Cha mẹ không nên lo lắng khi học sinh tiểu học trở lại trường học trực tiếp
VOV.VN - Khi học sinh tiểu học quay trở lại trường học trực tiếp, cha mẹ, thầy cô cần hướng dẫn trẻ thực hiện tốt các biện pháp 5K để phòng bệnh; cần có quan điểm mới về phòng, chống dịch, bởi hiện nay đã chuyển sang thích ứng linh hoạt, chấp nhận có F0 trong cộng đồng.
Sở GD&ĐT Hà Nội đã trình phương án cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 các quận nội thành đi học trở lại từ ngày 21/2 tới. Đơn vị này cho rằng, việc đưa học sinh các cấp học trở lại trường là cần thiết nhưng phải theo lộ trình từng bước và đảm bảo an toàn cho các em.
Việc học sinh tiểu học có thể được trở lại trường học trực tiếp khiến nhiều phụ huynh vừa mừng, vừa lo. Mừng vì sau một thời gian dài học trực tuyến, con em mình được hòa nhập, vui chơi, giao lưu với thầy cô, bạn bè. Từ đó có thể hạn chế được việc tiếp xúc với màn hình điện thoại, máy tính và đặc biệt có thể “cai nghiện” game với những em đam mê chơi game.
Bên cạnh sự vui mừng, các phụ huynh cũng có những nỗi lo khác, lo vì học sinh tiểu học chưa được tiêm vaccine ngừa Covid-19, trong khi dịch bệnh tại Hà Nội vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Cùng với đó, các em chưa có ý thức cao trong việc phòng, chống dịch bệnh; Hơn nữa, học sinh chỉ đi học tại trường nửa ngày, các bậc cha mẹ phải sắp xếp công việc, thay phiên nhau đưa, đón con cũng là một bài toán nan giải trong nhiều gia đình hiện nay.
Chị Vũ Thu Phong (Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ, biết được thông tin, tới đây, học sinh bậc tiểu học sẽ được quay trở lại trường học trực tiếp, vợ chồng chị rất phấn khởi vì con mình được đến trường giao lưu với các bạn, không phải dán mắt vào màn hình máy tính để học trực tuyến và “nhốt” mình trong 4 bức tường nữa.
Tuy nhiên, chị Phong không khỏi lo lắng, dịch bệnh vẫn gia tăng, con thì còn nhỏ, chưa có ý thức cao trong việc phòng, chống dịch bệnh, nguy cơ lây nhiễm bệnh là rất cao. Chị mong các con sẽ sớm được tiêm vaccine để yên tâm hơn khi tới lớp.
Cũng có cùng lo lắng như chị Phong, anh Nguyễn Văn Chiến ở Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội) cho hay, khi biết tin học sinh tiểu học sẽ được quay trở lại trường học trong thời gian tới, cảm xúc của vợ chồng anh mừng vui xen lẫn lo âu. Mừng vì con sẽ được đến trường tương tác, vui chơi cùng bạn bè, lo lắng vì khi đi học lỡ chẳng may có một bạn trong lớp mắc Covid-19, con mình sẽ bị nhiễm bệnh và lại gián đoạn việc học hành.
“Ngoài lo lắng vì con có thể bị mắc bệnh, vợ chồng tôi cũng rất băn khoăn là làm thế nào để đưa đón con về nhà buổi trưa và trông con buổi chiều khi mà trường học chỉ dạy nửa ngày. Chúng tôi rất mong nhà trường sẽ sớm tổ chức cho học sinh ăn bán trú ở lại để giảm bớt áp lực và khó khăn cho phụ huynh”, anh Chiến chia sẻ.
Các chuyên gia y tế cho rằng, việc học sinh tiểu học đi học trở lại là cần thiết, không nên chủ quan, xem nhẹ việc phòng dịch nhưng cũng không nên căng thẳng quá mức cần thiết, ảnh hưởng tới việc học tập và sinh hoạt của học sinh.
Với học sinh lớp 1 chưa từng được tới trường, nhà trường cần phổ biến các quy định về học tập và sinh hoạt tại trường; tổ chức các hoạt động để tạo hứng thú và trạng thái thoải mái cho học sinh tới trường; hướng dẫn học sinh thực hiện 5K từ gia đình đến trường học để tạo lá chắn an toàn cho trẻ trước dịch.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định, việc cho trẻ em đi học là vô cùng cần thiết vì nếu cho trẻ nghỉ quá lâu, các em không những khiếm khuyết về kiến thức mà còn bị khiếm khuyết về cả thể chất lẫn tinh thần. Trẻ có thể bị trầm cảm, mắc các bệnh không lây nhiễm hay nghiện game…
Đến thời điểm này, chúng ta đã có tỷ lệ tiêm vaccine cao, những trường hợp nhiễm dịch trong cộng đồng đều là người lớn hoặc trẻ trong lứa tuổi 12 - 17 với các triệu chứng nhẹ. Với trẻ trong độ tuổi 5-11, khi mắc Covid-19 thường có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng.
Khi đi học, cha mẹ, thầy cô cần hướng dẫn trẻ thực hiện tốt các biện pháp 5K để phòng bệnh. Chúng ta cũng cần có quan điểm mới về phòng, chống dịch, hiện nay, đã chuyển sang thích ứng linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả, chấp nhận có F0 trong cộng đồng. Khi cho học sinh đi học, nếu dịch xảy ra ở lớp nào thì cần phải đánh giá cụ thể, như thế nào là F0, như thế nào là F1 rồi học sinh tiếp tục học tập ra sao…
Cũng theo ông Phu, nếu cháu nào là F0, có triệu chứng nhẹ và không có triệu chứng thì cho cách ly tại nhà, còn cháu nào nặng thì có thể đi bệnh viện. Với các trường hợp là F1 thì thực hiện theo các quy định của bệnh viện và cách ly tại nhà theo quy định. Nếu dịch xảy ra ở lớp nào thì cho lớp đó nghỉ học hoặc khoanh vùng trong lớp, không nhất thiết vì một vài ca mắc bệnh mà lại cho cả trường nghỉ học. Khi cho học sinh đi học thì giáo viên nhắc nhở các em nên hạn chế tiếp xúc giữa lớp nọ với lớp kia, giờ ra chơi không nên tập trung đông đúc.
“Khi học sinh đi học trở lại, nếu nghi ngờ trẻ có triệu chứng bệnh như ho, sốt, sổ mũi, đau họng, mất khứu giác thì nên xét nghiệm nhanh cho trẻ và báo cho cơ quan y tế. Khi trẻ bị dương tính thì không nên cho đi học, cần cách ly trẻ đó với những người chưa tiêm vaccine trong gia đình để tránh lây nhiễm chéo. Phụ huynh không nên có cảm giác lo sợ về dịch mà hãy tập trung chăm sóc, bảo vệ trẻ thật tốt”, ông Trần Đắc Phu đưa ra lời khuyên.
Trong bối cảnh nới lỏng các hoạt động, việc lây nhiễm trong cộng đồng là không thể tránh khỏi, việc đi lại nhiều, tiếp xúc nhiều sẽ dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cao, có thể lây theo yếu tố gia đình, lây theo khu vực. Do đó, trẻ em đi học có thể bị nhiễm bệnh hoặc ở nhà cũng có thể bị nhiễm bệnh. Chúng ta cần cân đối rủi ro và nhận thức được rằng, việc cho trẻ đi học trở lại là cần thiết. Do đó, các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng khi cho con em mình đến trường. Hiện nay, chúng ta đã có kinh nghiệm xử lý các ổ dịch ở nhà, trong cộng đồng và tại nhà trường rồi. Ở đâu có ca mắc bệnh thì xử lý ở đó, không nên bắt cả trường nghỉ học.
“Học sinh trở lại trường ở thời điểm này là hợp lý. Phụ huynh và học sinh không nên lo lắng. Bên cạnh đó, Hà Nội nên tính toán cho trẻ học cả ngày ở trường, tránh việc trẻ học bán trú phải đưa đón nhiều lần, gây khó khăn cho các bậc phụ huynh. Về phía nhà trường, cần tăng cường việc quản lý rủi ro, tăng cường biện pháp phòng bệnh, tuyệt đối tránh tiếp xúc lớp này với lớp kia, như vậy, sẽ khoanh vùng được tốt hơn nếu có ca mắc tại lớp đó”, ông Trần Đắc Phu cho hay./.