Cảnh báo vào “mùa dịch” sốt xuất huyết
VOV.VN - Tính đến cuối tháng 5/2019, cả nước đã ghi nhận hơn 67.000 ca mắc sốt xuất huyết, cao gấp hơn 3 lần so với năm 2018, trong đó có 3 người đã tử vong.
Bộ Y tế dự báo, bệnh sốt xuất huyết vẫn đang có xu hướng tăng và có thể diễn biến phức tạp trong thời gian tới do ảnh hưởng của thời tiết nếu không có các biện pháp quyết liệt phòng chống.
Riêng tại Hà Nội, từ đầu năm 2019 đến nay, đã ghi nhận hơn 470 trường hợp mắc sốt xuất huyết.
Số ca mắc sốt xuất huyết ở người lớn tăng. |
Trước tình hình bệnh sốt xuất huyết gia tăng, Bộ Y tế khuyến cáo, ý thức vệ sinh môi trường nơi ở tại các hộ dân cư có vai trò đặc biệt quan trọng, vì muốn dịch bệnh không lây lan phải cắt đứt nguồn lây truyền bệnh là muỗi vằn.
Để phòng bệnh, mỗi người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện các biện pháp như: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước trong gia đình để muỗi không vào đẻ trứng, lật úp các dụng cụ không chứa nước, hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thay nước bình hoa, bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn… đồng thời, mỗi người dân cần chủ động phòng tránh muỗi đốt bằng cách ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt, kể cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi.
Các chuyên gia trong lĩnh vực dịch tễ, lâm sàng cũng hướng dẫn và cập nhật phác đồ mới trong giám sát, xử lý và phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. GS. TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: “Về đặc điểm dịch tễ, hiện nay, bệnh sốt xuất huyết đã thay đổi nhiều so với trước đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Cụ thể, nếu trước đây bệnh chủ yếu xuất hiện ở các khu vực mùa mưa kéo dài, nhiệt độ cao, thì hiện bệnh đã lan tràn khắp cả nước, xuất hiện quanh năm. Trước đây, số ca mắc chủ yếu là trẻ em, thì hiện nay cả trẻ em và người lớn đều mắc”.
Trong khi đó, các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cố gắng tìm nguyên nhân và lý giải tại sao dịch sốt xuất huyết lại xảy ra nhiều ở người lớn trong thời gian gần đây, nhưng vẫn chưa tìm được câu trả lời. Bức tranh dịch tễ học của bệnh sốt xuất huyết đã thay đổi, thậm chí mức độ nặng, sốc ngày càng gia tăng.
Tại Việt Nam, qua thực tế điều trị, sau khi xem xét các trường hợp tử vong, gần đây nhất là dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội năm 2017 cho thấy, những ca nặng phần lớn là do bệnh nhân đến bệnh viện muộn, xảy ra trên những cơ địa đặc biệt, có những bệnh nền sẵn như: tiểu đường, phụ nữ có thai, bệnh tuyến giáp... những trường hợp này thường khá nặng, đòi hỏi phải xử lý đặc biệt, điều trị sớm khi xuất hiện các biến chứng... Bộ Y tế cũng đang nghiên cứu phác đồ điều trị mới để phù hợp với nhiều biến đổi của bệnh sốt xuất huyết thời gian gần đây.
“Khi người dân nghi ngờ bị sốt xuất huyết cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà. Với những bệnh nhân nhà quá xa bệnh viện, nên nằm viện theo dõi, đã có những trường hợp bệnh nhân được cho về nhà điều trị, nhưng khi bệnh trở nặng, đến bệnh viện thì không kịp cứu chữa”, GS. Nguyễn Văn Kính khuyến cáo./.
Số ca mắc sốt xuất huyết tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ 2018