Cây xanh Hà Nội được tháo “gông cùm”: Vẫn còn những nỗi lo
VOV.VN - Cây xanh Hà Nội bị đai sắt thít chặt, những vết hằn sâu trên thân làm dư luận “nóng” lên.
Người dân phê phán, cho rằng dụng cụ này không chỉ làm hại cây mà còn mất thẩm mỹ. Chính quyền Hà Nội có những động thái ngay để khắc phục tình trạng này.
Phải nói việc làm giá sắt, đai sắt để bảo vệ cho cây xanh khi còn non là việc làm đúng, đảm bảo cho cây tránh được những tác hại khi có mưa bão, tuy nhiên không có nghĩa là cản trở sự phát triển của cây bằng những “gông cùm” như phân tích của Giáo sư Lê Đình Khả, Viên khoa học Lâm nghiệp Việt Nam.
“Việc làm vòng sắt có thể là để chống mưa bão, nhưng kỹ thuật bây giờ hiện đại, chúng ta có thể làm những kỹ thuật khác mà không để cây bị kìm kẹp phát triển như vậy”- Giáo sư Lê Đình Khả nhấn mạnh.
Vòng sắt và giá đỡ được sử dụng để cây xanh đô thị - vốn được mang đến trồng khi đã khá lớn, rễ chưa thể bám chắc vào đất - không bị xiêu vẹo, ngã đổ. Chúng là phương tiện bảo vệ chứ không phải gông cùm. Không có chúng, cây sẽ khó được an toàn chứ đừng nói đến phát triển. GS TS Nguyễn Lân Hùng, Tổng thư ký hội sinh học Việt Nam cho rằng, các kiến trúc sư phải phối hợp với công viên cây xanh, để hoạch định cây trông ở đâu? trông thế nào? Cần bao vệ bao lâu, để tránh đi sự lãng phí.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin về “gông cùm” ngăn sự phát triển cây xanh ở Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị lập tức kiểm tra để nới hoặc tháo bộ gông chống đỡ cây xanh trên địa bàn toàn thành phố. Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội đã lập tức chỉ đạo các đơn vị duy trì, quản lý cây xanh đi kiểm tra rồi tiến hành nới lỏng hoặc tháo bỏ các bộ gông, khung sắt vốn có chức năng chống đỡ cây. Theo ông Lê Văn Du, Phó trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng Hà Nội, việc tháo gỡ vòng sắt quanh cây sẽ được tiến hành, nhưng những cọc sắt, vòng sắt được tháo dỡ, sẽ được chuyển sang vị trí cây non khác.
Dọc tuyến quốc lộ 5, nơi giáp giữa quận Long Biên và huyện Gia Lâm (Hà Nội), toàn bộ các cây bàng Đài Loan được trồng ở dải phân cách đều chưa được gỡ hay nới vòng sắt và gậy chống, dù đã phát triển cao lớn. Một số cây xanh có dấu hiệu "nghẹt thở" và khô héo, chết dần theo thời gian.
“Cây mới trông làm giá sắt đỡ thì còn hợp lý, chứ đã lớn rồi mà vẫn thiếu trách nhiệm để nguyên giá sắt như vậy chỉ làm chết cây”, Giáo sư Ngô Quang Đê, nguyên giảng viên Đại học Lâm nghiệp bức xúc.
Trên nhiều tuyến phố Thủ đô, hàng loạt cây xanh có dấu hiệu đã trồng nhiều năm nhưng không được tháo bộ gông để phát triển bình thường. Đặc biệt, nhiều thân cây xanh bị vòng sắt siết sâu vào thân. Tình trạng "đeo gông" khiến cây khó sinh trưởng bình thường cũng xảy ra với những hàng cây ở khu vực đường Phạm Văn Đồng, Cầu Giấy (Hà Nội), đường Láng Hạ, quận Đống Đa (Hà Nội), khiến người dân rất bức xúc. Giáo sư Lê Đình Khả, Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cũng cho rằng, mặc dù có nhiều cách để kích thích, phát triển cây xanh theo công nghệ mới, nhưng khi cây đã bị “hằn vết” do vòng sắt cứa vào như vậy sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển sau này.
Cách làm "lợi biến thành hại" như hiện nay là do sự thiếu trách nhiệm của các đơn vị chăm sóc. Tại sao thứ dùng để bảo vệ cây lại biến thành công cụ giam hãm, thậm chí bạo hành nhiều cây xanh? Đó là do sự tắc trách của những đơn vị được giao nhiệm vụ chăm sóc, theo dõi quá trình phát triển của chúng. Những vết hằn in sâu vào cây đã chứng tỏ chúng đã bị vòng sắt “bóp nghẹt” trong thời gian rất dài, thể hiện sự vô trách nhiệm điển hình của các cá nhân, đơn vị liên quan.
Bà Phạm Thị Kim Thu, trưởng phòng kế hoạch Công ty cây xanh hà Nội vẫn khẳng định, Công ty đã đi khả sát, rà soát nhưng nhân lực không đủ: “Chúng tôi đi khảo sát, nhưng có lẽ do nhiều quá nên vẫn bị sót, thế nên có thể đúng như tình hình thông tin báo chí đã phản ánh như vậy”.
Có lẽ, những đai sắt kia đã không trở thành “gông cùm” nếu những người có trách nhiệm làm việc có tâm hơn, kịp thời nới rộng đai cho cây tiếp tục lớn. Khi ấy, việc lắp vòng và giá đỡ bảo vệ cây – một giải pháp hữu ích có mục đích hoàn toàn tốt đẹp – sẽ không phát sinh tác hại.
Công ty Công viên cây xanh Hà Nội cùng các ban ngành đoàn thể đã nhanh chóng kiểm tra và khắc phục sớm thực trạng cây xanh bị “gông cùm”. Tuy nhiên giữa báo cáo tiến độ công việc và thực tế triển khai vẫn còn một khoảng cách xa. Những người yêu cây xanh vẫn chưa thể hết lo lắng cho sự phát triển xanh của Thủ đô./.