Cầu nghìn tỷ ở Bắc Ninh bị hàng loạt công trình bủa vây gây mất an toàn
VOV.VN - Ông Nguyễn Công Trình - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Ninh cho biết: “Nhiều vi phạm dưới chân cầu Bình Than đặc biệt là trạm trộn bê tông không phép đã ảnh hưởng rất lớn đến kết cấu của cầu, vì các xe bê tông có trọng tải rất lớn”.
Tại khu vực chân cầu Bình Than thuộc xã Vạn Ninh, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh hàng loạt công trình xây dựng ngay sát cây cầu như trang trại, kho xưởng, trạm trộn bê tông...làm ảnh hướng đến kết cấu của cầu Bình Than cũng như hành lang thoát lũ.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VOV, ông Vũ Văn Quang - Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh cho biết, trạm trộn bê tông tại khu vực chân cầu Bình Than không có phép, đã hoạt động nhiều năm nay. Hiện nay, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ra chỉ thị nghiêm cấm tập kết vật liệu vi phạm hành lang an toàn đê điều. UBND xã Vạn Ninh đã chủ động kiểm tra xử lý, và yêu cầu những đơn vị thu gọn lại yêu cầu sản xuất, tránh ảnh hưởng đến kết cấu hành lang an toàn đê điều và thân cầu Bình Than.
“Trạm trộn bê tông Thăng Long đi vào hoạt động sản xuất tại đây từ năm 2017. Hiện đơn vị đang đề xuất với sở, ban ngành chính quyền địa phương tỉnh Bắc Ninh cấp giấy phép” - ông Quang nói.
Đối với việc đất đang được sử dụng tại trang trại lợn đang hoạt động dưới khu vực chân cầu Bình Than thuộc đất của UBND huyện cấp phép cho các hộ dân sinh sống tại đây với mục đích trồng cây lâu năm, ông Quang cho biết thêm; “Trang trại lợn đi vào hoạt động từ năm 2017 hoặc 2018 với quy mô khoảng 7-8 nghìn con/lần nuôi, tuy nhiên, ở khu vực này xa khu dân cư, chính vì thế việc ô nhiễm hay không đơn vị cũng không nắm được”.
Cũng theo vị Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh, toàn bộ khu vực chân cầu Bình Than là đất nông nghiệp. Nhưng hiện nay đang được các hộ dân, doanh nghiệp thuê lại để làm với mục đích khác.
Ông Nguyễn Công Trình - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Ninh cho biết, trang trại hiện nay không có quy định cấp phép. Nếu trang trại lớn là do Sở Nông Nghiệp kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi; đối với các trang trại vừa và nhỏ thì chỉ cần xin phép cấp xã.
Cầu Bình Than là một cây cầu đường bộ bắc qua sông Đuống nối xã Vạn Ninh, huyện Gia Bình với xã Đức Long, thị xã Quế Võ thuộc tỉnh Bắc Ninh. Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 1.635 tỷ đồng với thời gian thực hiện dự án từ năm 2012-2016. Chiều dài cầu chính 1.659,7m; cầu nhánh dài hơn 370 m, chiều rộng cầu 16m, đường dẫn cầu rộng từ 8 - 11m.
“Trạm trộn bê tông ở chân cầu Bình Than không phép ảnh hưởng rất lớn đến kết cấu của cầu, bởi vì các xe bê tông có trọng tại rất lớn” - ông Trình lưu ý.
Căn cứ Điều 23 Luật Đê điều 2006 quy định về phạm vi bảo vệ đê điều như sau:
"1. Phạm vi bảo vệ đê điều bao gồm đê, kè bảo vệ đê, cống qua đê, công trình phụ trợ và hành lang bảo vệ đê, kè bảo vệ đê, cống qua đê.
2. Hành lang bảo vệ đê được quy định như sau:
a) Hành lang bảo vệ đê đối với đê cấp đặc biệt, cấp I, cấp II và cấp III ở những vị trí đê đi qua khu dân cư, khu đô thị và khu du lịch được tính từ chân đê trở ra 5 mét về phía sông và phía đồng; hành lang bảo vệ đê đối với các vị trí khác được tính từ chân đê trở ra 25 mét về phía đồng, 20 mét về phía sông đối với đê sông, đê cửa sông và 200 mét về phía biển đối với đê biển;
b) Hành lang bảo vệ đê đối với đê cấp IV, cấp V do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không được nhỏ hơn 5 mét tính từ chân đê trở ra về phía sông và phía đồng.
3. Hành lang bảo vệ đối với kè bảo vệ đê, cống qua đê được giới hạn từ phần xây đúc cuối cùng của kè bảo vệ đê, cống qua đê trở ra mỗi phía 50 mét.
4. Trường hợp cần mở rộng hành lang bảo vệ đê đối với vùng đã xảy ra đùn, sủi hoặc có nguy cơ đùn, sủi gây nguy hiểm đến an toàn đê do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
5. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức việc cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đê điều trên thực địa".