Cha mẹ cần dành thời gian để tìm hiểu kiến thức về sơ, cấp cứu trẻ em
VOV.VN - Đây là chia sẻ của Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam tại tọa đàm trực tuyến “Nghỉ hè vui và an toàn cho mọi trẻ em” vừa diễn ra do Cục Trẻ em phối hợp cùng các tổ chức về bảo vệ trẻ em tổ chức.
Theo số liệu của các cơ quan quản lý nhà nước, trung bình mỗi năm Việt Nam có tới khoảng 4.000 trẻ em bị tử vong do các nguyên nhân tai nạn, thương tích khác nhau, trong đó đuối nước và tai nạn giao thông là các nguyên nhân tử vong hàng đầu. Dù tỷ lệ trẻ em bị đuối nước đã giảm đáng kể, khoảng 500 em mỗi năm, nhưng trung bình mỗi năm ở Việt Nam vẫn còn khoảng hơn 2.000 trẻ em bị tử vong do đuối nước. Tỷ suất này cao gấp 10 lần các nước có thu nhập cao (Australia, Đức, Pháp, Canada, Đan Mạch).
Sinh mạng, sự an toàn của trẻ em là quan trọng nhất
Chia sẻ tại tọa đàm, bác sỹ Nguyễn Trọng An cho biết: "Tai nạn thương tích xảy ra đa số xung quanh nhà và trong khuôn viên nhà, nhiều nhất là vấn đề đuối nước khi trẻ tiếp xúc với các dụng cụ đựng nước như chum, vại, hay bị trượt ngã trong nhà vệ sinh,… Bên cạnh đó, các em bé có thể chọc que vào ổ điện, tiếp xúc với chất tẩy rửa, uống nhầm các loại thuốc của người lớn không phù hợp với trẻ,… Trong gia đình thường chủ quan đây là môi trường an toàn nhưng thực tế lại tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ”.
Chính vì thế, ông An lưu ý vai trò của gia đình trong bảo vệ trẻ em, xây dựng mô hình Ngôi nhà an toàn là vô cùng quan trọng.
Ông An chia sẻ “bí kíp” cho các gia đình: “Mô hình ngôi nhà an toàn đảm bảo cung cấp cho cha mẹ kiến thức, cách phát hiện những nguy cơ gây ra tai nạn cho trẻ trong nhà như vị trí để phích nước như thế nào, tủ thuốc phải cất ở nơi không trong tầm với của trẻ, dao nhọn phải cất cao, không được đựng hoá chất trong các chai lọ như nước khoáng, nước ngọt… Cha mẹ phải nhận thức được trong nhà mình đang tiềm ẩn những nguy hiểm gì. Mô hình cũng khuyến cáo rằng những trẻ em dưới 3 tuổi phải có cũi. Việc này có thể giúp cứu hàng triệu trẻ em thoát chết”.
Đừng chỉ chia buồn thăm viếng, cần tìm nguyên nhân trẻ bị đuối nước
Để bảo vệ trẻ em an toàn, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em cho rằng, thứ nhất cần nhận thức chính xác về tầm quan trọng của việc bảo vệ sinh mạng trẻ em và tìm kiếm giải pháp.
Ông Nam chia sẻ: “Tôi rất buồn vì hình như chúng ta chưa coi trọng sinh mạng trẻ em bằng sinh mạng của người lớn. Khi tai nạn xảy ra, tôi luôn yêu cầu địa phương không chỉ là đến chia buồn thăm viếng, mà cần tìm hiểu nguyên nhân tại sao các em bị đuối nước, gia đình đã được truyền thông chưa, đã có cảnh giới khu vực trẻ bị tai nạn hay chưa, trẻ em đã được học bơi chưa,... thì địa phương và các bên liên quan mới có giải pháp để bảo vệ trẻ em”.
Thứ hai là vấn đề tạo môi trường vật chất an toàn cho trẻ, bảo đảm môi trường trong gia đình và cộng đồng được an toàn. Ông Nam chia sẻ những câu chuyện hết sức đau lòng: “Tôi đã thăm một gia đình vừa có trẻ bị tử vong vì đuối nước, nhưng khi tôi đi ra sau nhà, tôi vẫn thấy ao mương nước không có rào chắn, giếng nước không được đậy, mà thực tế, cách đây mấy năm, chính gia đình này cũng đã có một cháu tử vong vì đuối nước. Hay chúng ta nói đến việc trẻ bị ngã từ trên cao rất nhiều, cha mẹ dậy sóng cảm thán thương xót nhưng sau đó chính nhà mình lại không làm lưới an toàn. Tôi cũng lưu ý, nhiều nhà chú ý đến phong thuỷ để gia đình an khang, nhiều tài nhiều lộc. Tuy nhiên, phong thuỷ tốt nhất phải là ngôi nhà an toàn cho trẻ em”.
Cục trưởng Cục Trẻ em cho rằng, điều thứ ba là trẻ em và cha, mẹ, các thành viên gia đình cần học các kỹ năng về an toàn để bảo vệ chính trẻ em và bảo vệ con cháu.
“Xây dựng kỹ năng cho gia đình để phòng ngừa tránh tai nạn, rồi kiến thức sơ cứu cấp cứu rất quan trọng. Cha mẹ chỉ cần dành thời gian một chút thôi để đọc, để nhớ đến khi cần thiết đôi khi sẽ cứu được sinh mạng của trẻ”, ông Nam chia sẻ.
Thứ tư là các chế tài cần được thúc đẩy để bảo vệ trẻ em trong gia đình và cộng đồng. Theo ông Đặng Hoa Nam, cũng chia sẻ quan sát thực tế là nhiều vụ tai nạn trẻ em xảy ra nhưng chưa có vụ tai nạn dẫn đến tử vong nào của trẻ em được xác minh, điều tra cụ thể để quy trách nhiệm và xử lý hình sự các bên liên quan. Trong thời gian gần, dự kiến ngay trong tháng 6 này, sẽ có chương trình Quốc gia được phê duyệt để bảo vệ trẻ em khỏi tai nạn thương tích. Tuy nhiên, ông lưu ý: “Việc bảo vệ trẻ em không chỉ là việc của chương trình quốc gia 5 năm, 10 năm mà là việc mỗi gia đình, mỗi người có trách nhiệm bảo vệ trẻ em phải làm hàng ngày”.
Trẻ biết bơi chỉ là điều kiện đủ
Ông Đặng Hoa Nam cũng lưu ý các gia đình không thể chỉ coi việc cho trẻ đi học bơi là mấu chốt giải quyết mọi vấn đề liên quan đến đuối nước ở trẻ. “Đối với trẻ, biết bơi chỉ là điều kiện đủ để trẻ tự bảo vệ bản thân. Trẻ cần phải có kỹ năng an toàn trong môi trường nước như khi đang bơi bị chuột rút thì phải làm gì. Nhiều trẻ dù biết bơi, bơi quen ở một số khu vực nhưng vẫn bị đuối nước. Các em chưa được nhắc nhở thường xuyên về những kĩ năng an toàn, nên chưa có phản xạ xử trí khi gặp nguy cơ đuối nước. Vì vậy, tôi muốn nhấn mạnh rằng trẻ cần phải được học bơi an toàn và bổ sung đầy đủ kĩ năng an toàn trong môi trường nước”.
Bác sỹ Nguyễn Trọng An cũng chia sẻ thêm, ngoài việc giáo dục kỹ năng về chống đuối nước thì kỹ năng cứu đuối và sơ cấp cứu vào thời điểm vàng cho trẻ bị đuối nước nói riêng và tai nạn thương tích nói chung cũng đặc biệt quan trọng. “Khi trẻ, hay cả người lớn bị đuối nước, không được phép bơi ra bế trẻ lên, trừ trường hợp trẻ ở chỗ nước nông. Nếu ở chỗ nước sâu, cần phải hô hoán để mọi người cùng đến cứu giúp. Cần quan sát xung quanh có vật gì để bám vào không, hoặc dây để kéo vào bờ, hãy ném vật đấy cho người đuối nước để họ bám vào. Nếu bản thân có khả năng cứu đuối tốt thì có thể trực tiếp cứu đứa bé, nhưng nếu không có khả năng cứu đuối, nên hô hoán để tìm sự giúp đỡ từ mọi người. Sau khi cứu em bé, chúng ta phải ngay lập tức thông đường thở của bé. Đây là kĩ năng hồi sức tim phổi cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, luyện tập đàng hoàng, thông tin chính xác và thực hành hà hơi thế nào, hô hấp nhân tạo thế nào để phù hợp với trẻ ở từng lứa tuổi”./.