Cấp bằng lái tạm thời, tại sao không?
VOV.VN - Mặc dù chương trình đào tạo lái xe hiện đã dành riêng một chương lý thuyết về dạy lái xe và học lái xe trên phần mềm mô phỏng, song thực tế nhiều người sau khi được cấp giấy phép lái xe vẫn thiếu kỹ năng điều khiển phương tiện trên cao tốc, nên phải thực hành bổ túc tay lái trên cao tốc.
Nếu nhìn vào tổng số 10 vụ ùn tắc giao thông trên cao tốc và quốc lộ xảy ra trong 10 ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão – theo thống kê của Cục CSGT, có 3 vụ ùn tắc do va chạm liên hoàn giữa các phương tiện, xảy ra tại Tiền Giang, Quảng Ngãi, Yên Bái, có thể thấy tỷ lệ nguyên nhân do va chạm, tai nạn dẫn đến ùn tắc chiếm tỷ lệ không nhỏ so với tỷ lệ các vụ ùn tắc giao thông do lưu lượng phương tiện gia tăng đột biến vào dịp lễ, Tết.
Tuy vậy, nếu như các vụ ùn ứ cục bộ do lưu lượng phương tiện tập trung quá đông vào một thời điểm là rất khó phòng tránh, do lượng phương tiện vượt quá khả năng đáp ứng của hạ tầng; thì các vụ ùn tắc do va chạm, tai nạn giao thông hoàn toàn có thể phòng tránh bằng kỹ năng lái xe và ý thức chấp hành pháp luật của tài xế.
Một cán bộ của Cục CSGT trực tiếp phân làn trên cao tốc Cầu Giẽ- Ninh Bình ngày cuối kỳ nghỉ lễ cho biết, tại nút Pháp Vân, dù có mặt lực lượng CSGT phân làn, nhưng một số trường hợp tài xế vẫn không chấp hành, từ làn đi thẳng đã nhanh chóng rẽ phải để vào lối lên Vành đai 3, cắt ngang dòng xe đang đi đúng làn bên phải, khiến cả dòng xe bị dồn lại.
Vị cán bộ này cũng phải chua chát nhận xét: Ý thức chấp hành pháp luật và kỹ năng lái xe của một số tài xế quá yếu kém khi lưu thông trên cao tốc. Chỉ cần một xe cắt ngang, hàng trăm xe phía sau bị ùn ứ, chưa kể khả năng xảy ra va chạm khá cao.
Không phải vô cớ, trước đây Cục CSGT từng đề xuất đưa nội dung đào tạo, sát hạch lái xe trên cao tốc. Bởi đến thời điểm này, chương trình đào tạo lái xe mới chỉ có một chương lý thuyết dạy lái xe trên cao tốc, còn việc thực hành và sát hạch, hoàn toàn không có nội dung này.
Tuy vậy, đại diện Cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, việc đào tạo lái xe bằng cabin tập lái và phần mềm mô phỏng đã có các tình huống giao thông để sát hạch lái xe, trong đó có khá nhiều bài học hướng dẫn học lái xe trên đường cao cao tốc.
Trong khi việc bắt buộc đào tạo và sát hạch lái xe trên cao tốc vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, nhiều học viên sau khi được cấp bằng lái vẫn có nhu cầu bổ trợ tay lái trên cao tốc. Đây là nhu cầu có thật và chính đáng để tài xế tích lũy kinh nghiệm điều khiển xe trên cao tốc.
Bởi vậy, bên cạnh việc tăng cường đào tạo bằng cabin tập lái với phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông, nhất là việc tăng cường chương trình đào tạo lái xe trên cao tốc cũng cần được tính đến, để bổ sung vào chương trình đào tạo một cách phù hợp.
Đặc biệt, việc nghiên cứu, luật hóa quy định bằng lái tạm thời trong thời hạn nhất định, trong đó, cho phép học viên mới được cấp bằng lái có thể lưu thông trên cao tốc với một giáo viên dạy lái đi kèm cũng là một hướng cần được nghiên cứu, vừa đáp ứn nhu cầu chính đáng của người học, vừa giúp tài xế có cơ hội nâng cao kỹ năng khi điều khiển phương tiện trên cao tốc.
Hệ thống cao tốc đang ngày càng được mở rộng và mục tiêu của Chính phủ đến năm 2030 cả nước sẽ có ít nhất 5.000 km đường cao tốc. Việc tham gia giao thông trên cao tốc sẽ trở thành tất yếu, do vậy, việc thực hành lái xe trên loại hình đường bộ này là rất cần thiết.
Chỉ khi tài xế được trang bị đầy đủ kỹ năng điều khiển xe trên cao tốc mới có thể góp phần hạn chế các vụ va chạm, tai nạn giao thông trên cao tốc./.