Cập nhật: Bão số 4 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới gây mưa to trên diện rộng

VOV.VN - Từ chiều tối 19/9 đến ngày 20/9, mưa lớn tập trung ở khu vực Thanh Hóa đến Quảng Trị, phổ biến từ 100-200mm, cục bộ có nơi trên 300mm. Đề phòng mưa cường suất lớn (>100mm/6 giờ) ở khu vực từ Hà Tĩnh - Quảng Trị trong chiều tối và đêm nay (19/9).

17:20

Bão số 4 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới gây mưa to trên diện rộng 

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện bão số 4 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Tại Cồn Cỏ (Quảng Trị) đã có gió mạnh cấp 9, giật cấp 10; Hoành Sơn (Hà Tĩnh) gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; Kỳ Anh (Hà Tĩnh) có gió giật mạnh cấp 9; Lệ Thủy (Quảng Bình) gió mạnh cấp 6, giật cấp 10.

 Sáng đến chiều nay (19/9), ở khu vực Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế đã có mưa to, có nơi mưa rất to: Tà Long (Quảng Trị) 292mm; Mai Hóa (Quảng Trị) 204mm; Hòa Thanh (Quảng Bình) 195mm;…

Chiều nay (19/9), sau khi đi vào đất liền Quảng Bình-Quảng Trị, bão số 4 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Hồi 16 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,9 độ Vĩ Bắc; 106,7 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Quảng Bình-Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49km/h), giật cấp 8 (62-74km/h); di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ 15-20km/h.

Từ chiều tối 19/9 đến ngày 20/9, mưa lớn tập trung ở khu vực Thanh Hóa đến Quảng Trị, phổ biến từ 100-200mm, cục bộ có nơi trên 300mm. Đề phòng mưa cường suất lớn (>100mm/6 giờ) ở khu vực từ Hà Tĩnh-Quảng Trị trong chiều tối và đêm nay (19/9).

Mưa lớn dẫn đến tình trạng ngập lụt cho các khu vực đô thị, nơi tập trung đông dân cư do nước không kịp thoát

16:10

Sạt lở và nguy cơ sạt lở, một số tỉnh miền Trung khẩn trương di dời dân 

Tại Quảng Trị: Do ảnh hưởng của bão số 4, tại tỉnh Quảng Trị có mưa rất to. Sáng nay (19/9), tại khu vườn một nhà dân ở huyện Cam Lộ xuất hiện một hố sụt lún sâu làm người dân lo lắng.

Hố sụt lún tại vườn nhà của bà Đoàn Thị Thức, ở khu phố 8, thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Hố sụt lún cách tường nhà bà Thức đang ở khoảng 5m, miệng hố có đường kính khoảng 1mét, sâu gần 5 mét, dưới hố có nước. Việc xuất hiện hố sụt lún bất thường trong đợt mưa to này làm gia đình bà Thức và các hộ dân sống lân cận lo lắng.

Chính quyền thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ đã báo cáo lãnh đạo huyện và tỉnh Quảng Trị và đề nghị có phương án xử lý. Ông Trần Viết Hưng cho biết thêm, địa phương đang tiếp tục theo dõi sát và đề nghị huyện, tỉnh có phương án xử lý:

“Uỷ ban đã cử người về kiểm tra, cảnh báo bằng cách rào tre và cảnh báo gia đình không được lui tới khu vực này để tránh trường hợp lở có vấn đề gì  mà không lường trước được, ảnh hướng đến tính mạng và tài sản của người dân. Hiện nay, chúng tôi đã báo lên huyện và huyện cũng đã báo về tỉnh để có hướng dẫn tiếp theo. Chính quyền địa phương hiện đang theo dõi”- ông Trần Viết Hưng cho hay. 

Tại Quảng Bình: Khoảng 11 giờ ngày 19/9, một khối lượng đất lớn bị sạt, đổ tràn vào nhà 1 hộ dân tại thôn Tân Lý, xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa làm rạn nứt nhà bếp, may mắn không thiệt hại về người. Nhận được tin báo, lực lượng chức năng đã đến hiện trường đưa cả gia đình này đến nơi an toàn. Chính quyền địa phương tiếp tục theo dõi, kiểm tra hiện trường, huy động lực lượng khắc phục thiệt hại.

Ứng phó với bão số 4, trưa nay tỉnh Quảng Bình đã sơ tán 238 hộ dân với gần 1.000 người ra khỏi khu vực nguy hiểm. Theo thống kê, tỉnh Quảng Bình ghi nhận 164 điểm sạt lở và nguy cơ sạt lở núi, khu dân cư, bờ sông, biển. Tỉnh Quảng Bình phân công lực lượng kiểm tra, rà soát 74 điểm sạt lở núi khu dân cư, trong đó 8 điểm nguy cơ cao xảy ra sạt lở khi có mưa lớn.

Tại khu vực sạt lở núi Cây Sường ở tổ dân phố 8, thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa và thôn Rục, xã Hồng Hóa, huyện Minh Hóa vẫn còn nhiều hộ dân đối diện nguy cơ sạt lở nhưng chưa di dời theo lệnh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn địa phương.

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, UBND tỉnh Quảng Bình lệnh cho UBND huyện Minh Hóa cương quyết sơ tán người dân tại những điểm không an toàn đến nơi an toàn; cưỡng chế đối với các trường hợp không tuân thủ chỉ đạo về phòng chống thiên tai, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.

Hiện, 40 hộ dân sống dưới chân núi Cây Sường có nguy cơ sạt lở cao chưa thực hiện việc di dời.

Trước đó, mưa lớn tại miền núi tỉnh Quảng Bình làm nước sông suối dâng cao, chia cắt cục bộ tại ngầm tràn bản K Ai, xã Dân Hóa; ngầm CuPi, Tà Cổ, xã Trọng Hoá, huyện Minh Hóa. Tại các khu vực này, nước dâng cao khoảng 0,5m-1m, người và phương tiện không qua lại được. Các đồn Biên phòng đã phối hợp chính quyền địa phương cắm biển báo, tuyên truyền người dân không qua lại khu vực nước chảy xiết.

Ngay trong đêm 18/9,  lực lượng Đồn Biên phòng Cà Xèng, Đồn Biên phòng Ra Mai, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đóng quân trên địa bàn huyện Minh Hóa đã phối hợp với địa phương tổ chức di dời 105 hộ với 506 người dân ở các xã Trọng Hóa, Hóa Sơn, Thượng Hóa, huyện Minh Hóa. Đây là các hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ bị sạt lở, ngập lụt, được di dời đến nơi an toàn ở nhà người thân, nhà văn hóa cộng đồng.

14:09

Từ chiều đến đêm nay, từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị sẽ hứng chịu mưa cực lớn

Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, hiện nay bão số 4 đã ở trên vùng biển ven bờ từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế. Từ chiều đến đêm nay, 19/9, khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị sẽ hứng chịu lượng mưa rất lớn. Người dân cần đặc biệt lưu tâm đến tình trạng lũ lụt và sạt lở đất. Theo dự báo, từ 13h đến 15h chiều nay, hoàn lưu bão số 4 sẽ đi vào đất liền khu vực tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị, vùng gần tâm bão đi qua có thể có gió mạnh giật từ cấp 8 đến cấp 10. Từ Thừa Thiên Huế đến Hà Tĩnh có gió mạnh trên cấp 6.

"Đến thời điểm hiện tại, khu vực từ Đà Nẵng vào phía trong nguy cơ gió mạnh của cơn bão số 4 có thể tạm không đáng ngại, nhưng sẽ mưa to trong chiều nay sau đó giảm dần. Chúng tôi muốn nhấn mạnh cùng với sự dịch chuyển của hoàn lưu, bão số 4 sau khi vào đất liền sẽ gây ra mưa lớn trên diện rộng khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ đặc biệt là khu vực từ Thừa Thiên Huế đến các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá trong đó tập trung đặc biệt khu vực bắc Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị và Hà Tĩnh với lượng mưa có thể rất lớn trong chiều và đêm nay. Chúng ta cần hết sức lưu ý vì lượng mưa lớn đó có thể gây ngập úng đô thị đặc biệt là tình trạng lũ quét và sạt lở đất tại các vùng núi phía Tây"- ông Mai Văn Khiêm cho hay.

Đóng 2 cửa xả mặt còn lại của hồ thủy điện Thác Bà vào lúc 14 giờ chiều 19/9

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có Công điện lệnh Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Thác Bà đóng 2 cửa xả mặt còn lại của hồ thủy điện Thác Bà vào lúc 14 giờ chiều nay.

Hồi 9 giờ sáng nay (19/9) mực nước thượng lưu hồ Thác Bà ở cao trình 57,19 mét, lưu lượng đến hồ 432 mét khối/giây, lưu lượng xả 738 mét khối/giây.

Thực hiện quy định tại Điều 12 Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lệnh Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Thác Bà đóng 2 cửa xả mặt còn lại hồ thủy điện Thác Bà vào hồi 14 giờ chiều nay (19/9). Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, an toàn công trình, lưu lượng đến hồ, mực nước thượng, hạ lưu hồ chứa, kịp thời báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai) và các cơ quan liên quan theo quy định.

11:40

Ứng phó với cơn bão số 4: Người dân không được chủ quan

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia, vào lúc 10h sáng nay, 19/9, vị trí tâm bão nằm trên vùng biển ven bờ từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế. Sức gió mạnh nhất: Cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 11. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 20-25km/h.

Do ảnh hưởng của bão và hoàn lưu sau bão, các tỉnh Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to từ 100-300mm, có nơi trên 500mm; Thanh Hóa, Nghệ An từ 70-150mm, có nơi trên 250mm. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, lũ quét và sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế. 

Ông Nguyễn Xuân Tùng, Phó trưởng phòng Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ NN-PTNT lưu ý, bão số 4 có sức gió giảm nhẹ hơn bão số 3 nhưng người dân không được chủ quan, tránh những thiệt hại đáng tiếc: "Người dân không được chủ quan, lơ là với cường độ bão như vậy vì ngư dân ham đánh bắt cá ở những vùng nhiều cá, cho rằng tàu thuyền có thể chống chịu được. Thứ 2 chúng ta cần lưu ý mưa lũ sau bão. Mưa lũ rất lớn, có nơi trên 500mm, lưu ý cho vùng núi xảy ra lũ quét, sạt lở đất, nhất là vùng núi Thanh Hoá, Nghệ AN, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, hay là ngập sâu tại các vùng như Hà Tĩnh, khu vực ven sông Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế".

Sáng nay 19/9, tại Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng chủ trì cuộc họp Ứng phó bão số 4. Cuộc họp có sự tham gia của Trung tâm dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia, Cục Cứu hộ cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Cục Thuỷ sản, Bộ Công Thương... để khẩn trương triển khai các biện pháp đề phòng úng ngập, lũ quét, sạt lở đất, đảm bảo an toàn cho người dân trong và sau bão số 4.

10:40

Dù bão số 4 chỉ là cơn bão cấp 8 nhưng người dân các địa phương tuyệt đối không được chủ quan

Trả lời phỏng vấn phóng viên Quang Huy/VOV1, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho rằng, dù bão số 4 chỉ là cơn bão cấp 8 nhưng người dân các địa phương tuyệt đối không được chủ quan. Bởi hoàn lưu bão bao trùm khu vực rất rộng, không chỉ ở khu vực chịu tác động trực tiếp là Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ mà còn mở rộng ra các khu vực khác như Nam Đồng bằng Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.

PV: Thưa ông, theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia thì áp thấp nhiệt đới khi mạnh lên thành bão số 4 thì cường độ gió chỉ giật cấp 8. Điều này khiến tâm lý người dân có thể chủ quan là cơn bão này không mạnh và khó có thể ảnh hưởng nhiều. Ông có lưu ý gì về điều này?

Ông Mai Văn Khiêm: Dù là áp thấp nhiệt đới hay bão cấp 8 nhưng chúng tôi khuyến nghị người dân không được chủ quan, không được nghĩ rằng đấy là do yếu, đặc biệt là hoàn lưu cơn áp thấp nhiệt đới này nó bao trùm một khu vực rất rộng, không chỉ trong khu vực đang chịu tác động trực tiếp của cơn áp thấp nhiệt đới là Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ mà còn mở rộng các khu vực khác ở khu vực Nam Đồng bằng và khu vực Tây Nguyên do kết hợp hoàn lưu gió mùa Tây Nam mạnh cũng như nằm trong giải hội tụ nhiệt đới. Chính vì thế, trong hệ thống thời tiết xấu này có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào hiện tượng mưa dông, lốc kèm gió giật mạnh.

Chúng tôi đã nhấn mạnh rất nhiều lần gió giật mạnh trong dông lốc xoáy còn mạnh thậm chí nguy hiểm hơn bão mạnh. Điều này rất nguy hiểm đối với các hoạt động trên biển, trên bờ, đặc biệt ở khu vực neo đậu tàu thuyền, nuôi trồng thủy sản. Chúng ta tuyệt đối không nghĩ rằng đây là cơn bão cấp 8 mà xem thường tác động của nó.

PV: Ngoài gió thì có 1 điều người dân rất quan tâm là áp thấp nhiệt đới khi mạnh lên thành bão sẽ gây mưa với cường độ như thế nào? và những khu vực nào sẽ chịu tác động?

Ông Mai Văn Khiêm: Bởi vì cơn áp thấp nhiệt đới này đang nằm trong hệ thống dải hội tụ nhiệt đới có trục vắt ngang khu vực Trung Trung Bộ, đồng thời đang trong thời kỳ hoạt động mạnh của gió mùa Tây Nam nên tổ hợp này có thể gây ra một đợt mưa trên diện rộng. Chúng ta thấy rằng mưa đã xuất hiện từ hôm qua và chúng tôi nhận định, trong 2 ngày tới lượng mưa ở Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ có thể đạt 100 - 300mm, có nơi trên 500mm.

Khu vực trọng tâm chúng tôi đặc biệt lưu ý ở địa phương như  Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Quảng Trị có thể xuất hiện mưa với cường suất lớn với lượng mưa có thể là trên 100mm trong vòng 3- 6 giờ khi mà cơn áp thấp nhiệt đới đã tiếp cận bờ và tác động trực tiếp. Ngoài ra, mưa không chỉ ở khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung bộ như tôi đã nói do tác động kết hợp gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh cũng như đang nằm trong hệ thống thời tiết xấu của áp thấp thuận nhiệt đới nên vùng mưa có thể xuất hiện các khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ cũng như khu vực phía Nam đồng bằng Thanh Hóa. Mưa khu vực đó thì cũng hết sức lưu ý bởi vì đối với khu vực Tây Nguyên mưa thì các tỉnh như Kon Tum, Đắc Nông, Lâm Đồng… sẽ xảy ra tình trạng sạt lở đất. Thứ hai là mưa khu vực Nam Bộ nếu với cường suất lớn thì liên quan đến ngập úng đô thị,…

PV: Vâng, mưa lớn thì thường kèm theo hiện tượng lũ quét, sạt lở đất. Ông có lưu ý gì cho những khu vực này?

Ông Mai Văn Khiêm: Đợt mưa này như chúng tôi đã cảnh báo với lượng mưa rất lớn lên đến vài trăm mm thì tất cả các khu vực vùng núi phía Tây, Bắc Trung Bộ, Trung Trung bộ và cả khu vực Tây Nguyên đều nằm trong cảnh báo nguy cơ cao về lũ quét và sạt lở đất trong những ngày tới. Thực tế thì hệ thống cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia từ Trung ương đến địa phương bao gồm 8 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ, Trung bộ chúng tôi đã xác định và cảnh báo có đến 80 xã với hơn 200 điểm đang có nguy cơ cao liên quan đến lũ quét, sạt lở đất.

PV: Xin cám ơn ông!

09:36

Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và Kon Tum

Theo Trunng tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong 24 giờ qua (từ 8 giờ ngày 18/9 đến 8 giờ ngày 19/9), khu vực các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãĩ đã có mưa to đến rất to như: Cửa Đạt 82,6mm (Thanh Hóa); Thủy Điện Hủa Na 62,4mm (Nghệ An); Đồn Biên Phòng571 72,2mm (Hà Tĩnh); Hóa Thanh 99,6mm (Quảng Bình); A Bung 211,6mm (Quảng Trị); Phú Lộc 483mm (Thừa Thiên Huế); Suối Lương 302mm (TP. Đà Nẵng); Trà My 336mm (Quảng Nam); Trà Nham 292mm (Quảng Ngãi);...

Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.

Cảnh báo mưa trong 3-6 giờ tới, khu vực các tỉnh trên tiếp tục có mưa với lượng mưa phổ biến như sau: Khu vực Thanh Hoá đến Hà Tĩnh mưa phổ biến từ 30-60mm, có nơi trên 100mm; khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Nam mưa phổ biến từ 60- 120mm, có nơi trên 150mm; tỉnh Kon Tum mưa phổ biến 20-40mm, có nơi trên 60mm.

Trong 6 giờ tới, nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy: Cấp 1, riêng TP.Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế: Cấp 2. 5.

Cảnh báo tác động của lũ quét, sạt lở, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy: Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.

09:14

Bão số 4 cách Quảng Bình - Quảng Trị khoảng 190km về phía Đông, gió mạnh cấp 8

Theo Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, Hồi 7 giờ ngày 19/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc; 108,7 độ Kinh Đông, cách Quảng Bình-Quảng Trị khoảng 190km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10; di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ khoảng 20km/h.

Hiện tại Cồn Cỏ (Quảng Trị) đã có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; Hoành Sơn (Hà Tĩnh) gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; Đồng Hới (Quảng Bình) có gió giật mạnh cấp 7.

 Đêm qua đến sáng nay ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to: Hòa Bắc (Đà Nẵng) 152mm; Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) 270mm, Hương Phú (Thừa Thiên Huế) 249mm; Đrăkrông (Quảng Trị) 112 mm...

Hồi 7 giờ ngày 19/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc; 108,7 độ Kinh Đông, cách Quảng Bình - Quảng Trị khoảng 190km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10; di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ khoảng 20km/h.

Dự báo diễn biến bão (trong 24 giờ tới)

Dự báo tác động của bão trên biển, trong sáng ngày 19/9, vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm khu vực quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6-7 (39-61km/h), giật cấp 9 (75-88km/h), sóng biển cao 2,0-4,0m, biển động mạnh.

Vùng biển từ Nghệ An đến Quảng Ngãi (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Cồn Cỏ, Hòn Ngư) có gió mạnh cấp 6-7 (39-61km/h), sóng biển cao 2,0-4,0m, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10 (89-102km/h), sóng biển cao 3,0-5,0m, biển động mạnh.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, ở khu vực biển từ Bình Định đến Cà Mau, phía Nam của khu vực Giữa Biển Đông và khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, sóng biển cao từ 3,0-5,0m. Biển động mạnh. Khu vực phía Bắc vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8. Sóng cao từ 2-3m5. Biển động.

Ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh tới Đà Nẵng cần đề phòng nước dâng do bão cao từ 0,3-0,5m, kết hợp với triều cao và sóng lớn gây sạt lở đê, kè biển, ngập úng tại khu vực trũng, thấp vào chiều tối ngày 19/9.

Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn, triều cao và nước dâng do bão.

Trên đất liền, từ sáng ngày 19/9, vùng đất liền ven biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10 (89-102km/h); sâu trong đất liền có gió giật cấp 6-7.

Đề phòng xuất hiện các ổ mây dông mạnh phía trước hoàn lưu bão. Trong điều kiện thời tiết xảy ra mưa dông mạnh, hệ quả đi kèm với nó là cây xanh gãy đổ, các mái tôn, biển hiệu quảng cáo có thể bị thổi bay trong không khí.

Dự báo có mưa lớn, từ ngày 19/9 đến ngày 20/9, ở khu vực Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 100-300mm, cục bộ có nơi trên 500mm. Đề phòng mưa cường suất lớn (>150mm/6 giờ) ở khu vực từ Quảng Trị-Đà Nẵng trong ngày 19/9.

Ngày 19/9, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 20-40mm, có nơi trên 70mm.

 Mưa lớn dẫn đến tình trạng ngập lụt cho các khu vực đô thị, nơi tập trung đông dân cư do nước không kịp thoát

08:59

Sân bay Đồng Hới, Quảng Bình tạm dừng khai thác từ 15 giờ đến 22 giờ ngày 19/9

Hiện nay, Cảng Hàng không Đồng Hới đã triển khai giằng chống các hạ tầng, trang thiết bị phương tiện, nạo vét hệ thống thoát nước, ứng phó cơn bão số 4 với phương châm 4 tại chỗ. Tổ chức lực lượng ứng trực sẵn sàng đưa sân bay trở lại khai thác khi kết thúc ảnh hưởng của bão.

Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam chỉ đạo các cảng hàng không nằm trong khu vực ảnh hưởng của bão số 4 gồm Cảng hàng không Đồng Hới, Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng, Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài, Cảng Hàng không Chu Lai và Cảng Hàng không Vinh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra hệ thống kết cấu hạ tầng cảng hàng không, hệ thống thông tin liên lạc. Quá trình kiểm tra cần xử lý kịp thời nếu phát hiện các hư hỏng, bảo đảm an toàn cho các công trình, đài trạm, đảm bảo an toàn cho hoạt động khai thác tại cảng hàng không, sân bay. Đồng thời bố trí trực 24/24 giờ, chủ động cập nhật thông tin khí tượng để kịp thời đề xuất phương án khai thác phù hợp, an toàn.

08:41

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 4 năm 2024.

Tại Cồn Cỏ (Quảng Trị) đã có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7.

Hồi 4 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,3 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng 210km về phía Đông Bắc, cách Quảng Trị khoảng 260km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10; di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ khoảng 20km/h.

Do ảnh hưởng của bão số 4, vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm khu vực quần đảo Hoàng Sa), vùng biển từ Nghệ An đến Quảng Ngãi (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Cồn Cỏ, Hòn Ngư) có gió mạnh cấp 6-7 (39-61km/h), sóng biển cao 2,0-4,0m, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10 (89-102km/h), sóng biển cao 3,0-5,0m, biển động mạnh.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, ở khu vực biển từ Bình Định đến Cà Mau; phía Nam của khu vực Giữa Biển Đông, khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, sóng biển cao từ 3,0-5,0m. Biển động mạnh.

Ven biển các tỉnh từ Quảng Bình tới Quảng Nam cần đề phòng nước dâng do bão cao từ 0,3-0,5m, kết hợp với triều cường và sóng lớn gây sạt lở đê, kè biển, ngập úng tại khu vực trũng, thấp.

Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.

Từ ngày 19/9 đến ngày 20/9, ở khu vực Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 100-300mm, cục bộ có nơi trên 500mm. Đề phòng mưa cường suất lớn (>150mm/6 giờ) ở khu vực từ Quảng Trị-Đà Nẵng trong ngày 19/9.

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Học sinh Thừa Thiên Huế nghỉ học tránh mưa bão
Học sinh Thừa Thiên Huế nghỉ học tránh mưa bão

VOV.VN - Từ đêm qua đến sáng nay, nhiều khu vực từ miền núi đến đồng bằng ven biển tại tỉnh Thừa Thiên Huế đều có mưa, có nơi mưa to. Tỉnh Thừa Thiên Huế cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học ngày hôm nay (19/9) để đảm bảo an toàn trong mưa bão.

Học sinh Thừa Thiên Huế nghỉ học tránh mưa bão

Học sinh Thừa Thiên Huế nghỉ học tránh mưa bão

VOV.VN - Từ đêm qua đến sáng nay, nhiều khu vực từ miền núi đến đồng bằng ven biển tại tỉnh Thừa Thiên Huế đều có mưa, có nơi mưa to. Tỉnh Thừa Thiên Huế cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học ngày hôm nay (19/9) để đảm bảo an toàn trong mưa bão.

Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 4, cách Đà Nẵng 210km về phía Đông Bắc
Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 4, cách Đà Nẵng 210km về phía Đông Bắc

VOV.VN - Hồi 4 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,3 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng 210km về phía Đông Bắc, cách Quảng Trị khoảng 260km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10; di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ khoảng 20km/h.

Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 4, cách Đà Nẵng 210km về phía Đông Bắc

Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 4, cách Đà Nẵng 210km về phía Đông Bắc

VOV.VN - Hồi 4 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,3 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng 210km về phía Đông Bắc, cách Quảng Trị khoảng 260km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10; di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ khoảng 20km/h.

Công điện của Thủ tướng: Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão
Công điện của Thủ tướng: Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão

VOV.VN - Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện về việc tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.

Công điện của Thủ tướng: Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão

Công điện của Thủ tướng: Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão

VOV.VN - Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện về việc tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.