Cảnh sát giao thông ứng xử thế nào với hành vi chống đối?
VOV.VN - Hành động bám gương chiếu hậu hay nhảy lên nóc capo ô tô của CSGT có thể gây nguy hiểm cho các anh và người tham gia giao thông.
Hành động bám gương chiếu hậu hay nhảy lên nóc capo ô tô của CSGT có thể gây nguy hiểm cho các anh và người tham gia giao thông. (Ảnh: KT) |
Thời gian gần đây xảy ra không ít trường hợp cảnh sát giao thông bị tai nạn khi chặn xe vi phạm do đeo bám gương, nhảy lên nóc capo ô tô. Hành động nguy hiểm của cảnh sát giao thông có cần thiết?
CSGT gặp nạn vì bám gương chiếu hậu
Vụ việc mới đây nhất xảy ra ngày 30/6, Đội CSGT phía Bắc (Phòng CSGT Công an Hà Tĩnh) trong lúc làm nhiệm vụ trên Quốc lộ 1A, đoạn qua thị xã Hồng Lĩnh, phát hiện chiếc xe container vi phạm lỗi tốc độ nên yêu cầu dừng kiểm tra. Tài xế xe container xuống xe cự cãi không vi phạm tốc độ sau đó lái xe bỏ chạy. Lúc này, có 2 chiến sĩ CSGT đang đứng trước đầu xe, trong đó có thượng úy Nguyễn Anh Đức. Một chiến sĩ bị húc văng ra ngoài và bị thương nhẹ, còn thượng úy Đức bám vào gương chiếu hậu, khi tài xế đánh lái thì bị ngã văng xuống đường trúng dải phân cách khiến anh bị tụ máu não và gãy chân trái hiện vẫn đang nằm viện điều trị.
Trước đó trong tháng 4 cũng xảy ra vụ việc một CSGT thiệt mạng do bám gương chiếu hậu, rơi xuống đường bị xe cán phải. Ngày 16/4, tổ tuần tra kiểm soát của Phòng CSGT Công an Đồng Nai làm nhiệm vụ trên Quốc lộ 1 đoạn qua ngã 3 Vũng Tàu (TP. Biên Hòa) thấy một xe tải có dấu hiệu vi phạm liền ra hiệu lệnh dừng xe nhưng tài xế không chấp hành. Thiếu tá Lê Quang Minh đã đuổi kịp xe tải ở trạm thu phí cầu Đồng Nai. Thiếu tá Minh yêu cầu tài xế xuống xe nhưng người này không chấp hành mà điều khiển xe đi tiếp. Thiếu tá Minh bám vào gương chiếu hậu yêu cầu tài xế dừng lại thì trượt ngã và bị xe cán qua người, tử vong tại chỗ.
Không nên mạo hiểm
Đa số người dân không đồng tình với việc CSGT bám gương chiếu hậu hay nhảy lên nắp capo ô tô vì điều này gây nguy hiểm cho tính mạng của chính các anh và cho những người đi đường.
Anh Lê Thanh Bình (Nam Định) cho rằng, lái xe, đặc biệt là lái xe tải, thường rất căng thẳng, mệt mỏi. Cánh lái xe tải cũng thường hay “va chạm” với CSGT nên sẵn tâm lý ức chế, vì thế họ dễ “bật lại” khi gặp những CSGT có thái độ ứng xử không đúng mực, đấy là chưa nói đến những lái xe uống bia rượu hoặc sử dụng thuốc phiện không làm chủ được mình. Vì vậy, gặp những lái xe có hành vi chống đối, CSTG không nên mạo hiểm tính mạng của mình để bắt phạt bằng mọi cách ngay lúc đó. Bây giờ có thể áp dụng công nghệ thông tin để theo dõi, phối hợp với lực lượng khác để phạt nguội.
“Tôi nghĩ qua những vụ việc vừa rồi, CSGT nên họp rút kinh nghiệm và trang bị cho cảnh sát kỹ năng đảm bảo an toàn cho mình và người tham gia giao thông trong mọi tình huống, đồng thời chấn chỉnh tác phong làm việc của cảnh sát để khỏi gây ức chế cho người dân” - anh Bình nêu ý kiến.
Chị Lê Giang (Hà Nội) cũng cho rằng: “Tôi không hoan nghênh hành động chặn đầu xe, bám cần gạt mưa, gương chiếu hậu của một số CSGT. Không ai coi đây là hành động dũng cảm, các anh có thể áp dụng biện pháp phạt nguội. Nhảy lên đầu xe, bám gương chiếu hậu khác gì thách thức tài xế, chưa kể gương xe hay cần gạt mưa không thể đủ chắc để các anh đu bám”.
Tăng chế tài xử phạt chống người thi hành công vụ
Thời gian qua xảy ra nhiều vụ người tham gia giao thông chống người thi hành công vụ. Dù không đồng tình với hành động nguy hiểm của CSGT nhưng người dân cũng cho rằng cần phạt nặng những đối tượng chống người thi hành công vụ.
Xử lý người vi phạm an toàn giao thông. (Ảnh: KT). |
Bên cạnh đó, Thiếu tá Hùng cho rằng hiện công cụ hỗ trợ cũng như vũ khí trang bị cho CSGT còn hạn chế, cũng như quy định đối với việc sử dụng vũ khí khi gặp tình huống đối tượng chống người thi hành công vụ còn nhiều ràng buộc nên việc trấn áp ngay lập tức và sức mạnh của lực lượng công vụ ngay lúc đó còn hạn chế dẫn đến hiện tượng người dân chống người thi hành công vụ./.
Trước tình trạng người vi phạm trật tự, an toàn giao thông (TT, ATGT) không chấp hành hiệu lệnh của CSGT, chống lại lực lượng thi hành công vụ xảy ra khá nhiều tại các địa phương, lãnh đạo Bộ Công an đã có công điện chỉ đạo về bảo đảm TT, ATGT.
Theo đó, thủ trưởng công an các đơn vị, địa phương tập trung chỉ đạo lực lượng CSGT tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng và nhân dân tích cực tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức của người tham gia giao thông; kiên quyết phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TT, ATGT. Đối với người vi phạm không chấp hành hiệu lệnh của CSGT, chống người thi hành công vụ, lực lượng làm nhiệm vụ được phép sử dụng mọi phương tiện, biện pháp công tác của lực lượng CAND để ngăn chặn, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật và quy trình công tác. Đồng thời có biện pháp bảo đảm tuyệt đối an toàn về tài sản của Nhà nước, tính mạng, sức khỏe của nhân dân và cán bộ, chiến sĩ khi thi hành công vụ./.
Bắt tạm giam đối tượng lao xe khiến một chiến sĩ CSGT tử vong
Khởi tố, bắt tạm giam thanh niên tông CSGT văng xuống đường