Cảnh giác với đồ điện tử chào bán trên internet

Mạng internet là một kênh thông tin, quảng cáo và rao vặt rất tiện ích, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với những người mua hàng trên mạng.

Câu chuyện của những người trong cuộc

Do nhu cầu công việc, tôi đang cần mua một chiếc máy điện thoại với một số tiện ích như quay phim, chụp ảnh, truy cập internet, nhưng với số tiền hạn chế, tôi khó có thể kiếm cho mình một chiếc điện thoại còn mới với những tiện ích như vậy. Tôi đành phải đi tìm mua máy cũ.

Nơi đầu tiên tôi tìm đến là những trang web rao bán trên mạng. Tại đây, tôi tìm thấy nhiều loại điện thoại đời mới rao bán với giá rất “hợp túi tiền” của mình. Tôi mừng thầm.

Sau một hồi xem qua một số loại điện thoại, tôi chú ý tới một mẩu tin rao bán chiếc Nokia N96: máy còn tốt, bộ nhớ 16 GB, camera 5.0, có khả năng truy cập internet và mạng 3G,…. giá 2,8 triệu đồng và còn tới 10 tháng bảo hành. Không ngần ngừ, tôi gọi điện cho người đăng tin rao bán để xác nhận lại thông tin vừa rồi. Nghe máy là một người phụ nữ, tên L.V, hiện đang ở tại thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi hỏi xác nhận tình trạng máy điện thoại, chị ta đồng ý bán cho tôi với giá 2,7 triệu đồng vì tôi đang ở Hà Nội, phải nhờ N. - một người bạn thân của tôi sống tại TP HCM mua hộ rồi mới gửi ra Hà Nội.

(Ảnh mang tính minh họa)

N. đồng ý mua hộ và bảo tôi hẹn L.V đến tối sẽ gặp nhau xem máy. Đến 8h tối, N. gọi cho tôi và khuyên không nên mua chiếc điện thoại đó. Lý do N. đưa ra là chiếc điện thoại bị lỗi phần mềm, đặc biệt, lỗi chỉ xuất hiện vào từng thời điểm, sau đó có thể hết lỗi, nhưng có thể lại xuất hiện bất cứ thời điểm nào. Dù hơi thất vọng nhưng tôi tin N, bởi N. là một người khá sành và có nhiều kinh nghiệm về điện thoại di động.

Thực tế, đã có không ít người rơi vào tình trạng như tôi, thậm chí còn thê thảm hơn. Như trường hợp của anh Trịnh Hải Hoàn được đăng trên Vnexpress đầu tháng 02/2010. Anh Hoàn mua một chiếc iPhone 3G 16GB theo như lời quảng cáo của công ty Vĩnh Phát. Anh đã trả 3,7 triệu đồng qua tài khoản. Nhưng chiếc iPhone này khi sử dụng không nhận sóng, không có chức năng 3G, Wifi hay GPRS. Anh gọi điện thắc mắc với công ty thì nhận được những lời giải thích không thoả đáng. Sau cùng, họ vẫn đồng ý cho anh trả lại hàng nhưng sẽ bị trừ đi khoản phí hao mòn. Tuy nhiên, khi người thân của anh mang máy đến trả lại thì đại diện công ty Vĩnh Phát không cho rằng đó là máy của công ty. Anh đành ngậm ngùi mất oan 3,7 triệu đồng – vì khi nhận hàng anh đã không lập biên bản kiểm tra.

Nói về lỗi phần mềm của điện thoại, bản thân N. – bạn tôi, cũng đã từng mua phải một chiếc điện thoại như vậy. Trước đây, N. từng có một cửa hàng điện thoại di động trên phố Kim Mã. Lần đó, có một người khách đến muốn bán một chiếc Sam Sung cũ, mặc dù đã kiểm tra rất kỹ, nhưng N. vẫn không phát hiện một lỗi nào của chiếc máy. Nhưng chỉ sau vài ngày sử dụng, lỗi đã xuất hiện và lần này cũng là lỗi phần mềm. Nhưng lỡ đã mua rồi, N chỉ còn cách nhủ thầm lần sau sẽ cẩn thận hơn.

Và sự thực về những đồ điện tử kể trên

Tuy nhiên, điều làm tôi thắc mắc, là tại sao chiếc Nokia N96 kia vẫn còn tới 10 tháng bảo hành, nhưng chủ nhân của nó không mang đi bảo hành. Chia sẻ điều này với D. - một người bạn mà N. giới thiệu, hiện là chủ nhân của một loạt các cửa hàng điện thoại di động ở khắp Hà Nội, D. cho biết đây là thủ thuật của các tay thợ điện thoại. Thực tế, chiếc Nokia N96 tôi định mua có thể đã bị tháo máy và thay đồ. Hoặc bản chất nó chỉ là một chiếc điện thoại không xuất xứ, không bảo hành, được “phù phép” thành hàng công ty. Thực hư thế nào, chỉ có những người trong ngành mới hiểu được!

Qua câu chuyện này, tôi thấy mình thật may mắn đã không mua chiếc Nokia N96 kia. May mắn vì tôi đã kịp thời phát hiện “lỗi” phần mềm của nó – loại lỗi mà không phải lúc nào cũng thấy nên rất khó phát hiện nếu không được dùng thử một thời gian.

Trong thời đại internet hiện nay, chỉ cần lên bất kỳ trang rao vặt nào bạn cũng có thể thấy rất nhiều mẩu rao bán các loại điện thoại hay đồ điện tử cũ nhưng thời gian bảo hành còn rất dài. Điều làm người mua hào hứng và thường tỏ thái độ vồ vập (như tôi) đó là giá của các đồ điện tử này rất rẻ, chỉ từ 2 - 4 triệu đồng, trong khi trị giá thực có thể lên tới 15 - 20 triệu đồng. Còn loại Nokia N96, hiện giá trị thị trường của máy mới cũng phải trên dưới 11 triệu đồng. Nếu là máy đã sử dụng 2 tháng, còn 10 tháng bảo hành thì giá trị cũng không thể thấp hơn 5 triệu đồng.

Nói như vậy không có nghĩa là bất kỳ mẩu tin hay trường hợp bán hàng trên mạng nào cũng đều có mục đích lừa khách hàng. Bản chất của hình thức bán hàng qua mạng là rất tiện ích vì giảm được nhiều thời gian, chi phí cho cả người mua lẫn người bán. Những trường hợp lừa đảo khách hàng trên mạng chỉ là thiểu số, như “Con sâu làm rầu nồi canh” vậy.

Câu chuyện của tôi chỉ là một ví dụ, mong rằng sẽ thêm được một lời cảnh báo hữu ích cho tất cả mọi người./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên