Cầu Nhật Tân nối đôi bờ vui

Có lẽ phải 2 năm nữa, cầu Nhật Tân mới đi vào hoạt động, song người dân sống hai bên bờ sông Hồng đang rất vui mừng trước những tín hiệu tốt lành về cây cầu này

Nhiều ý tưởng hay, công nghệ mới được ứng dụng để thi công cầu. Cầu Nhật Tân sẽ là cây cầu hiện đại, tô thắm thêm bức tranh sông Hồng.

Những tín hiệu vui

Ngày 7/3/2009, tại xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng phát lệnh khởi công Gói thầu số 3 của Dự án xây dựng cầu Nhật Tân và đường dẫn hai đầu cầu trong niềm hân hoan của người dân hai bên bờ sông Hồng.

Sau hơn 1 năm khởi công, đến nay các hạng mục như giải phóng mặt bằng, làm vách thép để đổ cọc bê tông đang được các đơn vị thi công gấp rút hoàn thành.

Dù cầu Nhật Tân đang trong giai đoạn thi công, nhưng nó đã đem lại nhiều tín hiệu tốt lành cho người dân sống hai bên bờ sông Hồng. Anh Nguyễn Văn Hà, nhà ở thị trấn Đông Anh, hiện công tác tại Công ty Xây dựng Hà Nội, vui mừng nói rằng, khi cầu Nhật Tân đi vào hoạt động anh sẽ không phải thuê nhà nữa. Vì khi đó, anh chỉ mất khoảng 30 phút là có thể đến được nơi làm việc.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, khi cầu Nhật Tân đi vào hoạt động sẽ tạo thêm động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội của các huyện ngoại thành của Thủ đô như: Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh. Thời gian di chuyển từ sân bay Nội Bài về trung tâm thành phố Hà Nội sẽ được rút ngắn. Đồng thời, giảm thời gian di chuyển từ các tỉnh như: Thái Nguyên, Bắc Kạn, Vĩnh Phúc, Phú Thọ… về Hà Nội.

Ý tưởng hay, công nghệ mới

Việc xây dựng cầu Nhật Tân được Bộ GT-VT giao cho Ban Quản lý dự án 85 làm chủ đầu tư. Về mặt thiết kế, cầu Nhật Tân gồm: Cầu vượt Phú Thượng phía bờ Nam thuộc quận Tây Hồ, cầu dây văng vượt sông Hồng dài 1,5km, cầu vượt đê tả sông Hồng phía bờ Bắc thuộc huyện Đông Anh.

Để chọn phương án xây dựng cầu với khẩu độ lớn vượt sông Hồng, nhiều ý tưởng đưa ra các phương án thi công như: Đúc hẫng, cầu thép, cầu dây văng, cầu dây võng. Về mặt mỹ quan, cầu bê tông đúc hẫng, cầu thép không đẹp bằng cầu dây văng. Với mục đích xây dựng cây cầu mới chào mừng lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tạo ra được điểm nhấn kiến trúc khác với những cây cầu trước đây, làm cho cảnh quan khu vực xung quanh đẹp hơn nên phương án cầu dây văng hai mặt nghiêng đã được lựa chọn.

Để phương án cầu dây văng vượt qua được khẩu độ lớn, nhịp chính có chiều dài 1,5km, các kiến trúc sư và kỹ sư đã quyết định chọn phương án thi công cầu 5 trụ tháp. Phương án này, ngoài việc  giải quyết được vấn đề kỹ thuật, nó còn đảm bảo phù hợp an toàn về chiều cao theo chiều lên xuống của các máy bay khi lên, xuống sân bay Nội Bài. Về mặt ý tưởng, cầu 5 trụ tháp được biểu trưng cho 5 cửa ô của Thủ đô. Thêm nữa, cầu Nhật Tân được bố trí cầu dẫn phía Bắc và phía Nam không thẳng như cầu Vĩnh Tuy và cầu Thanh Trì mà hơi cong một chút, giúp người di chuyển phương tiện giao thông có thể ngắm và quan sát được 5 trụ tháp của cây cầu.

Cầu Nhật Tân dài 3.775m. Nhịp chính giữa, có 5 trụ tháp, 6 nhịp vượt sông Hồng dài 1,5km. Mặt cầu rộng 33,2m, dành cho 8 làn xe. Tổng mức đầu tư dự tính từ 7.500 - 8.100 tỷ đồng tùy theo số lượng cột phải thi công.

Việc tìm được phương pháp thi công cầu 5 trụ tháp đảm bảo yếu tố kỹ thuật, mỹ thuật không phải đơn giản, bởi lẽ từ trước tới nay chúng ta mới chỉ thi công cầu dây văng với 2 trụ tháp như: Cầu Bính, cầu Bãi Cháy, Rạch Miễu… Kết cấu chịu lực của cầu 2 trụ tháp và cầu 5 trụ tháp hoàn toàn khác nhau. Trao đổi với phóng viên, kỹ sư Nguyễn Bá Quý thuộc Ban Quản lý Dự án 85 khẳng định, đây là cây cầu dây văng 5 trụ tháp lần đầu tiên được thi công ở châu Á.

Phần thi công móng trụ cầu, được đánh giá là quan trọng và khó nhất. Trước đây, để thi công móng trụ cầu, người ta thường dùng công nghệ thi công cọc khoan nhồi nhưng ở cầu Nhật Tân, các kỹ sư Nhật Bản sẽ sử dụng công nghệ: móng vòng vây, cọc ống thép. Công nghệ này được đánh giá sẽ giúp thời gian thi công móng trụ cầu nhanh hơn, chỉ bằng 70% thời gian thi công móng trụ cầu sử dụng công nghệ cọc khoan nhồi, trong khi đó vẫn kiểm soát được chất lượng thi công.     

Bức tranh sông Hồng sẽ được tô thắm thêm một gam màu tươi sáng nhờ cây cầu dây văng Nhật Tân. Cùng với cầu Thăng Long, cầu Chương Dương, cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, cầu Nhật Tân sẽ làm tăng năng lực giao thông của các phương tiện giao thông từ ngoại thành vào nội đô và ngược lại. Các tỉnh phía Bắc sẽ được “kéo gần” với Thủ đô hơn, giúp cho hoạt động trao đổi kinh tế, giao lưu văn hóa… ngày càng được thuận tiện./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên