Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là thành viên của GGN

Đây là Công viên địa chất đầu tiên của Việt Nam và là công viên thứ hai tại khu vực Đông Nam Á được tổ chức GGN công nhận  

Theo tin từ đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị mạng lưới công viên địa chất Châu Âu tại Lesvos, Hy Lạp, tối 3/10 (theo giờ Việt Nam), hồ sơ “Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn” đã được Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu (GGN) chính thức công nhận là thành viên của Mạng lưới Công viên địa chất Toàn cầu. Đây là tin vui đối với Việt Nam đặc biệt khi Thăng Long-Hà Nội đang trong không khí phấn khởi, tưng bừng của ngày Đại lễ và Hoàng Thành-Thăng Long được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Cùng với việc công nhận Hồ sơ “Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn” là thành viên của Mạng lưới Công viên địa chất Toàn cầu, GGN đã khuyến nghị Việt Nam sớm có kế hoạch phát triển tổng thể với mục tiêu tăng cường sự tham gia của người dân trong công tác bảo tồn các giá trị di sản địa chất, văn hoá, gắn với phát triển bền vững của địa phương.

Do thời gian xây dựng gấp, hồ sơ Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn còn chưa đáp ứng một số tiêu chí của GGN. Với mục đích giúp Hà Giang xây dựng một mô hình điểm về công viên địa chất toàn cầu gắn với xoá đói giảm nghèo và phát triển kinh tế bền vững, các thành viên trong đoàn đã nỗ lực thuyết phục thành công các thành viên Hội đồng Tư vấn công nhận những giá trị di sản địa chất nổi bật (cảnh quan, lịch sử phát triển địa chất, giá trị cổ sinh địa tầng, hang động thuộc 139 điểm di sản địa chất, trong đó có 11 điểm di sản địa chất tầm quốc tế) và các giá trị văn hoá truyền thống của 17 dân tộc đang sinh sống trên vùng Cao nguyên Đồng Văn.

Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn là một trong sáu hồ sơ được thông qua tại Hội nghị.

Ông Nguyễn Trùng Thương

Phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Trùng Thương – Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang về những cơ hội cũng như thách thức đối với Hà Giang nhân sự kiện này.

PV: Thưa ông, ông có thể cho biết đôi nét về quá trình lập hồ sơ trình cao nguyên đá Đồng Văn lên UNESCO để được công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu?

Ông Nguyễn Trùng Thương: Đây là một công viên Địa chất toàn cầu đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận. Bắt đầu từ năm 2004, đã có nhiều cuộc hội thảo quốc tế được tổ chức tại đây để thảo luận, nghiên cứu về cao nguyên đá Đồng Văn. Đặc biệt, có cácn hội thảo quan trọng là Hội thảo quốc tế tại cao nguyên đá Đồng Văn và hội thảo quốc tế tại Malaysia.

Có thể nói, Dự án này được UBND tỉnh Hà Giang chỉ đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch làm rất kỹ và khảo sát toàn diện trên 4 huyện vùng cao nguyên đá Đồng Văn. Hồ sơ được quốc tế đánh giá cao, đầy đủ các dữ liệu về địa chất khoáng sản, về tài nguyên môi trường. Đặc biệt là UNESCO đánh giá rất cao về bản sắc văn hoá của các dân tộc sống trên cao nguyên đá Đồng Văn. Đây là đặc trưng rất lớn của Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn nằm trong hệ thống công viên địa chất toàn cầu.

Việc cao nguyên đá Đồng Văn trở thành Công viên Địa chất toàn cầu là niềm vinh dự to lớn của đồng bào dân tộc Hà Giang. Đây cũng là niềm vinh dự của cả nước. Cao nguyên đá Đồng Văn là một trong những vùng đá vôi đặc biệt trong cả nước, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển vỏ quả đất, những hiện tượng tự nhiên, cảnh quan đặc sắc về thẩm mỹ, tính đa dạng sinh học cao và truyền thống văn hóa lâu đời của cộng đồng cư dân bản địa.

PV: Thưa ông, địa phương có kế hoạch như thế nào trong quản lý, bảo vệ cũng như là khai thác tài nguyên này để phục vụ phát triển?

Ông Nguyễn Trùng Thương: Cao nguyên đá Đồng Văn có đủ các yếu tố hội tụ để trở thành công viên Địa chất toàn cầu: diện mạo địa chất khoáng sản, tài nguyên thiên nhiên phong phú; có bản sắc văn hoá cũng hết sức độc đáo và ấn tượng mà  không nơi nào có được, như văn hoá của dân tộc Mông, Lô Lô, Pu Péo, Dao…  Cao nguyên đá cũng là nơi có di tích danh thắng quốc gia đã được Nhà nước công nhận như: Di tích kiến trúc nhà Vương, Cột cờ Lũng Cú, phố cổ Đồng Văn, đèo Mã Pì Lèng, núi Đôi Quản Bạ…

Trước mắt ngành Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh phải phát huy tối đa các tiềm năng du lịch và các bản sắc văn hoá dân tộc ở trên cao nguyên đá; đồng thời giữ gìn các di sản thiên nhiên vốn có. Tỉnh đã cấm khai thác đá, hang động, nhũ đá và tất cả các công việc liên quan đến di sản Công viên địa chất toàn cầu. Tỉnh coi đây là động lực, tiền đề tốt đẹp nhất cho việc thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan chiêm ngưỡng, du lịch trên cao nguyên đá.

Chúng tôi cũng tiếp tục thực hiện việc cắm biển di tích và nâng cao năng lực nhận thức của cộng đồng các dân tộc, để khi đến Hà Giang, du khách được đội ngũ hướng dẫn viên du lịch phục vụ một cách chuyên nghiệp. Làm được điều này, chắc chắn Cao nguyên đá Đồng Văn sẽ thu hút khách, tạo điều kiện phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc vùng cao. Cùng với đó, đồng bào vùng Cao nguyên đá Đồng Văn- những chủ nhân của di sản thế giới mới có điều kiện chung tay bảo vệ di sản quí giá của nhân loại.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên