Cặp vợ chồng hơn 30 năm "bám trụ" mưu sinh ở bãi giữa sông Hồng

VOV.VN - Sau khi UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đề nghị xây dựng khu sinh thái bãi giữa sông Hồng, những người dân đang mưu sinh ở đây như cặp vợ chồng bà Tám khá lo lắng. Họ lo cho một tương lai chưa biết ra sao…

Để hiểu rõ hơn về cuộc sống cũng như suy nghĩ của người dân nơi đây khi biết được đề xuất của quận Hoàn Kiếm, chúng tôi đã tìm đến khu vực bãi giữa sông Hồng để tìm hiểu về cuộc sống của những người đang thuê đất, canh tác làm nông nghiệp ở đây.

Khu vực bãi giữa lác đác những ngôi nhà tạm bợ. Nói là nhà nhưng thực chất, nó cũng chỉ là những cái lán dựng tạm đơn sơ trên mảnh đất. Có lẽ với những người nông dân đi làm kinh tế, họ cũng chỉ cần có chỗ trú nắng trú mưa thôi, không cần cầu kỳ, xa hoa gì, tiết kiệm được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu.

Tiến vào một “ngôi nhà” có đường vào chạy dọc những luống rau xanh ngắt, tôi gặp được bà Tám. Bà sinh năm 1963, là người huyện Văn Giang – Hưng Yên, bà và chồng đã ra đây thuê đất làm nông nghiệp từ năm 1991.

Mời tôi vào nhà, bà Tám bắt đầu câu chuyện: “Vợ chồng tôi ra đây từ năm 1991. Năm ấy còn khó khăn lắm, mà cũng chẳng phải, giờ cũng đâu khá hơn. Ngày ấy, nhà tôi đông con, thấy người ta ra bãi giữa sông Hồng thuê đất canh tác cũng cố dành dụm ít tiền, rồi vợ chồng dắt díu nhau lên Hà Nội, để lại ba đứa con ở quê”.

Khi được hỏi, ba người con của bà Tám khi ấy đã lớn chưa, bà chỉ thở dài: “Lúc ấy đứa út cũng mới được 3 tuổi, nhưng nhà nghèo thì biết làm thế nào được hả chú? Vợ chồng tôi cũng không đành gửi 3 đứa cho cậu mợ nom giúp để khăn gói ra đây”.

Thấy tôi đứng nhìn cái bếp, bà Tám lại tiếp lời: “Cái bếp đấy nhà tôi cũng mới mua mấy năm nay thôi. Trước mới từ Hưng Yên lên đây còn khó khăn lắm, cũng chỉ dùng bếp củi rồi thắp đèn dầu, chứ đâu được hiện đại như bây giờ!”.

Trong lúc chờ ông Hiền từ vườn trở về, bà Tám tranh thủ dẫn tôi đi tham quan quanh căn nhà từ trong ra ngoài. Vừa đi bà vừa kể về những câu chuyện liên quan tới các món đồ. Mỗi một món xuất hiện ở đây đều là những chắt chiu, dè xẻn của cả gia đình…

Mặc dù chỉ đủ thắp bóng điện và bật cái quạt vào mùa hè nhưng so với ngày không có điện, như thế đã là “hiện đại” lắm rồi, bà Tám hào hứng chỉ tay lên mái nhà nơi có những tấm pin năng lượng mặt trời khoe với tôi.

Ông Hiền trở về với vài buồng chuối – đây là món đồ nông sản đã theo bà Tám ra chợ nhiều năm qua. Thấy chồng về, bà Tám cũng ngưng nói chuyện với tôi để ra chuẩn bị lại đồ đạc cho chuyến ra chợ ngày mai.

Nghe tôi hỏi chuyện về cuộc sống bao năm qua, ông Hiền trầm ngâm một hồi lâu: “Trước dù nghèo nhưng ít nhất tôi vẫn còn sức lao động, kinh tế gia đình cũng đỡ hơn hiện nay. Nhưng cách đây chục năm, bệnh dạ dày của tôi ngày một nặng, không chịu được nên phải đi mổ. Cũng từ đấy mà sức khoẻ càng yếu, chẳng làm được mấy việc nặng nhọc”.

Ông đưa mắt nhìn vợ đang lúi húi ngoài hiên, đánh một tiếng thở dài rồi tiếp tục: “Nhìn bà ấy nhỏ con, gầy guộc thế thôi chứ từ ngày tôi ốm, sức khoẻ yếu đi, mọi việc nặng nhọc đều một tay bà ấy làm cả!”.

“6 sào củ cọc nhà tôi đều 1 tay bà ấy đào. Tôi bảo thuê người đào phụ thì bà ấy tiếc tiền, nhà mình trồng ít mỗi ngày tranh thủ đào vài tiếng chắc không đến 3 tháng là xong thôi. Dạ dày tôi sau khi mổ hơn chục năm nay chán lắm, cứ làm việc nặng là lại đau, muốn làm phụ bà ấy mà không được”, ông Hiền ngậm ngùi kể.

“Cuộc sống của cô chú ở đây cũng chỉ loanh quanh con gà, con vịt rồi vườn rau, con cá thôi ạ?”, tôi hỏi. Nghe đến đây, ánh mắt ông Hiền sáng lên: “Không, lâu lâu cũng có vài đoàn khách du lịch nước ngoài đến. Vui lắm chú ạ! Họ thích thú với cuộc sống “tá điền” này lắm. Chắc họ cũng như chú, đến tìm hiểu rồi thử trải nghiệm cuộc sống ở đây!”.

Câu chuyện của chúng tôi đến đây cũng phải tạm ngưng vì đã đến giờ cơm. Nhìn mâm cơm đạm bạc của hai vợ chồng đã sang bên kia sườn dốc đời người mà tôi thoáng chạnh lòng.

Lúc này tôi chợt nhớ đến những lời tâm sự của bà Tám: “Ngày mới ra, cứ đến độ tháng 5 là mùa nước lên, nước ngập cả, chúng tôi chẳng còn đất mà canh tác, lại dắt díu nhau về quê, đến độ rằm tháng 7 nước rút mới trở lại. Nhưng thế cũng mừng chú ạ, được ở nhà ăn cơm với các con”.

Trước khi ra về, tôi cố hỏi ông Hiền về tương lai khi bãi giữa được phát triển thành khu sinh thái. Người đàn ông với khuôn mặt khắc khổ ấy chẳng nhìn tôi mà chỉ đưa mắt ra xa xăm: “Được đến đâu hay đến đó thôi chú ạ, cùng lắm là phải nghỉ hưu sớm vậy”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên