Cập nhật: Lũ quét kinh hoàng tại Lào Cai, hơn 100 người vẫn đang mất tích

VOV.VN -Trận lũ quét đã vùi lấp toàn bộ thôn Làng Nủ với 35 hộ dân, 128 khẩu. Lực lượng chức năng đã ứng cứu được 10 nạn nhân, tìm thấy thi thể 15 nạn nhân, còn lại hơn 100 nạn nhân vẫn đang mất tích. Công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn.

21:14

Lũ quét kinh hoàng tại Lào Cai: Hơn 100 nạn nhân vẫn đang mất tích

Phóng viên An Kiên, Thanh Thủy/VOV- Tây Bắc cho biết: Vào khoảng 6 giờ sáng nay (10/9), một trận lũ quét kinh hoàng đã xảy ra tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai làm rất nhiều người chết và mất tích. Cả thôn đã bị bùn đất san phẳng. Do khu vực xảy ra trận lũ quét nằm cách xa trung tâm, giao thông bị chia cắt, hoàn toàn mất thông tin liên lạc nên việc cứu hộ, cứu nạn gặp muôn vàn khó khăn.

Theo thông tin ban đầu, trận lũ quét đã vùi lấp toàn bộ thôn Làng Nủ với 35 hộ dân, 128 khẩu. Ngay sau khi nhận được thông tin, lực lượng cứu nạn, cứu hộ của huyện và lực lượng tại chỗ đã ứng cứu được 10 nạn nhân, tìm thấy thi thể 15 nạn nhân, còn lại hơn 100 nạn nhân vẫn đang mất tích.

Ông Hoàng Ngọc Diệp, Trưởng thôn Làng Nủ cho biết: "Đám đất bùn to sạt từ trên đỉnh núi Voi xuống, xong vờn lên cao khoảng trên 100m rồi vùng xuống Làng Nủ, vùi lấp bà con trong thôn".

 

Khu vực xảy ra trận lũ quét nằm cách xa trung tâm, giao thông bị chia cắt, hoàn toàn mất thông tin liên lạc nên việc cứu hộ, cứu nạn gặp nhiều khó khăn. Từ sáng nay, huyện Bảo Yên đã gấp rút huy động các lực lượng tiếp cận khu vực sạt lở, tìm kiếm người mất tích.

Trực tiếp có mặt tại hiện trường thăm hỏi người dân và chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai đặc biệt nghiêm trọng này, lãnh đạo huyện Bảo Yên yêu cầu tập trung huy động tối đa nhân lực, phương tiện cho công tác tìm kiếm cứu nạn nơi đây.

Ngay trong chiều tối nay 10/9, lãnh đạo tỉnh Lào Cai và các lực lượng đang lên mọi phương án để tiếp cận hiện trường, khẩn trương tổ chức hoạt động cứu hộ, cứu nạn.

 

Ông Hoàng Quốc Bảo, Bí thư Huyện ủy Bảo Yên cho biết: "Địa phương vẫn chưa có điện, chưa có sóng điện thoại do vậy thông tin liên lạc vẫn đang bị cô lập hoàn toàn. Chúng tôi đang tích cực cùng các lực lượng chức năng như công an, quân đội, dân quân tự vệ và nhân dân địa phương tích cực tìm kiếm, sơ cứu người bị thương và đặc biệt là tìm kiếm thi thể còn nằm dưới đống đổ nát".

Thông tin tiếp theo về công tác cứu hộ, cứu nạn hơn 100 nạn nhân hiện còn mất tích của thôn Làng Nủ trong trận lũ quét đặc biệt nghiêm trọng này sẽ được chúng tôi tiếp tục cập nhật

19:33

Phóng viên An Kiên, Thanh Thủy/VOV- Tây Bắc dẫn thông tin ban đầu cho biết, trận lũ quét xảy ra vào sáng sớm nay (10/9), tại xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đã vùi lấp toàn bộ thôn Làng Nủ với 35 hộ dân, 128 khẩu.

Ngay sau khi nhận được thông tin, lực lượng cứu nạn, cứu hộ của huyện và lực lượng tại chỗ đã ứng cứu được 10 nạn nhân, tìm thấy thi thể 15 nạn nhân, còn lại rất nhiều người vẫn đang mất tích.

Người dân địa phương cho biết, khu vực này chưa bao giờ xảy ra thiên tai nên khi vụ sạt lở núi xảy ra tất cả đều hoàn toàn bất ngờ.

Huyện Bảo Yên đã huy động tối đa lực lượng tiếp cận khu vực sạt lở, tìm kiếm người mất tích.

Trực tiếp có mặt tại hiện trường thăm hỏi người dân và chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, ông Hoàng Quốc Bảo, Bí thư Huyện ủy Bảo Yên cho biết, đây là trận lũ quét gây mất mát, thương vong rất lớn trên địa bàn huyện. Hiện nay, huyện Bảo Yên đang tập trung huy động tối đa nhân lực, phương tiện cho công tác tìm kiếm cứu nạn nơi đây. Khu vực xảy ra trận lũ quét nằm cách xa trung tâm, giao thông bị chia cắt, hoàn toàn mất thông tin liên lạc nên việc cứu hộ, cứu nạn gặp nhiều khó khăn.

 

 

 

18:40

Theo phóng viên Hoàng Lâm/VOV.VN: Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Sóc Sơn vừa có báo cáo nhanh thông tin tình hình sự cố bờ bao Đầm Khoai, xóm Cầu Lai, thôn Lai Sơn, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn.

Theo báo cáo, vào khoảng 13h30 ngày 10/9 xảy ra sự cố tràn, sạt lở, vỡ bờ bao Đầm Khoai, xóm Cầu Lai, thôn Lai Sơn, xã Bắc Sơn, bề rộng điểm vỡ khoảng 5-6m. Nước trong suối Cầu Lai tràn vào gây úng ngập khoảng 12ha (lúa 10ha, màu 2ha).

Theo đánh giá, nguyên nhân sơ bộ là do mực nước sông Công rất cao, chênh mực nước lớn dẫn đến chảy tràn qua suối Cầu Lai gây tràn bờ bao, sạt lở và vỡ bờ bao.

Ngay sau khi xảy ra sự cố, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Sóc Sơn đã chỉ đạo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN xã Bắc Sơn huy động lực lượng tại chỗ xử lý giờ đầu, khoanh vùng ngập xử lý, ngăn chặn sự cố, thực hiện biện pháp cấp bách gia cố, đắp ngăn chặn bở bao để dùng máy bơm tiêu úng.

Huyện cũng huy động bộ đội Trung đoàn 209, sư đoàn 312 hỗ trợ giúp nhân dân tập trung thu hoạch, ứng phó sự cố kịp thời, đảm bảo an toàn. Huyện và xã đang huy động lực  lượng hàn ngay trong tối nay. Một số hộ dân bị ảnh hưởng đã được di dời.

Trước đó trên mạng xã hội lan truyền thông tin Sóc Sơn bị vỡ đê, cơ quan chức năng khẳng định đây là thông tin không chính xác, gây hoang mang trong dư luận cần phải xử lý nghiêm.

18:38

Phóng viên Phi Long thông tin: Chi cục Đường thủy nội địa khu vực I đã giải phóng được 8 phương tiện thủy mắc kẹt tại cầu Vĩnh Phú.

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, 8 phương tiện đường thủy bị mắc kẹt tại cầu Vĩnh Phú đã được giải phóng, đảm bảo an toàn cho cầu.

Sáng nay (10/9), Chi cục Đường thủy nội địa khu vực I đã thông báo hạn chế giao thông đường thủy nội địa tại khu vực cầu Vĩnh Phú, lý trình Km10+850 sông Lô (thuộc địa bàn phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ và xã Đức Bác, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) đến khi có thông báo mới.

Do có nhiều phương tiện thủy bị mắc kẹt vào trụ cầu và thành cầu, vì vậy cấm tất cả các phương tiện thủy lưu thông qua khu vực này, trừ các phương tiện thực hiện nhiệm vụ: cứu hộ, cứu nạn, điều tiết hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông.

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, mặc dù các phương tiện đã được xử lý nhưng vẫn hạn chế giao thông thủy qua khu vực này để đảm bảo an toàn do nước chảy xiết.

17:46

Thái Nguyên: Cùng nhau góp công, góp sức nấu đồ ăn cho bà con vùng ngập lụt

Phóng viên Mạnh Phương, Quang Huy/VOV1 thông tin: Hàng chục người tự nguyện tham giam vào đội ngũ nấu nướng, đóng hộp và vận chuyển những suất cơm thiện nguyện đến tận tay người dân đang ở trong vùng bị ngập sâu của thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Được cầm trên tay suất cơm, xôi, mì do các đoàn tình nguyện trao tận tay, những người dân vùng lũ rất phấn khởi, vui mừng. 

Bắt đầu từ 4h giờ sáng chị Nguyễn Thị Thu Hằng, thành viên CLB Nhân ái 11-11Thái Nguyên tất bật chuẩn bị đồ để nấu ăn phục vụ bà con trong vùng ngập lụt của thành phố Thái Nguyên. Chị Hằng cho biết, bắt đầu từ sáng hôm qua (09/09) nhóm của chị đã chọn địa chỉ 351 đường Phan Đình Phùng làm “đại bản doanh” để nấu nướng đồ ăn đóng hộp, vận chuyển tới tay người dân cũng như các cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm cùng bà con chống lũ. Chỉ tính riêng từ hôm qua đến nay, nhóm của chị đã nấu hàng nghìn xuất cơm, đồ ăn sáng. Ban đầu chỉ có hơn 10 thành viên, nhưng hiện nhóm của chị đã thu hút được hàng trăm thành viên từ trong và ngoài tỉnh. Theo chị Hà, để nấu ra hàng nghìn suất cơm cứu trợ, các chị phải luôn chân luôn tay từ sáng đến khuya, phân chia rõ ràng đầu việc cho từng người, người chuẩn bị thực phẩm, người đứng bếp, người đóng hàng, người liên hệ với các nhóm cứu trợ nhờ họ gửi cơm đến bà con vùng lũ:

"Khi lũ lụt xảy ra là bọn em kêu gọi luôn. Mình có cái gì thì mình giúp cái đấy. Sau đó mọi người cũng lan tỏa và biết được. Tất cả đều đồng lòng và bọn em tập trung vào một địa điểm này để nấu cơm. Bọn em chỉ nhận bằng hiện vật thôi. Ví dụ rau củ quả gạo chứ bọn em không huy động bằng tiền. Mọi người có cái gì cho cái đó thì bọn em nhận và cùng nhau làm. Tất cả mọi người đây kể cả những bạn sinh viên tình nguyện và các cô các chú lớn tuổi đều mỗi tay. Ai có sức bằng nào thì làm bằng đấy".

Mặc dù không phải là thành viên trong nhóm nhưng khi biết được thông tin CLB Nhân Ái 11-11 tổ chức nấu ăn miễn phí cho bà con vùng lũ lụt, chị Đinh Thị Thu Hà, chủ cửa hàng Vật liệu xây dựng Đinh Thái đã quyết định dùng 1 chiếc xe bán tải và 2 xe tải của gia đình để tham gia vận chuyển nguyên liệu đồ ăn cũng như các suất cơm đến tận tay người dân. Chị Hà chia sẻ, chị chỉ mong những suất cơm nhỏ bé này giúp người dân có thêm sức khỏe chống chọi với bão lũ. Mấy ngày qua, bà con đã quá vất vả rồi: "Từ chiều hôm qua là bắt đầu mình đi từ lúc 4h. Bắt đầu đi từ đấy đi đến đêm mới về. Thực ra đây cũng là do tình thương tức là mình là người Việt Nam máu đỏ da vàng phải thương nhau. Không có gì cả. Tất cả đều như thế hết. Từ mọi người trong nhà đều phát tâm hết như thế hết cả".

Bên cạnh phong trào gửi áo phao và đồ dùng thiết yếu, chiến dịch nấu cơm cứu trợ cho vùng ngập lụt đã nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người. Hàng trăm chị em tham gia nấu nướng, chuẩn bị các suất ăn để gửi đến vùng ngập lụt. Nhiều người bỏ công sức và thời gian để đóng gói hàng nghìn phần cơm, hy vọng mang lại chút ấm lòng cho đồng bào vùng lũ đang phải chịu nhiều khó khăn do thiên tai.

Chị Nguyễn Thị Tuấn Phượng, Nhóm thiện nguyện nồi cháo xanh Thái Nguyên chia sẻ: "Mình đến đây từ lúc 4h sáng thì chỉ có vài người thôi, nhưng đến giờ rất đông. Con số không thể kiểm soát và liên tục tin nhắn, điện thoại. Mình cũng không biết mọi người đến từ đâu? từ nguồn nào nữa? Chỉ biết là có rất nhiều người đã và đang chia sẻ đến đây cùng chung tay góp sức mình".

Theo thông tin từ Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh Thái Nguyên, hiện mực nước trên sông Cầu tại các trạm thủy văn Gia Bẩy đang rút dần. Dự kiến trong tối nay, mực nước tại đây sẽ hạ xuống mức báo động 3. Mặc dù nước đã có dấu hiệu rút nhưng các lực lượng chức năng của Thái Nguyên vẫn đang tiếp tục hỗ trợ người dân di chuyển đồ đạc, tài sản, vật nuôi ra khỏi khu vực bị ngập.

 

 

17:11

Đài Khí tượng thủy văn Lào Cai phát đi cảnh báo lũ quét, sạt lở đất

Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai phát đi cảnh báo, trong 6 giờ tới, Lào Cai tiếp tục có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ vùng núi; sạt lở đất trên sườn dốc, sụt lún đất tại các huyện Bắc Hà, Bảo Thắng, Bảo Yên, Bát Xát, Mường Khương, Văn Bàn, thành phố Lào Cai và thị xã Sa Pa.

Theo Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh Lào Cai, từ 13 giờ ngày 9/9 đến 13 giờ ngày 10/9, mưa lớn trải đều tại các địa phương. Trong đó, mưa lớn nhất ở xã Cam Đường, thành phố Lào Cai, với lượng mưa tích lũy là 222,4 mm; xã Xuân Thượng, huyện Bảo Yên 209,8 mm. Các khu vực còn lại lượng mưa lũy tích từ 80 - 170 mm.

Mô hình độ ẩm đất cho thấy khu vực trên toàn tỉnh đã gần bão hòa trên 95%, nhiều nơi đã đạt trạng thái bão hòa. Do đó, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai đã phát đi cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất tại các địa phương trong 6 giờ tới để người dân tiếp tục chủ động các biện pháp phòng chống mưa lũ, nhất là trong đêm tối.

17:02

Phóng viên Phi Long thông tin: Do nước sông Hồng lên báo động một, UBND TP Hà Nội quyết định cấm tất cả phương tiện qua cầu Long Biên từ 15h hôm nay đến khi đảm bảo an toàn.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết sở đã quyết định cấm xe cộ qua lại cầu Long Biên hai chiều cho tới khi nước lũ trên sông Hồng rút và đảm bảo an toàn.

Về phương án phân luồng giao thông, xe cộ nhu cầu đi qua cầu Long Biên lưu thông theo các cầu: Chương Dương, Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Thăng Long.

Chiều nay, lũ sông Hồng đã lên báo động một 9,5 m (cao nhất là báo động ba). Từ năm 2008 đến nay, lũ mới lên cao như vậy. Với lệnh cấm này, người đi bộ, đi xe đạp, xe máy, xe ba bánh không được qua cầu nối quận Hoàn Kiếm với Long Biên.

Cũng trong sáng nay, Sở GTVTHà Nội cấm xe khách, xe hợp đồng, ô tô du lịch trên 9 chỗ, ôtô tải trên 0,5 tấn chạy trên cầu Chương Dương qua sông Hồng từ 8h30 do lo ngại mất an toàn.

16:53

Tàu cát bị đắm trên sông Hồng, CSGT giải cứu 3 người mắc kẹt

Phóng viên Phi Long/VOV.VN thông tin: Vào lúc 10h30 ngày 10/9, Đội Cảnh sát đường thủy số 2, Phòng CSGT Công an Hà Nội phát hiện một phương tiện thủy bị chìm tại đoạn sông Hồng thuộc địa phận phường Ngọc Lâm, quận Long Biên.

Tại hiện trường, tàu hàng đã bị lật úp ở khu vực gần bãi giữa sông Hồng. Thời điểm này, ba người trên tàu đang tránh trú trên mái nhà dân gần khu vực tàu chìm, xung quanh nước ngập sâu. Khu vực xảy tai nạn bị nước cô lập hoàn toàn, không tiếp cận được bằng đường bộ. Do đó, CSGT đã hỗ trợ đưa 3 thuyền viên lên tàu, kiểm tra y tế. Hiện sức khỏe cả 3 người đều ổn định.

Qua xác minh, phương tiện gặp nạn có số đăng ký NĐ-3928 do anh T.N.Đ (SN 1987) điều khiển. Hai người còn lại đều trú huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Khoảng 4h30 cùng ngày, phương tiện chở cát đến địa phận quận Long Biên, do mực nước sông Hồng cao, sóng to nên anh D neo đậu vào bờ phải sông Hồng. Tuy nhiên, thời tiết sóng to, gió lớn nên phương tiện bị va đập vào đá ngầm, nước tràn vào khoang gây lật úp và chìm. Rất may, 3 thuyền viên đã kịp thời nhảy khỏi tàu bơi vào bãi bồi sông Hồng.

16:41

Hà Nội tiếp tục ban hành lệnh báo động lũ

16:35

Hà Nội ra công điện tăng cường công tác kiểm soát, đảm bảo an toàn khai thác các công trình cầu

Để đảm bảo cho Nhân dân đi lại an toàn, thuận lợi, ngăn chặn kịp thời các nguy cơ ảnh hưởng tác động và đảm bảo an toàn khai thác đối với các công trình cầu trên địa bàn, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu:

Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá toàn bộ các công trình cầu đang khai thác trên địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý (đặc biệt là các công trình cầu vượt sông, cầu phao, cầu tạm) để kịp thời phát hiện đưa ra biện pháp xử lý ngay đối với các công trình có nguy cơ mất an toàn khai thác.

Căn cứ thực tế hiện trạng công trình, tình hình nước lũ, quyết định việc tạm dừng hoạt động khai thác kịp thời đối với các công trình cầu không đảm bảo hoặc có nguy cơ mất an toàn giao thông; đồng thời phối hợp cùng Sở Giao thông vận tải, Công an Thành phố và các lực lượng chức năng phân luồng đảm bảo giao thông, hướng dẫn người dân đi lại được an toàn và thuận lợi.

Theo dõi, giám sát thường xuyên tình hình nước lũ trên các tuyến sông, đánh giá các tác động ảnh hưởng đến khả năng khai thác các công trình cầu vượt 2 sông để đưa ra các cảnh báo, biện pháp xử lý phù hợp. Trong trường hợp cần thiết dừng hoạt động khai thác để tiến hành sửa chữa, cải tạo hoặc thay mới.

Tổng hợp danh sách các công trình cầu yếu, cầu tạm cần cải tạo, sửa chữa, thay mới (sắp xếp thứ tự ưu tiên theo mức độ quan trọng) kèm theo nhu cầu về kinh phí gửi Sở Giao thông vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để tổng hợp xem xét, bố trí nguồn vốn đầu tư, cải tạo, sửa chữa.

Chịu trách nhiệm toàn diện về việc đảm bảo an toàn khai thác đối với các công trình cầu do địa phương quản lý theo phân cấp; chủ động phối hợp với Sở Giao thông vận tải để được hướng dẫn, xử lý các vấn đề liên quan đến kỹ thuật chuyên ngành, cũng như phương án kỹ thuật xử lý sự cố phát sinh (nếu có).

Chủ tịch thành phố yêu cầu Giám đốc Sở Giao thông vận tải hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai các nội dung công việc, nhiệm vụ đã được giao tại mục 1 nêu trên và tổng hợp, theo dõi đôn đốc các địa phương trong tổ chức triển khai, thực hiện.

Tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các công trình cầu do Thành phố quản lý (đặc biệt là các công trình cầu lớn vượt sông, các công trình cầu đã đưa vào khai thác, sử dụng nhiều năm), trong đó cần quan tâm đến việc kiểm tra, đánh giá các tác động ảnh hưởng đến kết cấu công trình phần dưới (móng, trụ cầu) bị ảnh hưởng bởi dòng chảy, biến đổi địa chất sau nhiều năm khai thác vận hành để đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp theo mức độ ảnh hưởng và yêu cầu kỹ thuật.

Quyết định việc dừng hoạt động hoặc hạn chế phương tiện đi qua đối với các công trình cầu thuộc thẩm quyền được giao quản lý. Chủ trì lên phương án phân luồng đảm bảo an toàn giao thông qua các công trình cầu. Tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện đối với các công trình cầu đang hạn chế tải trọng. Phối hợp đảm bảo an toàn các công trình cầu vượt sông do Bộ Giao thông vận tải đang quản lý nằm trên địa bàn Thành phố.

Tổng hợp danh mục, số liệu các công trình cầu cần cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới, đề xuất UBND Thành phố lộ trình thực hiện theo từng giai đoạn. Trong đó đề xuất bổ sung ngay danh mục các công trình cầu cần cải tạo, sửa chữa sử dụng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế để khắc phục sửa chữa các hư hỏng nhẳm đảm bảo duy trì khả năng khai thác.

Chịu trách nhiệm về quản lý ngành đối với việc đảm bảo an toàn các công trình cầu được giao quản lý. Theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Công điện này, kịp thời báo cáo UBND Thành phố chỉ đạo giải quyết những vấn đề phát sinh vượt quá thẩm quyền.

15:25
15:17

146 người chết, mất tích; 752 người bị thương do mưa lũ của bão số 3

Theo Cục quản lý đê điều và phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến 13 giờ trưa nay (10/9) bão và mưa lũ do hoàn lưu bão số 3 đã làm 146 người chết và mất tích; 752 người bị thương. Trong đó, có 85 người chết và 64 người mất tích.

Cao Bằng là địa phương chịu thiệt hại nặng nề về người với 19 người chết, 11 người mất tích; tiếp đến là tỉnh Lào Cai với 19 người chết, 11 người mất tích; Yên Bái: 22 người chết, 6 người mất tích; Quảng Ninh: 9 người chết; Hòa Bình: 4 người chết; Phú Thọ: 8 người mất tích…

Bão số 3 và hoàn lưu bão đã làm 85 tàu thuyền các loại bị chìm tại nơi neo đậu; 148.632 ha lúa và 26.186 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; 11.038 ha cây ăn quả bị hư hại; 1.577 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 1.200 con gia súc và hơn 680.000 con gia cầm bị chết.

Về hạ tầng điện và viễn thông: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng: 12 đoạn đường dây 500Kw, 36 đường dây 220Kw, 173 đường dây 110Kw bị sự cố và 5.305 cột điện bị gãy đổ.

Do thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật mạnh đã làm 48.337 nhà ở bị hư hỏng; nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông, trạm phát sóng di động bị gẫy đổ; cây xanh đô thị bị bật gốc, gẫy đổ trên các tuyến đường tại các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội…

15:15

Vùng bãi Cự Khối, Long Biên, Hà Nội: nguy cơ ngập 180 ha hoa màu khi nước sông Hồng dâng cao

Phóng viên Hương Lan/VOV1 thông tin: Vùng bãi Cự Khối, Phường Cự Khối, quận Long Biên, thành phố Hà Nội là một trong những nơi trồng nhiều cây ăn quả bên sông Hồng bị thiệt hại lớn sau bão số 3. Hiện nay, mực nước sông Hồng đang dâng cao, nguy cơ gây ngập đến 180ha cây trồng ở đây.

Sau cơn bão số 3, diện tích trồng cây ăn trái ở vùng bãi sông Hồng này bị thiệt hại khá lớn, khoảng đến 40%. Hoàn toàn các diện tích trồng chuối sau bão số 3 bị đổ dập 15 ha, không thể phục hồi được; rau màu bị thiệt hại khoảng 15 ha, cây táo ảnh hưởng tới năng xuất 7 ha, cây ổi ngập nước khoảng 50 ha. Và hiện nay mực nước sông Hồng dâng lên rất cao, chạm ngưỡng báo động 1. Theo UBND phường Cự Khối, nếu mực nước sông Hồng ở mức báo động 1 trở lên sẽ ảnh hưởng đến 180 ha rau, quả các loại ở vùng bãi Cự Khối này.

Vừa chịu mất mát thiệt hại sau cơn bão số 3, vừa phải ứng phó với mực nước sông Hồng dâng lên cao nên người dân ở phường Cự Khối hết sức lo lắng.

Ông Đỗ Văn Sơn, người dân ở Tổ 1, phường Cự Khối cho biết, nếu mực nước sông Hồng dâng lên cao thì toàn bộ diện tích trồng cây ăn trái của gia đình ông sẽ bị ngập: "Năm 2016 mực nước đã to như thế này rồi, năm nay là to như năm 2016, đỉnh đấy. Đêm nay và ngày mai nữa không biết thế nào, nước nó vào đây sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ, chuối, ổi hỏng hết. Dân cả năm chỉ trông vào mấy tháng cuối năm để chờ đến Tết thôi đấy mà bà con hỏng hết hoa màu".

Trước tình trạng mực nước sông Hồng dâng lên cao như hiện nay, UBND phường Cự Khối cũng đã có phương án triển khai để ứng cứu. UBND phường đã phân công các tiểu ban, phân công trực tại các điếm canh đê, và chuẩn bị các phương án để di dời người dân.

Bà Phạm Thị Thuỳ Dung, Phó Chủ tịch UBND phường Cự Khối cho biết: "Đối với các phương án ứng phó của phường với mực nước lũ sông Hồng dâng cao, thì phường cũng đã tập trung ngay để triển khai các phương án thực hiện nhiệm vụ đến các lực lượng và chuẩn bị các điều kiện để ứng phó với các tình huống cấp thiết xảy ra; đồng thời cũng yêu cầu người dân và các hộ sản xuất nông nghiệp chủ động thu hoạch hoa màu, di chuyển tài sản ra khỏi vùng ngập lụt để đảm bảo an toàn. Vùng nước lũ dâng lên cao hơn, gây ngập úng cho nhà dân thì chúng tôi sẽ có phương án di dời người dân vào các nhà văn hoá các tổ dân phố trong đê".

15:03

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long kiểm tra tình hình mưa lũ tại Yên Bái

Phóng viên Đinh Tuấn/VOV-Tây Bắc: Sáng nay 10/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cùng đoàn công tác đã đến làm việc với tỉnh Yên Bái và chỉ đạo công tác khắc phục thiệt hại mưa lũ. Cùng đi có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường.

Đến nay, mưa lũ tại Yên Bái đã làm 22 người chết, 6 người mất tích. Nhiều địa phương hiện đang bị cô lập, chia cắt do nước sông dâng cao và sạt lở đất; hơn 13.500 nhà ở bị thiệt hại; nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở nghiêm trọng gây ách tắc giao thông. Hệ thống lưới điện Trung áp và hạ áp cũng bị ảnh hưởng nặng nề gây mất điện tại nhiều địa phương; hệ thống thông tin liên lạc cũng bị gián đoạn.

Tỉnh đã huy động trên 10.800 người tham gia khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Huy động tổng lực về các phương tiện để đảm bảo thông các tuyến đường, khắc phục hệ thống thông tin liên lạc, điện lưới cũng như cứu hộ những hộ dân bị thiệt hại... 

 Hiện lũ trên sông Thao tại Yên Bái vẫn đang tiếp tục lên, dự báo trong 6-12 giờ tới, lũ trên sông Thao tiếp tục lên duy trì ở mức trên lũ lịch sử, mực nước trên sông Ngòi Thia dao động ở mức cao, nhiều địa phương vẫn bị chia cắt, cô lập, cũng như nguy cơ xảy ra sạt lở taluy, úng ngập trên diện rộng, việc tiếp cận cứu trợ, cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề nghị Quân khu II, Bộ Quốc phòng hỗ trợ các địa phương của Yên Bái; giao cho Bộ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường phụ trách địa bàn TP Yên Bái; giao cho đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái phụ trách huyện Yên Bình, hỗ trợ việc di dời các hộ dân những vùng xung yếu.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị xem xét nâng cấp độ thiên tai để chủ động ứng phó phù hợp với tình huống thiên tai hiện đang xảy ra trên địa bàn tỉnh. Cần thiết phải huy động những lực lượng chuyên nghiệp, để có những giải pháp phù hợp trong cứu hộ, cứu nạn. Mục tiêu cuối cùng là hạn chế thấp nhất thiệt hại, trong đó đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân là trên hết. Đồng thời giao cho Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tham mưu các phương án hỗ trợ tỉnh Yên Bái trong việc khắc phục hậu quả mưa lũ.

Cũng tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đề nghị địa phương quan tâm diễn biến thời tiết, việc xả lũ của các thủy điện, công tác cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ người dân; tính dự báo để ứng phó, có các phương án tiếp tế cho người dân tại các địa bàn đang khó tiếp cận. Trong đó cần phải có ngay các phương tiện xuồng máy cơ động đến những điểm chia cắt tại thành phố Yên Bái, Trấn Yên, Lục Yên, Văn Yên để cứu trợ đưa người về nơi an toàn...

Những vị trí có nguy cơ sụt sạt cần tiếp tục di dời dân, quan tâm đến việc hỗ trợ những gia đình nạn nhân xấu số. Đồng thời tiếp tục triển khai các giải pháp về khôi phục cấp điện, nước sinh hoạt, thông tin liên lạc, xăng dầu...

14:50

Sạt lở đất nghiêm trọng tại xã Minh Xuân (Yên Bái) làm 5 người chết, 4 người mất tích

Thông tin từ lãnh đạo UBND huyện Lục Yên (Yên Bái) cho biết, khoảng 2h sáng nay 10/9, tại Thôn Át, xã Minh Xuân, huyện Lục Yên đã xảy ra vụ sạt lở đất từ trên đồi cao tràn xuống nhà dân, vùi lấp hoàn toàn 5 hộ gia đình sinh sống phía dưới chân đồi, làm 5 người chết và 4 người mất tích.

Ngay khi nắm bắt tình hình, lực lượng chức năng huyện Lục Yên đã huy động gần 300 người gồm công an, quân sự xã, chính quyền địa phương cùng người dân tham gia cứu hộ, cứu nạn.

Tại hiện trường, các lực lượng đã tìm thấy thi thể 5 người và đưa 2 người bị thương đi cấp cứu. Các đơn vị đang tìm kiếm 4 người mất tích. Tuy nhiên, do thời tiết mưa kéo dài nhiều ngày, vị trí đất trên đồi cao vẫn có nguy cơ bị sạt lở khiến việc tìm kiếm, khắc phục gặp nhiều khó khăn.

Như vậy, hoàn lưu bão số 3 tại Yên Bái đã làm 28 người chết và mất tích, 10 người bị thương.

14:29

Phóng viên Nguyễn Trang- Hoài Lam/VOV.VN phản ánh: Tính đến trưa nay (10/9), tại TP Thái Nguyên nhiều xã, phường vẫ ngập sâu trong nước. Lực lượng chức năng huy động tối đa nguồn lực để cứu hộ người dân ra khỏi vùng lũ đến nơi an toàn. Một số hộ dân có nhà cao tầng được hỗ trợ đầy đủ nhu yếu phẩm.

Tuy nhiên, tại một số khu vực, nước sâu, thông tin liên lạc bị gián đoạn, lực lượng chức năng vẫn đang nỗ lực để tiếp cận người dân.

Cũng trong sáng nay 910/9), Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã thị sát, chỉ đạo công tác phòng chống bão lụt tại Thái Nguyên. Đề nghị tỉnh tiếp tục theo dõi diễn biến mưa lũ để chủ động ứng phó; không được chủ quan khi nước rút, tránh để tai nạn xảy ra; có kế hoạch khắc phục ngay những nơi ngập sâu, không để xảy ra dịch bệnh sau ngập lụt; cứu trợ, cứu đói cho dân;... đặc biệt là khắc phục cơ sở hạ tầng: Đường, điện, thông tin, giáo dục, y tế,... để sớm đưa học sinh đến trường, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Phó Thủ tướng cũng lưu ý việc khắc phục hệ thống điện phải nhanh nhất nhưng cũng phải đảm bảo an toàn.

Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến đối với kiến nghị của tỉnh Thái Nguyên về hỗ trợ nguồn lực chống bão, khắc phục hậu quả sau bão; nâng cấp hệ thống đê hữu sông Cầu;..

Đặc biệt, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh phải đặc biệt quan tâm đến việc phục hồi sản xuất kinh doanh, dịch vụ, sản xuất nông nghiệp,... sớm trở lại bình thường.

Hình ảnh lực lượng quân đội, công an giúp dân chống lũ:

14:18

Nước sông Hồng lên cao, nhiều diện tích trồng hoa, đào Nhật Tân ngập lụt

Phóng viên Hương Giang, Tuấn Nam/VOV1 đang ở Khu du lịch Bãi đã Sông Hồng, Phường Nhật Tân, TP.Hà Nội ghi nhận: Mực nước sông Hồng trong sáng nay dâng cao rất nhanh. Mưa lớn suốt đêm 9/9 tới sáng nay đã làm ngập nhiều vườn đào của bà con Nhật Tân.

Do nước sông Hồng dâng cao tràn qua bờ hàng trăm mét và ngập đến cổng của khu du lịch bãi đá sông Hồng. Theo phản ánh của người dân đây là đợt ngập sâu nhất kể từ năm 2008 đến nay, đến nay nước đã dâng rất nhanh cao khoảng 2 m so với chiều qua và nơi ngập sâu nhất khoảng 6 m.

Hiện đang có rất nhiều người dân kinh doanh và canh tác nông nghiệp tại bãi đá sông Hồng đang tập trung tại đây để kiểm tra tình hình ngập lụt và chuẩn bị đối phó.

Ông Nguyễn Văn Thuận, cụm dân cư số 5 phường Nhật Tân cho biết: "Nước lên nhanh, hiện cứ 1 tiếng là 20cm, chỗ vườn đào ngập ngang bụng rồi. Lâu lắm rồi mới lại ngập như thế này. Nhiều cây đào gãy, đổ, ngập trong nước, thiệt hại quá lớn, không thể cứu được".

14:18

Nước sông Hồng lên cao, nhiều diện tích trồng hoa, đào Nhật Tân ngập lụt

Phóng viên Hương Giang, Tuấn Nam/VOV1 đang ở Khu du lịch Bãi đã Sông Hồng, Phường Nhật Tân, TP.Hà Nội ghi nhận: Mực nước sông Hồng trong sáng nay dâng cao rất nhanh. Mưa lớn suốt đêm 9/9 tới sáng nay đã làm ngập nhiều vườn đào của bà con Nhật Tân.

Do nước sông Hồng dâng cao tràn qua bờ hàng trăm mét và ngập đến cổng của khu du lịch bãi đá sông Hồng. Theo phản ánh của người dân đây là đợt ngập sâu nhất kể từ năm 2008 đến nay, đến nay nước đã dâng rất nhanh cao khoảng 2 m so với chiều qua và nơi ngập sâu nhất khoảng 6 m.

Hiện đang có rất nhiều người dân kinh doanh và canh tác nông nghiệp tại bãi đá sông Hồng đang tập trung tại đây để kiểm tra tình hình ngập lụt và chuẩn bị đối phó.

Ông Nguyễn Văn Thuận, cụm dân cư số 5 phường Nhật Tân cho biết: "Nước lên nhanh, hiện cứ 1 tiếng là 20cm, chỗ vườn đào ngập ngang bụng rồi. Lâu lắm rồi mới lại ngập như thế này. Nhiều cây đào gãy, đổ, ngập trong nước, thiệt hại quá lớn, không thể cứu được".

14:09

Mưa lũ ở Yên Bái: 28 người chết, thiệt hại hơn 13.500 nhà

Phóng viên Thu Thùy, Xuân Tuấn/VOV-Tây Bắc phản ánh: Mưa lũ do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 những ngày qua đã gây ảnh hưởng nặng nề đến người và tài sản ở tỉnh Yên Bái.

Thống kê đến sáng nay, toàn tỉnh đã có 28 người chết và mất tích, 10 người bị thương. Trong đó 22 người chết do sạt lở đất ở các huyện Văn Chấn, Lục Yên và thành phố Yên Bái; 6 người ở huyện Lục Yên và thành phố Yên Bái hiện vẫn đang mất tích. 10 người bị thương là ở TP. Yên Bái và các huyện Lục Yên, Văn Yên.

Mưa lũ cũng làm hơn 13.500 nhà ở của người dân bị ảnh hưởng. Trong đó có 40 nhà ở các huyện Trạm Tấu, Văn Chấn, Yên Bình, Lục Yên, Văn Yên bị sập đổ hoàn toàn; hơn 10.300 nhà bị ngập nước; 2.300 nhà phải di dời người và tài sản để đảm bảo an toàn.

Thiệt hại về nông nghiệp, bao gồm lúa, ngô, rau màu  là hơn 4.000 ha; hơn 1.500 con gia súc, gia cầm bị chết; nhiều diện tích nuôi cá truyền thống và 400m2 nuôi cá tầm bị lũ tràn qua, vỡ bờ.

 Về giao thông, toàn tỉnh ghi nhận hơn 200 vị trí sạt lở tại các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ với khối lượng hàng trăm nghìn m3 đất đá, hiện nhiều điểm đang tắc đường do sạt lở, ngập nước… Đối với tuyến giao thông cơ sở cũng có hàng trăm điểm sạt lở tại Thị xã Nghĩa Lộ và các huyện Trạm Tấu, Văn Chấn, Lục Yên…

Ngoài ra, mưa lũ cũng gây thiệt hại nhiều công trình công cộng, như hệ thống điện, nhà làm việc, Trung tâm y tế huyện, trụ sở Ủy ban nhân dân xã, Công trình thủy lợi, kè… Ước thiệt hại khoảng 100 tỷ đồng.

Trong sáng nay, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã đến Yên Bái để kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục. Trong bối cảnh mất điện, mất nước ở nhiều nơi và ngập lụt toàn thành phố, cấp uỷ, chính quyền và các lực lượng chức năng ở Yên Bái đang nỗ lực trên tinh thần cao nhất để triển khai công tác ứng cứu, khắc phục các thiệt hại.

12:01

Theo báo Tuyên Quang online, váo cáo nhanh của Đài Khí tượng và Thủy văn, 8 giờ ngày 10/9, mực lũ sông Lô đoạn qua thành phố Tuyên Quang đã đạt 26,21 m trên báo động 3, 0.21 m cấp cực kỳ nguy hiểm. Đây là trận lũ lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây. Quân đội, Công an, các địa phương đã huy động tối đa lực lượng đưa người dân ra khỏi khu vực bị ngập. Nước lũ vẫn tiếp tục lên, các địa phương cần triển khai các biện pháp ứng phó, tập trung cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an toàn cao nhất về người.

11:31

Phóng viên Phi Long/VOV.VN thông tin: Kiểm tra công tác cứu hộ, cứu nạn tài cầu Phong Châu, Đại tá Nguyễn Minh Tuấn -  Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ hứa sẽ cùng lực lượng tìm kiếm cứu nạn cứu hộ làm hết sức mình để tìm kiếm cũng như đưa những người bị nạn vào bờ.

Chia sẻ với gia đình các nạn nhân, Đại tá Nguyễn Minh Tuấn thay mặt lãnh đạo tỉnh Phú Thọ xin được chia sẻ nỗi niềm, sự lo lắng của người thân các nạn nhân trong vụ sập cầu Phong Châu.

Thông tin thêm, Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, việc điều tra, xử lý liên quan tới vụ sập cầu sẽ được cơ quan chức năng xem xét.

“Việc điều tra xử lý đương nhiên là trách nhiệm của chúng tôi cùng với các cơ quan chức năng. Hiện nay, việc này chưa đặt ra ở đây, nhưng chúng tôi đang chỉ đạo các đơn vị chức năng. Nguyên nhân ban đầu vụ sập cầu Phong Châu chưa thể đánh giá ngay được, vì lực nước chảy siết, không ngoại trừ trường hợp vật cứng ở đâu đó va đập vào cầu. Tuy nhiên, nguyên nhân phải để cơ quan chức năng điều tra, xác minh mới có thông tin chính xác”, Đại tá Nguyễn Minh Tuấn cho biết.

 

11:28

Thông tin vỡ đập thủy điện tại huyện Bát Xát ( Lào Cai)  là sai sự thật

Từ chiều tối qua 9/9, trên một số trang mạng xã hội có đăng thông tin trên địa bàn huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai xảy ra vỡ đập thủy điện, sạt lở đập thủy điện trên địa bàn xã Nậm Pung, gây hoang mang dư luận.

Bà Bàn Thanh Thảo, Quyền Chủ tịch UBND huyện Bát Xát khẳng định thông tin vỡ đập thủy điện ở địa phương là không chính xác.

Hiện tình hình mưa lũ tại Lào Cai vẫn diễn biến phức tạp. Cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương đang chung tay khắc phục hậu quả mưa lũ, sớm ổn định cuộc sống nhân dân. Những thông tin bịa đặt, sai sự thật hoặc chưa có sự kiểm chứng của cơ quan chức năng khiến dư luận hoang mang, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân cũng như việc khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra. Những tổ chức, cá nhân đưa tin sai sự thật trên các nền tảng mạng xã hội sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

10:50

Trước những diễn biến phức tạp của mưa lũ, sáng 10/9, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội ban hành Lệnh báo động I lũ trên sông Hồng.

Trước đó, đêm 9/9, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã có Công điện số 13 hỏa tốc chỉ đạo các đơn vị tập trung ứng phó lũ lớn trên các tuyến sông.

10:46

Giao thông từ Lai Châu đi các tỉnh miền xuôi tạm thời bị chia cắt

Phóng viên Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc: Các phương tiện từ Lai Châu đi các tỉnh miền xuôi và ngược lại phải tạm ngừng hoạt động do sạt lở trên quốc lộ 32 qua địa phận tỉnh Yên Bái và quốc lộ 4D qua địa phận tỉnh Lào Cai. Tin của PV Khắc Kiên, CQTT Tây Bắc.

Thông tin từ Sở Giao thông – Vận tải tỉnh Lai Châu, có hàng chục điểm sạt lở trên tại quốc lộ 4D, đoạn tuyến Đèo Ô Quy Hồ, thuộc địa phận xã Sơn Bình, huyện Tam Đường. Đến nay, các điểm sạt lở này thuộc địa phận tỉnh Lai Châu đã được khắc phục tạm để thông đường, đảm bảo các điều kiện cho người và phương tiện lưu thông.

Tuy nhiên, từ đêm qua (9/9) đến sáng nay, đoạn tuyến quốc lộ 4D từ thị xã Sa Pa đi thành phố Lào Cai và đoạn tuyến quốc lộ 32 thuộc địa phận tỉnh Yên Bái xuất hiện nhiều điểm sạt lở lớn. Để đảm bảo an toàn, cơ quan chức năng 2 tỉnh Yên Bái và Lào Cai đã cử lực lượng chốt chặn, thông báo cho người điều khiển phương tiện tạm ngừng di chuyển về hướng Lai Châu. Các phương tiện lưu thông trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai để về Lai Châu phải tạm ngừng nghỉ tại km 237 và phương tiện di chuyển trên quốc lộ 32 phải ngừng nghỉ tại Văn Chấn (Yên Bái).

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Phó Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải tỉnh Lai Châu cho biết, cung đường đèo Ô Quy Hồ, nơi những ngày qua xuất hiện hàng chục điểm sạt lở đã thông tạm, tuy nhiên trên địa bàn hiện vẫn có mưa và nguy cơ tiếp tục sạt lở là rất cao. Hiện các đơn vị phụ trách thi công vẫn đang túc trực nhân lực, máy móc, phương tiện 24/24h để sẵn sàng khắc phục thông đường.

10:23

Tình người trong lũ dữ

Nhóm phóng viên VOV-Tây Bắc phản ánh: Sau vụ sạt lở đất kinh hoàng làm 5 người chết, 9 người bị thương tại thôn Hòa Sử Pán 1, xã Mường Hoa, toàn bộ người dân trong vùng có nguy cơ sạt lở đã được cấp ủy, chính quyền thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai di chuyển đến tránh trú tại các trường học ở địa phương.

Tại đây, những bữa cơm nghĩa tình, ấm áp tình yêu thương sẻ chia đã được các thầy cô giáo và nhà hảo tâm chuẩn bị với mong muốn cùng với các lực lượng chức năng và bà con vượt qua những ngày khó khăn, hoạn nạn.

09:33

Mực nước trên sông Hồng tại thành phố Lào Cai bắt đầu rút

Nhóm phóng viên/VOV-Tây Bắc phản ánh, vào 20h tối qua (9/9), mực nước trên sông Hồng tại thành phố Lào Cai là 86,91m.  Ghi nhận tại khu vực cầu Phú Thịnh, cuối đường An Dương Vương vào lúc hơn 6h sáng nay (10/9), nước đã rút khoảng 1m. 

Thời tiết tại thành phố Lào Cai sáng nay mưa giảm hơn đêm qua, nhiều khu dân cư ven sông Hồng nước cũng đang rút dần. Chị Nguyễn Thị Hạnh, ở đường Hồng Hà, phường Cốc Lếu cho biết, từ chiều hôm qua đến khoảng 22h đêm nước vẫn dâng, nhưng từ 11h đêm nước bắt đầu rút dần, đến sáng nay trong nhà nước rút xuống khoảng 40-50cm. 

"Hiện tại khu dân cư của chúng tôi mọi người vẫn đang đi sơ tán hết, chỉ còn một vài hộ dân ở lại vì nước bên ngoài rất cao. Tài sản nhà tôi không chạy hết được, ngập trong nước. Vì cắt điện từ trưa hôm qua và cũng không có nước nên hiện tại gia đình đang dùng lại nước còn lại trong téc và dùng hết sức tiết kiệm. Hiện tại chủ yếu ăn mì tôm, bánh mì mua sẵn từ hôm qua".

Mưa lũ trong những ngày qua tại tỉnh Lào Cai đã làm hơn 1.200 ngôi nhà bị ngập nước, sạt lở, lũ cuốn; 129 xã bị mất điện, trong đó các huyện Si Ma Cai, Mường Khương, Bắc Hà mất điện hoàn toàn.

Suốt đêm qua, các lực lượng công an, quân đội cùng lực lượng cứu hộ, cứu nạn tại các địa phương tiếp tục huy động phương tiện khẩn trương rà soát, tìm kiếm người dân còn mắc kẹt trong các căn nhà bị ngập, đưa đến nơi an toàn. Đồng thời chủ động bố trí, cung cấp các nhu yếu phẩm cần thiết cho các hộ bị ngập úng, cô lập.

Ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết: "Tỉnh huy động cả hệ thống chính trị, đặc biệt người dân, lực lượng quân đội, biên phòng, công an… tập trung dồn hết sức để phòng chống và khắc phục trên toàn tỉnh. Tiếp tục lo cho đời sống nhân dân với các vùng bị ngập lụt. Tập trung khắc phục các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ; hệ thống điện trên địa bàn huyện Bát Xát, Bảo Yên, đảm bảo thông tin liên lạc. Chúng tôi sẽ cố gắng có được những giải pháp đảm bảo hạ tầng, đảm bảo các điều kiện sinh hoạt cho người dân".

09:27

Công an Phú Thọ trắng đêm chống lũ cùng nhân dân

Phóng viên Vũ Khuyên/VOV thông tin: Trước tình hình mực nước trên sông Thao tại huyện Hạ Hoà tiếp tục dâng cao, đêm ngày 9/9, Công an tỉnh Phú Thọ do đồng chí Đại tá Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh đã "trắng đêm" tổ chức sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, hỗ trợ người dân di dời tài sản đến vị trí an toàn và ứng trực tại các vùng đê xung yếu.

Đến 17h ngày 9/9, mực nước sông Thao tại Trạm Thủy văn Ấm Thượng đã lên trên 27,44m, vượt mức báo động số III trên 1,44m khiến thiệt hại trên 433ha diện tích cây nông, lâm nghiệp và thủy sản, nhiều nhà cửa bị chìm trong nước. Tình trạng mưa lớn vẫn tiếp tục kéo dài, nước sông Thao tiếp tục tăng cao, cảnh báo nguy cơ ngập lụt trên diện rộng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân tại các xã ven sông Thao. Đặc biệt là tại các xã vùng trũng như Đan Thượng, Hiền Lương, Thị trấn Hạ Hòa, Bằng Giã, với khoảng khoảng 430 hộ dân thuộc diện di dời do ngập, lụt, huyện Hạ Hòa đã khẩn trương đưa được 374 hộ dân tới vùng an toàn.

0 giờ 20 phút sáng, lực lượng công an tỉnh Phú Thọ vẫn đang khẩn trương đến từng nhà, động viên bà con nhân dân di chuyển đến nơi an toàn để tránh lũ, mặt khác vừa ứng trực ở những đoạn đê xung yếu của tỉnh...

Đến kiểm tra trực tiếp các địa bàn có nước lũ dâng cao tại xã Đan Thượng và Hiền Lương, Đại tá Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc Công an tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo lực lượng công an huyện Hạ Hòa phối hợp với các lực lượng tại các xã tổ chức sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, hỗ trợ người dân di dời tài sản đến vị trí an toàn. Để chủ động đối phó với diễn biến bất thường của mưa, lũ, đồng chí Giám đốc Công an tỉnh yêu cầu công an huyện Hạ Hòa tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an, UBND tỉnh và Giám đốc Công an tỉnh về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sau bão. Chủ động triển khai các phương án, kế hoạch, lực lượng, phương tiện và điều kiện ứng phó và sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để cùng với chính quyền địa phương phòng chống mưa bão. Yêu cầu cán bộ chiến sĩ công an huyện tích cực tham gia công tác phòng chống thiên tai, song phải đảm bảo an toàn về lực lượng. Đồng thời yêu cầu, lực lượng công an huyện tăng cường tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường thuỷ, bố trí phân luồng, cảnh báo an toàn cho người dân khi tham gia giao thông.

08:59

Thông tin từ phóng viên Phương Hà/VOV1 cho biết: Tại hiện trường vụ sập cầu Phong Châu (Phú Thọ), lực lượng chức năng bố trí 4 trại dã chiến, túc trực phục vụ công tác cứu hộ. Hiện nay, trời vẫn mưa nặng hạt, nước sông Hồng lên cao, chảy xiết. Một số thành viên lực lượng cứu hộ cho biết, do tình hình thời tiết bất thuận, công tác cứu hộ vẫn chưa thể triển khai.

08:54

Sạt lở đất trong đêm làm 6 người chết ở Yên Bái

Phóng viên Thu Thùy, Xuân Tuấn/VOV-Tây Bắc thông tin: Ông Trần Huy Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết: các vụ sạt lở đất xảy ra đêm qua 9/9 tại các phường Yên Ninh và Minh Tân, thành phố Yên Bái.

Trước đó, do ảnh hưởng của các trận mưa kéo dài sau hoàn lưu bão số 3 khiến nước trên sông Thao tại Yên Bái dâng cao, nước sông tràn vào các tuyến đường và các khu vực dân cư, khiến hàng nghìn nhà ở của người dân chìm sâu trong nước.

Trong đêm qua, trên địa bàn thành phố đã xảy ra sạt lở ở nhiều vị trí tại các mái ta luy, kể cả các bãi đồi tự nhiên cũng sạt. Sáng nay,  Yên Bái vẫn có mưa to; mất điện, nước, giao thông gần như tê liệt, khiến công tác hỗ trợ, khắc phục gặp rất nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, chính quyền địa phương vẫn đang tìm mọi phương án để tiếp cận, hỗ trợ nhân dân. Ông Trần Huy Tuấn nói: "Hiện nay Yên Bái vẫn đang có mưa lớn. Bây giờ trời sáng di chuyển được rồi thì chúng tôi tổ chức cứu hộ dân có nhà bị ngập đến nóc để đưa mọi người đến nơi an toàn. Về lương thực, thực phẩm thì chúng tôi đang đảm bảo được các thực phẩm trước mắt như mì tôm, bánh mì.. Hiện nay điện, nước đều mất nên rất khó khăn, nhưng lương thực, thực phẩm thì thành phố hiện nay vẫn đảm bảo lo được cho dân trong 1 - 2 ngày tới".

08:48

Hà Nội ban hành công điện hỏa tốc ứng phó với lũ lớn trên các sông

Công điện nêu rõ, hiện nay mực nước sông Hồng (sông Thao) tại Lào Cai, Yên Bái đang vượt trên báo động 3; mực nước sông Lô đang tiếp tục lên nhanh (hồ Tuyên Quang mở 8 cửa xả đáy, hồ Thác Bà mở 3 cửa xả mặt).

Trên lưu vực sông Đà, lưu lượng nước đến hồ Hòa Bình đang tăng nhanh, hồ đang đang mở 2 cửa xả đáy và sẽ tiếp tục mở thêm. Mực nước sông Đà, sông Hồng, sông Đuống đang rất lên nhanh, lưu tốc dòng chảy lớn.

Mực nước các sông trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện đang ở mức cao: Sông Tích, sông Bùi: trên báo động 3; sông Cầu, sông Cà Lồ: trên báo động 2; sông Đáy: trên báo động 1 và đang xu hướng tiếp tục lên; sông Hồng tại trạm thủy văn Long Biên: 7,81m (dưới báo động 1 là 1,69m, dự báo sẽ lên báo động 1 vào đêm ngày 10/9).

Để chủ động ứng phó với lũ lớn trên sông, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Chủ tịch UBND TP yêu cầu thủ trưởng các cấp, các ngành căn cứ tình hình mưa lũ, chủ động kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án hộ đê, phương án ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với địa bàn, phạm vi, lĩnh vực quản lý; tổ chức thông báo ngay đến người dân, các tổ chức có hoạt động ở khu vực bãi sông, trên sông biết để chủ động phòng, tránh đảm bảo an toàn;

Tổ chức các hoạt động tuyên truyền đến người dân ở tại các khu vực có nguy cơ cao, đặc biệt là các vùng ven sông, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ lũ rừng ngang bằng nhiều hình thức để thông báo, cảnh báo người dân, tăng cường tuyên truyền tại các trường học, khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp; phối hợp với các tổ chức đoàn thể để tuyên truyền đến từng tổ chức, hộ gia đình;

Tổ chức trực ban, ứng trực 24/24h: theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ; bố trí cán bộ trực ban 24/24h, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt; theo dõi sát sao các bản tin dự báo, cảnh báo mưa lũ; kịp thời báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn khi có sự cố, tình huống bất thường...

Chủ tịch UBND TP yêu cầu chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã chủ động rà soát, sẵn sàng các phương án sơ tán người dân, di chuyển tài sản đến nơi an toàn khi cần thiết; xác định các khu vực nguy hiểm, khu vực có địa hình trũng, thấp dễ xảy ra ngập sâu, cô lập, khu vực sát bờ sông, nguy cơ sạt lở nguy hiểm, khu vực bãi giữa sông Hồng, lên danh sách các hộ dân cần sơ tán;

Chuẩn bị các điểm sơ tán an toàn, đảm bảo đủ chỗ ở, lương thực, nước uống, thuốc men cho người dân; hướng dẫn 1 người dân nắm rõ quy trình, thao tác khi có lệnh sơ tán; kiên quyết triển khai phương án sơ tán, đảm bảo an toàn đối với người dân; phân công cán bộ phụ trách từng khu vực, hộ gia đình cần sơ tán, đảm bảo không bỏ sót người dân;

Yêu cầu chủ đầu tư các công trình đang thi công trên sông, ven sông, các chủ phương tiện vận tải thủy chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình; rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác khoáng sản, sản xuất nông nghiệp nơi bãi sông...; chủ động thu hoạch hoa màu ở những vùng bãi thấp, trũng có nguy cơ bị ngập lũ.

Thường xuyên kiểm tra hoạt động của các đò ngang, đò dọc, các phương tiện nổi trên sông để đảm bảo an toàn cho người, phương tiện; cần thiết tạm ngừng hoạt động để đảm bảo an toàn.

Tăng cường công tác kiểm tra hệ thống đê điều, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố về đê điều ngay từ giờ đầu; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng phó đối với những tình huống xấu có thể xảy ra; thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa lũ theo đúng quy định...

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Lũ trên sông Thao vượt mức lịch sử
Lũ trên sông Thao vượt mức lịch sử

VOV.VN - Hôm nay, Bắc Bộ tiếp tục mưa to, có nơi rất to, dự báo trong 12 giờ tới, lũ trên sông Thao tại Bảo Hà (Lào Cai), Yên Bái tiếp tục lên duy trì mức trên lũ lịch sử.

Lũ trên sông Thao vượt mức lịch sử

Lũ trên sông Thao vượt mức lịch sử

VOV.VN - Hôm nay, Bắc Bộ tiếp tục mưa to, có nơi rất to, dự báo trong 12 giờ tới, lũ trên sông Thao tại Bảo Hà (Lào Cai), Yên Bái tiếp tục lên duy trì mức trên lũ lịch sử.

Nước lũ trên sông Bùi, sông Cầu lên mức báo động 3
Nước lũ trên sông Bùi, sông Cầu lên mức báo động 3

VOV.VN - Mực nước lũ trên sông Cầu chảy qua huyện Sóc Sơn và sông Bùi qua huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức (Hà Nội) lên mức báo động 3.

Nước lũ trên sông Bùi, sông Cầu lên mức báo động 3

Nước lũ trên sông Bùi, sông Cầu lên mức báo động 3

VOV.VN - Mực nước lũ trên sông Cầu chảy qua huyện Sóc Sơn và sông Bùi qua huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức (Hà Nội) lên mức báo động 3.

Mực nước sông Đà, sông Hồng, sông Đuống đang lên nhanh
Mực nước sông Đà, sông Hồng, sông Đuống đang lên nhanh

VOV.VN - Do chịu ảnh hưởng của lũ trên các sông và điều tiết của các hồ chứa thượng lưu, nên mực nước sông Đà, sông Hồng, sông Đuống sẽ lên nhanh (mực nước sông Hồng tại trạm Thủy văn Hà Nội: hồi 15h00 ngày 8/9 là 4,25m; hồi 15h00 ngày 9/9 là 7,04m, tăng 2,79m)...

Mực nước sông Đà, sông Hồng, sông Đuống đang lên nhanh

Mực nước sông Đà, sông Hồng, sông Đuống đang lên nhanh

VOV.VN - Do chịu ảnh hưởng của lũ trên các sông và điều tiết của các hồ chứa thượng lưu, nên mực nước sông Đà, sông Hồng, sông Đuống sẽ lên nhanh (mực nước sông Hồng tại trạm Thủy văn Hà Nội: hồi 15h00 ngày 8/9 là 4,25m; hồi 15h00 ngày 9/9 là 7,04m, tăng 2,79m)...