Cao su rớt giá, doanh nghiệp buông tay

VOV.VN - Cao su trồng được một vài năm thì giá mủ lao dốc thảm hại, từ 100 triệu đồng/tấn, rớt xuống còn dưới 30 triệu đồng.

Như đã đề cập ở bài trước, chủ  trương chuyển đổi 100 nghìn ha rừng nghèo sang trồng cao su gần 10 năm qua ở Tây Nguyên đã góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, tăng cường an sinh xã hội xây dựng hệ thống giao thông, trường học, trạm y tế, lưới điện tạo ra thế trận an ninh quốc phòng vững chắc. Tuy nhiên việc chuyển đổi rừng sang trồng cao su còn những bất cập, biến tướng trục lợi.

Nhà ở công nhân vùng biên giới.

Số vốn cần thiết để đầu tư cho một ha cao su từ khi trồng đến lúc bắt đầu khai thác lên đến xấp xỉ 150 triệu đồng. Thời điểm năm 2008, 2009 một tấn mủ cao su giá trên 100 triệu đồng. Bình quân 1 ha cao su mỗi năm thu hoạch 1,5 tấn mủ. Như vậy, chỉ một năm thu hoạch nhà đầu tư đã thu hồi lại vốn. Với cách thức hạch toán theo kiểu “đếm của trong lỗ” này, không trồng cây gì lãi bằng cao su. Do đó, người người đổ xô tìm đất để trồng.

Doanh nghiệp có tiềm năng đầu tư trồng cao su đã đành, những doanh nghiệp ít vốn, thiếu kinh nghiệm cũng xoay xở cho có đất để trồng. Cây cao su được trồng bất cứ ở đâu, bất chấp địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu… Nghịch cảnh là cao su trồng được một vài năm thì giá mủ lao dốc thảm hại, từ 100 triệu đồng/tấn, rớt xuống còn dưới 30 triệu đồng. Hơn nữa, từ khi trồng cây đến lúc khai thác, thời gian kéo dài đến 7 năm. Nhiều doanh nghiệp sau khi nhận rừng, khai hoang và trồng được vườn cao su thì lâm vào tình cảnh khốn khó bởi cạn kiệt nguồn vốn.

Ở huyện Ia H’Drai- một nơi lý tưởng để phát triển cây cao su bởi vườn cây xanh quanh năm, năng suất mủ ở đây từ 1,7 đến 1,9 tấn/ha, cao nhất trong cả nước. Nhưng chính ở Ia H’Drai cũng diễn ra tình cảnh doanh nghiệp đuối sức vì thiếu vốn. Một số doanh nghiệp bỏ mặc vườn cây không chăm sóc, hoặc chỉ chăm sóc với mức cầm chừng. Có doanh nghiệp gán nợ vườn cây; thậm chí bán tháo để vớt vát thiệt hại. Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao su Đắc Lắc có dự án chuyển đổi 2.000 ha rừng sang trồng cao su ở Ia H’Drai, và đã trồng được trên 1.200 ha. Năm ngoái, toàn bộ dự án này đã được bán cho một công ty khác.

Ông Huỳnh Ngọc Hưng, phó Giám đốc  Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Chư Moray, đơn vị mua lại vườn cây của Công ty cao su Đắc Lắc, cho biết: “Công ty đã tiếp nhận dự án của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao su Đắc Lắc chi nhánh tại Kon Tum gần 1 nghìn hai ha cao su. Khi tiếp nhận, công ty rà soát đánh giá, trên cơ sở đó công ty tái canh lại số diện tích cao su không đạt chất lượng và trồng mới thêm hơn 300 ha nữa. Về tổng thể hai dự án của Công ty thì gần 5.200 ha, tổng giá trị đầu tư đến thời điểm hiện tại là gần 850 tỷ đồng”.

Công ty TNHH Cao su Duy Tân ở thành phố Kon Tum được cấp  phép chuyển đổi gần 14 nghìn ha rừng ở Ia H’Drai sang trồng cao su. Ông  Lê  Đức Thảo, giám đốc Công ty Duy Tân cho biết: Những năm qua, số vốn mà công ty đã đầu tư để khai hoang  rừng và trồng 9.665 ha cao su lên đến hơn 1 nghìn tỷ đồng.  Giá mủ cao su lao dốc, các ngân hàng thương mại thắt chặt việc giải ngân càng gây thêm khó khăn cho  doanh nghiệp. Duy Tân kiệt sức, chỉ biết đầu tư cầm chừng, do đó lượng phân bón cho vườn cây cũng bị cắt giảm. Những hạng mục trong cam kết như: xây dựng hệ thống giao thông, khu dân cư đều phải tạm dừng.

Năm 2008, Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum thông qua nghị quyết thu các đơn vị chuyển đổi rừng sang trồng cao su trên địa bàn, mỗi ha là 16 triệu đồng. Khó khăn về tài chính nên công ty Duy Tân lần nữa chưa nộp tiền khoản tiền này. Năm 2015, thay vì  nộp 108 tỷ đồng, Duy Tân bàn giao cho UBND tỉnh Kon Tum 970 ha cao su. Mùa khô vừa qua, UBND tỉnh Kon Tum đã phải chi ra 1 tỷ 300 triệu đồng cho việc phát đường ranh cản lửa phòng chống cháy.

Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Đắc Hà được UBND tỉnh Kon Tum  giao quản lý diện tích cao su này cũng đứng ngồi không yên. Ông Ngô Văn Hải, giám đốc Công ty Lâm nghiệp Đắc Hà, than vãn: vườn cây cách xa trụ sở trên 30 km, lo phòng chống cháy đã quá  sức. Công ty không thể có nhân lực, vốn liếng và kinh nghiệm để chăm sóc vườn cây. Ông Hải nói: "Hiện nay UBND tỉnh thu hồi và giao cho Công ty TNHHMTV Đắc Hà  quản lý, bảo vệ, chăm sóc phòng chống cháy vườn cao su. Khó khăn của chúng tôi thực chất là con người, kinh nghiệm và vấn đề tài chính. Công ty Đắc Hà là đơn vị làm nhiệm vụ công ích. Nhiệm vụ quản lý thêm 1000 ha cao su do UBND tỉnh giao, chỉ là giải pháp trước mắt”.

Tại Tây Nguyên, chỉ duy nhất tỉnh Kon Tum thực hiện việc thu 16 triệu đồng/ha đất, khi doanh nghiệp thực hiện việc chuyển đổi rừng sang trồng cao su. Mục đích của việc thu số tiền này là để  đầu tư trực tiếp vào xây dựng cơ sở hạ tầng ngay trong vùng dự án. Ông Lê  Đức Thảo, giám đốc Công ty TNHH Cao su Duy Tân xót xa khi phải gán nợ gần 1 nghìn ha cao su.

“Chi phí đầu tư mình bỏ ra cho 1  ha cao su năm thứ 5 là 150 triệu đồng. Giờ nợ 108 tỷ mà nộp 1 nghìn ha, coi như mình mất không đi 50 tỷ đồng. Khi bàn giao xong, tỉnh giao cho sở tài chính liên hệ các đơn vị để bán”.

Nhà trẻ vùng biên.

Xử lý thế nào đối với gần 1.000 ha cây cao su mà Công ty TNHH Cao su  Duy Tân đã bàn giao cho tỉnh, trong buổi làm việc với PV Đài TNVN, ông Nguyễn Hữu Hải, phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Kon Tum nói rõ: “HĐND tỉnh có nghị quyết đồng ý cho tỉnh thu bằng tiền hoặc thu bằng hiện vật. Công ty Duy Tân đề xuất tình hình hết sức khó nên đồng ý giao lại cho tỉnh vườn cây cao su trồng năm thứ 5.  Tỉnh cũng đã rà soát đánh giá lại chất lượng vườn cây và giao cho Công ty TNHH MTV Đắc Hà quản lý, bảo vệ. Còn thời gian đến, tỉnh cũng đã có chủ trương sang nhượng lại vườn cây này cho tổ chức nào có nhu cầu. Hiện nay đã có vài đơn vị đăng ký mua lại vườn cây này. Việc vườn cây Công ty Duy Tân, Tỉnh đã xử lý rất mềm dẻo, có tình, có lý. Đơn vị khó khăn về kinh phí, tỉnh nhận vườn cây. Và nếu như nay mai đơn vị làm ăn khá giả hơn,  tỉnh cũng sẵn sàng giao lại vườn cây và thu 108 tỷ đồng”.

Khi thực hiện việc chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su, các doanh nghiệp đều cam kết với mục  tiêu của tỉnh đề ra là: thu hút đồng bào dân tộc tại chỗ vào làm công nhân, góp phần xóa đói giảm nghèo; xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi xã hội. Tuy nhiên trong hàng chục doanh nghiệp thực hiện các dự án chuyển đổi rừng sang trồng cao su ở hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum, chỉ có Binh đoàn 15 thực hiện các cam kết. Còn những doanh nghiệp khác, khi cao su rớt giá, họ đã buông xuôi cả việc chăm sóc, hoặc tìm cách sang nhượng vườn cây. Vấn đề xây dựng hạ tầng, an sinh xã hội là điều không thể diễn ra../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

“Được và mất” khi Tây Nguyên chuyển đổi rừng sang trồng cao su
“Được và mất” khi Tây Nguyên chuyển đổi rừng sang trồng cao su

VOV.VN - Việc chuyển đổi rừng sang trồng cao su đã góp phần xóa đói giảm nghèo ở Tây Nguyên. Tuy nhiên, việc làm này còn những bất cập, biến tướng...

“Được và mất” khi Tây Nguyên chuyển đổi rừng sang trồng cao su

“Được và mất” khi Tây Nguyên chuyển đổi rừng sang trồng cao su

VOV.VN - Việc chuyển đổi rừng sang trồng cao su đã góp phần xóa đói giảm nghèo ở Tây Nguyên. Tuy nhiên, việc làm này còn những bất cập, biến tướng...