Cầu Cần Thơ – Ước mơ trăm năm thành hiện thực
Những chuyến phà cuối cùng qua sông Hậu trên tuyến quốc lộ 1A hối hả tách bến, hoàn thành sứ mệnh lịch sử gần 100 năm đưa khách sang sông. Trọng trách mới được chuyển giao cho cầu Cần Thơ hiện đại.
Ngày mai (24/4), Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với thành phố Cần Thơ tổ chức khánh thành cầu Cần Thơ- bắc qua sông Hậu. Đây là cầu dây văng dài nhất Đông Nam Á hiện nay, với hơn 15,8 km; trong đó, cầu chính dài 2.750m, được xây dựng trong vòng gần 6 năm.
Những chuyến phà cuối cùng qua sông Hậu trên tuyến quốc lộ 1A hối hả tách bến, mang theo hàng trăm con người và hàng chục xe hàng qua sông trong khí hậu nóng nực và tâm lý vội vã.
Lòng sông Hậu rộng, mỗi chuyến sang sông, không kể thời gian chờ đợi hết nửa tiếng đồng hồ, những hôm kẹt phà thì thời gian chờ là không tính trước được.
Cầu Cần Thơ nhìn từ khu đô thị Nam Cần Thơ |
Gần 100 năm nay, những chuyến phà vẫn cần mẫn sang sông, chở theo nhiều bức bối của cư dân đồng bằng như thế.
Từ những chiếc phà gỗ ban đầu, đến những năm trước giải phóng, bến phà Cần Thơ đã có phà trọng tải 100 tấn, những năm sau đó là phà 200 tấn.
Số lượng đầu phà và trọng tải tăng không kịp với tầm vóc phát triển của khu vực đồng bằng sau ngày hòa bình.
Ước mơ có cây cầu nối 2 bờ Vĩnh Long - Cần Thơ trở thành tâm nguyện trăm năm của cả cộng đồng cư dân.
Ông Trang Sử Hải có thâm niên hơn 40 năm làm tài xế xe khách đi tuyến thành phố Hồ Chí Minh - Sóc Trăng nói: “Có những ngày chờ được qua phà phải hết từ 2 đến 4 tiếng đồng hồ...Nay có cây cầu này, người dân của cả ĐBSCL đi qua tuyến đường này rất vui mừng...”.
Ông Năm Bình năm nay 88 tuổi là người dân thành phố Cần Thơ cho rằng thật hạnh phúc vì sống đến từng tuổi này, ông vẫn được chứng kiến cảnh cây cầu lớn ra đời, giải quyết được mong đợi của người dân từ bao năm nay.
Một vài thông số về cầu Cần Thơ cho chúng ta hình dung tầm vóc của cây cầu dây văng thế kỷ, dài nhất Đông Nam Á: chiều dài toàn tuyến dài gần 16 km, trụ tháp dây văng cao gần 165m, tổng mức đầu tư 4.832 tỷ đồng (tính vào thời điểm năm 2001). Toàn tuyến có 10 cầu phụ và cầu vượt, 4 nút giao thông. Mặt cắt ngang nền cầu có qui mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80km/giờ.
Cầu được coi là một trong những cây cầu khó thực hiện nhất trên nền đất ĐBSCL với dòng chảy xiết, mặt sông rộng. Tuy nhiên, vượt qua bao khó khăn, hàng ngàn lượt kỹ sư và công nhân Việt Nam, Nhật Bản đã làm việc ngày đêm không mệt mỏi, đổ biết bao mồ hôi, công sức, kể cả máu và nước mắt để cây cầu mơ ước ngày một thành hình.
Mỗi ngày trên các chuyến phà sang sông, hầu như tất cả hành khách, du khách đều hướng mắt về phía cầu Cần Thơ theo dõi từng bước vượt sông của cầu từ 2 phía bờ Nam - Bắc.
Gần 6 năm sau ngày khởi công, cây cầu mơ ước của bao người, bao thế hệ đã hoàn thành mỹ mãn, kiêu hãnh và duyên dáng nối 2 bờ sông Hậu, hoàn thành việc nối thông toàn tuyến quốc lộ 1A.
Cây cầu hôm nay sẽ đưa đồng bằng lên tầm cao mới, hiện đại và hòa nhập nhanh hơn với bạn bè quốc tế.
Chuẩn bị cho ngày khánh thành |
Nắm bắt cơ hội và vận mệnh mới, các tỉnh, thành phía Nam sông Hậu đã sẵn sàng thu hút dự án đầu tư tăng gấp nhiều lần thời gian trước. Các doanh nghiệp cũng khởi động nhiều chương trình mở rộng qui mô sản xuất kinh doanh. Kinh tế phát triển sẽ kéo theo đời sống nhân dân được cải thiện từng ngày. Trong đó, thành phố Cần Thơ sẽ là địa phương thu hút nguồn đầu tư lớn và vươn lên xứng tầm với thành phố động lực, trung tâm của cả đồng bằng.
Đánh giá cao tầm vóc của cây cầu thế kỷ, ông Trần Thanh Mẫn - Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết sự chuẩn bị của địa phương để đón đầu làn sóng đầu tư ngay sau khi cầu Cần Thơ đi vào sử dụng: “Cầu Cần Thơ hoàn thành là điều kiện để phát triển các kết cấu hạ tầng. Thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt qui hoạch 1.600ha phát triển khu công nghiệp. Chúng tôi đang tiến hành tạo đất sạch, tạo điều kiện để thu hút đầu tư”.
Từ đất mũi Cà Mau, nơi có rất nhiều doanh nghiệp tham gia các ngành hàng xuất khẩu và giao dịch thương mại, y tế phải vận chuyển trên tuyến Quốc lộ 1A qua cầu Cần Thơ, ông Nguyễn Tiến Hải - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau cũng chia sẻ niềm vui này: “Có cầu Cần Thơ và đường cao tốc, chặng đường được rút ngắn lại, lợi cho nhân dân và cho doanh nghiệp rất nhiều, trong đó có các doanh nghiệp của Cà Mau. Tôi rất vui mừng”.
Từ thời khắc này, bến phà Cần Thơ đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử gần 100 năm đưa khách sang sông. Trọng trách mới được chuyển giao cho cầu Cần Thơ hiện đại, xứng đáng tạo thành bệ phóng cho sức vươn vượt bậc của ĐBSCL trên mọi lĩnh vực trong thời gian tới.
Với người dân ĐBSCL hôm nay, khoảnh khắc giấc mơ 100 năm được thực hiện mới hạnh phúc và đáng trân trọng biết bao./.