Cao tốc Cần Thơ-Cà Mau đang chậm 8 tháng so với kế hoạch
VOV.VN - Trên công trường hai dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam đoạn Cần Thơ-Cà Mau, nhiều nhà thầu chưa đáp ứng kế hoạch huy động nguồn lực để đẩy nhanh sản lượng thi công, tiến độ đang bị chậm.
Nhiều nhà thầu chậm huy động nhân lực, thiết bị thi công
Cập nhật tình hình thi công dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Cà Mau, đại diện Ban QLDA Mỹ Thuận (chủ đầu tư) cho biết, thời điểm hiện tại, sản lượng thi công dự án đạt khoảng 14% giá trị các hợp đồng.
Trong đó, dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang đạt 1.157/6.845 tỷ đồng, đạt 17% theo hợp đồng; Đoạn Hậu Giang – Cà Mau đạt 1.485/11.957 tỷ đồng, đạt 12,5%.
Theo đại diện ban QLDA, bám đuổi tiến độ thi công, thời gian qua, chủ đầu tư đã có nhiều văn bản chấn chỉnh, đôn đốc tiến độ, kiểm điểm ngay tại công trường, song, tính đến ngày 22/11, nhiều nhà thầu vẫn chưa đáp ứng kế hoạch yêu cầu.
Cụ thể, tại đoạn Cần Thơ - Hậu Giang, vướng mặt bằng cơ bản đã được giải quyết, nhà thầu Tân Nam vẫn chậm huy động 2 máy đóng cọc thi công 2 cầu; Tổng công ty 36 chậm huy động 1 máy đóng cọc thi công 1 cầu.
Cùng đó, Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C chậm huy động 1 máy đóng cọc thi công 1 cầu; Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) chậm huy động 1 máy đóng cọc thi công 1 cầu.
Đối với dự án đoạn Hậu Giang - Cà Mau, tại gói thầu XL01, Công ty CP Xây dựng Tân Nam đang thi công 3/5 cầu, trong đó có Cầu Kênh Ba Tảu và Cống Chùa dù có mặt từ tháng 9/2023, nhưng việc thi công còn chậm, chưa chủ động cung ứng vật tư, chậm thi công sản xuất dầm và đóng cọc.
Tại gói thầu XL02, Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng 620 đang thi công 7 cầu. Đối với 2 Cầu Km96, Thủy Lợi 2 dù có mặt bằng từ tháng 8, tháng 9/2023 nhưng chưa huy động thiết bị, nhân công để triển khai thi công. Đây cũng là đơn vị ban điều hành dự án thường xuyên theo dõi, nhắc nhở.
Tại gói thầu XL03, CC1 đang triển khai 2 cầu. Trong đó, cầu Rạch Rập đã có mặt bằng từ tháng 7, tuy nhiên, công tác huy động thiết bị chậm và chưa triển khai tổ chức thi công.
Loại nhà thầu yếu, đẩy nhanh nguồn cung cát đắp nền
Theo lãnh đạo Ban QLDA Mỹ Thuận, khắc phục tình trạng trên, đơn vị đã chỉ đạo sát sao, yêu cầu các đơn vị bị chậm phải huy động đầy đủ máy móc thiết bị, đặc biệt là hạng mục thi công cầu trong tháng 11/2023.
Các chuyên viên ban điều hành được giao phụ trách phải đôn đốc nhà thầu lập, trình hồ sơ thanh toán để đảm bảo đủ nguồn tài chính cho việc huy động và thi công hiện trường.
"Riêng dự án đoạn Hậu Giang - Cà Mau, Ban QLDA đã chỉ đạo, yêu cầu nhà thầu Tân Nam tăng cường thiết bị vận chuyển và thi công đắp cát nền đường cho cầu Cống Chùa, tiến hành đóng cọc trước 25/11/2023; Huy động thiết bị đóng cọc và thêm đội công nhân để triển khai thi công cầu Kênh Ba Tẩu trước 2/12/2023.
Với nhà thầu 620, trước ngày 30/11/2023 phải hoàn thiện mặt bằng và đẩy nhanh việc tập kết cọc về công trường để thi công ngay cầu Cầu Km96, Thủy Lợi 2.
Nhà thầu CC1 được yêu cầu huy động ngay 1 máy đóng cọc, 1 cẩu phục vụ và 1 đội nhân công, kỹ sư để thi công ngay việc đóng cọc cầu Rạch Rập trước ngày 25/11/2023", lãnh đạo Ban QLDA Mỹ Thuận thông tin.
Sốt ruột vì tiến độ cao tốc Bắc-Nam, nhất là đoạn Cần Thơ-Cà Mau đang bị chậm tiến độ quá nhiều, nguy cơ không kịp về đích đúng tiến độ, mới đây Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã dẫn đầu đoàn của Bộ GTVT vào kiểm tra công trường và có buổi làm việc với các tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp về vật liệu phục vụ cho dự án cao tốc đoạn Cần Thơ - Cà Mau.
Nhấn mạnh nguồn vật liệu cát cung cấp do dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau hiện đang là vấn đề cấp bách, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá: Tính đến thời điểm hiện tại, tiến độ công trình đang chậm khoảng 8 tháng so với kế hoạch.
Thời gian qua, các địa phương đã cam kết phân bổ nguồn cát cho dự án. Ban quản lý dự án Mỹ Thuận cùng với các nhà thầu đã nỗ lực phối hợp hoàn tất các thủ tục khai thác. Thế nhưng đến nay, vật liệu cát vẫn chưa đáp ứng nhu cầu.
"Đây là công trình trọng điểm quốc gia, phục vụ cho người dân, đề nghị các địa phương tập trung mọi nguồn lực. Với các thủ tục liên quan đến vấn đề cấp phép, những thủ tục nào có thể triển khai thực hiện song song thì hướng dẫn ban quản lý dự án và nhà thầu thực hiện, đảm bảo cung ứng đủ vật liệu cát cho dự án, từ đó đưa dự án hoàn thành đúng kế hoạch", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
Ghi nhận, đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt từ các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ nguồn vật liệu cát cho dự án, Bộ trưởng nói: Chưa có dự án nào mà Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ TN&MT, Bộ GTVT tương tác nhiều với địa phương như vậy. Điều mừng nhất là các địa phương đều đã cố gắng cam kết bố trí đủ khối lượng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng nhấn mạnh: Khối lượng, chất lượng và thời gian là những yếu tố rất quan trọng. Từ đây, Bộ trưởng đề nghị các địa phương phấn đấu hoàn thành các thủ tục cấp mỏ ngay trong năm 2023. Theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội, dự án chỉ được phép áp dụng cơ chế đặc thù trong việc thực hiện các thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ vật liệu cho nhà thầu trong năm 2023.
Ngày 25/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các Công trình, Dự án quan trọng Quốc gia, Trọng điểm ngành GTVT (Ban Chỉ đạo) chủ trì họp Phiên thứ 8 của Ban Chỉ đạo.
Mở đầu Phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết cả nước đã huy động tối đa các nguồn vốn Trung ương, địa phương, các nguồn vốn hợp pháp khác tập trung thực hiện một trong ba đột phá chiến lược là hạ tầng giao thông.
Hiện nay, cả nước có 34 dự án lớn, 86 dự án và dự án thành phần Quan trọng Quốc gia, Trọng điểm ngành GTVT tại 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tại Phiên họp, Thủ tướng đã có các chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai các nhiệm vụ, chủ động công việc, giải quyết có thời hạn, không đùn đẩy trách nhiệm, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy thực hiện các dự án, nhất là về giải phóng mặt bằng, cấp mỏ vật liệu xây dựng thông thường và tiến độ triển khai các dự án.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm của Chính phủ là đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền; phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi cho cấp dưới; tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc triển khai các công trình, dự án quan trọng Quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.
Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn Cần Thơ - Cà Mau có chiều dài gần 111km, với tổng mức đầu tư hơn 27.500 tỷ đồng, được phân thành hai dự án thành phần gồm Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau.
Cao tốc đoạn Cần Thơ - Hậu Giang có tổng chiều dài tuyến chính gần 38km; Chiều dài tuyến nối qua địa bàn TP Cần Thơ hơn 9km. Tổng mức đầu tư gần 10.400 tỷ đồng.
Cao tốc đoạn Hậu Giang - Cà Mau có tổng chiều dài tuyến chính hơn 73km và chiều dài tuyến nối hơn 16km. Tổng mức đầu tư trên 17.152 tỷ đồng.
Giai đoạn phân kỳ, hai tuyến cao tốc được đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m. Giai đoạn hoàn chỉnh, quy mô nền đường hai cao tốc sẽ được nâng lên 24,75m, vận tốc thiết kế 100km/h.