đồng hồ trơn nên cứ đợi xem tự nó có ra được không. Nhưng 4, 5 ngày sau không thấy ra được nên gia đình đưa cháu đi khám thì nó vẫn nằm một chỗ”.
Trường hợp của bé Thảo vẫn còn khá may mắn khi dị vật không làm tổn thương nội tạng bên trong. Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp tai nạn để lại hậu quả đau lòng hoặc trẻ phải chịu di chứng nặng nề.
Đến nay đã hơn một tuần xảy ra tai nạn, nhưng cháu Nguyễn Văn Minh, 7 tuổi ở Thạch Thất, Hà Nội vẫn trong tình trạng hôn mê và bị tụ máu não. Kể lại tình huống tai nạn này, anh Nguyễn Đắc Hùng, bác của cháu Minh cho biết: Vì mới nghỉ hè nên gia đình mua diều cho các cháu chơi, nhưng mọi người đã không để ý khi cháu mang diều lên mái nhà thả. Do thiết kế nhà cũ, không có lan can, người lớn không kịp thời nhắc nhở nên cháu đã bị ngã xuống sân, đầu đập mạnh xuống đất trong khi mải mê thả diều.
Hai trường hợp trên là những tai nạn thường gặp ở trẻ em do chủ quan, sơ sảy của người lớn. Thực tế cho thấy, mặc dù đã có nhiều biện pháp cảnh báo để phòng chống tối đa tai nạn thương tích cho trẻ em, nhưng tình hình trẻ nhập viện cấp cứu vẫn chưa giảm đáng kể.
Trẻ cần được trang bị kiến thức để tự bảo vệ
Mặc dù nhiều biện pháp phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em đã và đang được thực hiện, nhưng tình hình trẻ nhập viện vì tai nạn thương tích vẫn chưa giảm. Phần lớn các trường hợp tai nạn thương tích trẻ em xảy ra ở môi trường gia đình, do sự bất cẩn của người lớn. Bởi vậy, hạn chế tối đa tai nạn thương tích cho trẻ trước hết cần sự quan tâm, chăm sóc của các bậc phụ huynh.
Tai nạn thương tích ở trẻ em là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong và di chứng tàn tật suốt đời cho trẻ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn thương tích ở trẻ nhưng sâu xa là do sự bất cẩn của người lớn. Dù trong môi trường gia đình, trẻ vẫn có thể gặp những nguy cơ xảy ra tai nạn như: bỏng nước sôi, nuốt phải dị vật, bị điện giật do cho tay vào ổ điện, ngã cầu thang…
Chỉ tính riêng trong quý 1 năm nay, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) đã tiếp nhận và xử trí gần 300 trường hợp trẻ bị tai nạn do: ngã, bỏng, tai nạn giao thông, đuối nước… Đặc biệt, trong khoảng một tháng gần đây, khi các trường được nghỉ hè thì số trẻ bị tai nạn thương tích tại gia đình có xu hướng gia tăng.
Bác sĩ Lê Ngọc Duy, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Trung ương cảnh báo: “Trong việc phòng chống tai nạn thương tích, vai trò của các bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ là hết sức quan trọng. Ví dụ như trường hợp trẻ bị sặc dị vật thì ngay lập tức phải mở thông đường thở, vỗ lưng, ấn ngực. Những trường hợp gãy xương phải cố định lại. Còn bị bỏng thì không nên đổ nước mắm hoặc bôi kem đánh răng, mà phải ngay lập tức cởi bỏ quần áo ở nơi bỏng sau đó từ từ xả nước lạnh vào…”.
Để hạn chế tối đa tai nạn thương tích đối với trẻ em, nhất là trong thời gian các cháu nghỉ hè, cha mẹ và người lớn cần có sự quan tâm, chăm sóc, tạo ra một không gian chơi đùa an toàn cho trẻ, nhất là với trẻ nhỏ dưới 6 tuổi. Điều quan trọng là phải trang bị cho trẻ kiến thức để tự bảo vệ mình./.