Cây xanh đô thị và nỗi lo mùa mưa bão
VOV.VN - Những ngày qua, TP.HCM thường xuyên có mưa to kéo dài vào chiều tối hoặc sáng sớm, không chỉ gây ngập lụt mà lại xuất hiện tình trạng cây xanh ngã đổ, khiến người dân lại thêm nỗi lo mất an toàn khi tham gia giao thông. Theo các chuyên gia, để giải quyết vấn đề cây xanh đô thị gãy đổ cần giải pháp từ nhiều phía một cách sáng tạo và bền vững.
Khi cây xanh trở thành nỗi bất an
Trong cơn mưa lớn tối ngày 1/9, tại đường Calmette (phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1) một cây điệp bật gốc chắn ngang đường. Thời điểm xảy ra vụ việc vắng phương tiện qua lại con đường này nên không gây thiệt hại về người và tài sản, nhưng khiến giao thông qua khu vực bị ùn ứ. Cùng thời điểm trên, tại ngã tư Cộng Hòa - Tân Kỳ Tân Quý (quận Tân Bình), một cây xanh bất ngờ ngã đổ, may mắn không gây thương vong.
Liên tiếp nhiều vụ việc tương tự đã xảy ra khiến nhiều người dân có chung tâm lý lo sợ khi ra đường vào mùa mưa bão, nhất là khi điều khiển phương tiện không có sự che chắn tốt như xe máy. Chị Lê Thị Ánh Hồng, ngụ TP. Thủ Đức lo ngại: “Bây giờ chẳng hạn như “họa vô đơn chí” không may cây đổ vào xe của tôi làm xước xe, hay đổ vào balo của tôi đựng đồ, máy tính, điện thoại, tôi cũng đâu thể ôm cây mà bắt đền. Lúc này yêu cầu ai đứng ra chịu trách nhiệm trước thiệt hại này cũng khó nói.”
Khi gặp thiệt hại về tài sản cá nhân, chi phí sửa chữa và thay thế có thể rất tốn kém, chưa kể đến những rắc rối và phiền toái trong quá trình khắc phục hậu quả, tìm nơi chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại. Thêm vào đó, cây cối gãy đổ ngoài việc gây cản trở giao thông còn có thể làm gián đoạn các hoạt động hàng ngày, hư hỏng các dịch vụ công cộng như điện, nước, viễn thông,... Anh Phan Trần Thế Vinh, ngụ quận Gò Vấp cho rằng: “Khi mà những cành cây ngã đổ, không những ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản mà còn cản trở giao thông. Chưa tính đến sự giải quyết nhanh hay chậm của cơ quan chức năng, điều đó cũng gây ảnh hưởng rất nhiều đến việc đi lại hàng ngày của rất nhiều người.”
Nhiều người vẫn chưa quên vụ việc đau lòng xảy ra ngày 9/8 khi một nhánh cây trong Công viên Tao Đàn (Quận 1) bất ngờ gãy rơi xuống, đè trúng nhóm người đang tập thể dục, khiến 2 người tử vong và 3 người bị thương nặng.
Ông Trần Văn Ba (ngụ Quận 3), một người dân sống gần khu vực Công viên cho hay, bản thân ông cảm thấy lo sợ vì trước đó thường xuyên ngồi dưới tán cây để hóng mát.
“Bây giờ mấy cái cây hay gãy, nhiều khi ngồi buổi trưa nghỉ mệt cũng rất sợ, nhưng mình vẫn phải ngồi vì ở đây có bóng mát. Khi mình ngồi mình bị ám ảnh, cứ nhìn lên cây hoài”- ông Ba nói.
Ngay sau sự cố ở Công viên Tao Đàn, phía Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM đã đề xuất một số giải pháp để đảm bảo an toàn cây xanh, bao gồm: sử dụng xe nâng 35-40m để thu gọn cành nhánh nguy hiểm, tăng cường lực lượng lao động, thành lập tổ liên quân, thí điểm neo cáp cành nhánh lớn và sử dụng flycam để kiểm tra cây xanh. Công ty cũng đã liên hệ với cơ quan đào tạo tại Singapore để mở lớp đào tạo chuyên sâu về đánh giá cây xanh.
Trách nhiệm không chỉ riêng ai
Theo một số người dân, tình hình bảo dưỡng cây xanh trên địa bàn TP.HCM vẫn đang được thực hiện khá tốt. Bà Nguyễn Thị Hai, sinh sống ở đường Bùi Thị Xuân, phường Ngũ Lão, Quận 1 cho biết, trước mỗi mùa mưa, UBND phường đều cử người xuống các địa phương để tiến hành tỉa các cành, tán tầng thấp: “Mấy anh trong phường đã để ý, đầu mùa mưa là lo vụ đó rồi, cho thanh niên xuống đốn mấy cành lá xum xuê, thân suôn đuột nên khó đổ lắm.”
Đồng tình với ý kiến bà Hai, ông Nguyễn Văn Minh (ngụ Quận 1) cho hay tại đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, công ty cây xanh luôn cho người xuống tỉa cành, tán rộng thường xuyên. Khi có thiệt hại về người và tài sản, công ty cũng minh bạch trong quá trình đền bù: “Vào mùa mưa là công ty cây xanh sẽ đi tỉa hết các cây dọc đường để tránh tai nạn cho người đi đường. Trường hợp cây sâu mà ngã đổ trúng người người dân thì công ty cây xanh phải chịu trách nhiệm bồi hoàn.”
Về nguyên nhân cây xanh đô thị bị đổ gãy, TS. La Vĩnh Hải Hà, Trưởng Bộ môn Lâm nghiệp đô thị (Đại học Nông Lâm TP.HCM) cho biết, các sự cố xảy ra vào mùa mưa không chỉ do công tác bảo dưỡng. Theo ông, có nhiều nhóm nguyên nhân, như thời tiết cực đoan bão, mưa kéo dài dẫn đến các vấn đề sâu bệnh hại, bệnh mục thân bên trong cây mà mắt thường khó nhận biết. Ngoài ra tình trạng ngập úng dễ làm tổn thương rễ cây, gây ra bệnh nấm rễ và thối rễ.
Theo TS. Hải Hà, một vấn đề lớn khác của cây xanh trong đô thị đến từ “hiệu ứng đường ống”. Khác với môi trường tự nhiên, các tòa nhà cao hàng chục tầng khi được xây liền kề, giữa các tòa nhà có thể tạo nên một “đường ống” làm gia tăng sức mạnh của gió, gây ảnh hưởng lớn đến cây xanh như đứt rễ, bật gốc, đổ gãy cây.
Ngoài những yếu tố tự nhiên, ông Hà nhấn mạnh, việc cây xanh đô thị dễ đổ, gãy không loại trừ yếu tố con người. Khi được trồng trong đô thị, không gian sinh trưởng của cây bị hạn chế do đô thị hóa và bê tông hóa. Các hoạt động đào đường làm cống thoát nước, xây dựng cơ sở hạ tầng làm rễ cây bị cắt đứt. Các hoạt động kinh doanh, quảng cáo của người dân như đóng đinh, giăng đèn lên thân cây cũng là nguyên nhân lớn khiến cây dễ bị hư, sâu bệnh:
“Cây xanh đô thị nằm ở những không gian sinh trưởng rất chật hẹp, thường là nơi bị bê tông hóa. Việc này dẫn đến các vấn đề kỹ thuật như cây không có không gian sinh trưởng để rễ lan tỏa, rồi xe ô tô, xe tải khi chạy làm đất bị nén. Một số nguyên nhân khác liên quan đến xây dựng hạ tầng cơ sở, như đào đường để làm cống thoát nước, cấp nước… nếu không hiểu về đặc tính sinh lý của cây và rễ cây sẽ dẫn đến tác động hệ rễ”- ông Hà phân tích thêm.
Riêng vụ gãy nhánh cây ở Công viên Tao Đàn, TS. Chu Mạnh Hùng (trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật, Đại học quốc gia Hà Nội) nhận định dù thời tiết không mưa gió nhưng nhánh cây vẫn gãy do bên trong mục ruỗng, cho thấy việc kiểm tra “sức khỏe” cây xanh còn nhiều hạn chế. Các phương pháp tiên tiến như đo âm thanh, máy khoan siêu nhỏ, radar xuyên đất, quét tia X, cảm biến từ xa, chụp cắt lớp điện trở suất và chụp nhiệt hồng ngoại,... để phát hiện sớm các khiếm khuyết bên trong cây chưa được ứng dụng rộng rãi bởi nhiều nguyên nhân khách quan. Bên cạnh đó, quy trình duy trì, bảo dưỡng, cắt tỉa cây xanh đô thị chưa được “luật hóa” một cách cụ thể, dẫn đến việc quản lý thiếu đồng bộ và hiệu quả.
Để giải quyết vấn đề cây xanh gãy đổ một cách bền vững và sáng tạo hơn, theo TS. Chu Mạnh Hùng, cần có sự chung tay của nhiều bên liên quan, từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, doanh nghiệp đến người dân. Ông đề xuất tổ chức các hội thảo quốc gia, quốc tế về vấn đề này, thúc đẩy nghiên cứu khoa học về cây xanh đô thị từ khâu lựa chọn giống đến quy hoạch, trồng, chăm sóc, bảo dưỡng, và cuối cùng là hệ thống hóa, luật hóa vấn đề cây xanh đô thị thông qua các tiêu chuẩn quốc gia và văn bản pháp quy.
Trước mắt, để góp phần bảo vệ cảnh quan và sự an toàn của chính bản thân mình, mỗi người dân cần tự nhận thức được những lợi ích to lớn mà cây xanh mang lại, từ đó có ý thức hơn trong việc giữ gìn, bảo vệ cây xanh đô thị.