Chậm quản lý thuốc lá thế hệ mới: Nguyên nhân khiến tội phạm leo thang?
VOV.VN - Thời gian qua, tình hình tội phạm buôn lậu thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng ngày càng diễn biến phức tạp. Điều này đặt ra câu hỏi: Liệu có phải do chưa có hướng dẫn quản lý, kiểm soát chính thức các mặt hàng này nên dẫn đến việc gia tăng tỷ lệ tội phạm cũng như mức độ biến tướng ngày càng nguy hiểm?
Hút thử nhưng được trả tiền thật
Theo nguồn tin từ các giáo viên, phụ huynh và học sinh trường Tiểu học Lại Yên, Hoài Đức, cuối tháng 3 vừa qua, 5 đối tượng lạ mặt đã xuất hiện và dụ dỗ các em học sinh hút thuốc lá điện tử (TLĐT) tại một công viên kèm theo lời hứa hẹn “Hút và rủ thêm người hút sẽ được tặng luôn điếu TLĐT và thêm 50.000 đồng”.
Trước sự việc này, UBND quận Ba Đình, Hà Nội đã nhanh chóng gửi cảnh báo đến phụ huynh và cộng đồng nhằm nâng cao cảnh giác trước hiện tượng lừa đảo, dụ dỗ học sinh tiểu học hút và truyền bá TLĐT trong môi trường học đường.
Sự việc càng gây bức xúc khi các sản phẩm mà các em hút thử đều là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, chất lượng, thậm chí cả thành phần chứa trong đó. Nếu bị bắt giữ, các sản phẩm này được xếp chung vào nhóm hàng hóa nhập lậu, không đủ chứng từ, với mức phạt hành chính tối đa vài chục triệu đồng. Rõ ràng mức phạt tượng trưng như trên hoàn toàn trái ngược với lợi nhuận hấp dẫn có được nên đã khiến kẻ gian không ngần ngại giở nhiều thủ đoạn để trục lợi, kể cả buôn hàng cấm. Theo đó, bọn tội phạm sẵn sàng lợi dụng sự non nớt, thiếu hiểu biết của giới trẻ nhằm biến các em thành “con nghiện” hay thậm chí là “kênh phân phối” các sản phẩm TLĐT chứa ma túy, chất cấm của chúng.
Không chỉ có giới trẻ bị dụ dỗ, mà ngay chính cả những người hiện đang hút thuốc lá mua và xài các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (TLTHM) nêu trên cũng lạc trong ma trận của thị trường chợ đen.
Nhận định về tình hình này, bà Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, người dùng hiện nay rất dễ tiếp cận với các loại TLTHM từ nguồn hàng lậu. Thực tế này dẫn đến hệ lụy trực tiếp đối với người dùng, đó là vừa khó lòng phân biệt thật giả, vừa không có căn cứ để xác định chất lượng sản phẩm.
Bài toán quản lý các sản phẩm TLTHM bằng luật đã được đặt ra nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có lời giải. Một số quan điểm cho rằng sản phẩm nào “không quản được thì cấm”. Tuy nhiên, quan điểm này đang được các chuyên gia nhận định là khiên cưỡng vì đi ngược lại với hệ thống pháp luật hiện hành. Đồng thời, các vụ tai nạn ngộ độc chất cấm do tội phạm buôn lậu biến tướng không nên là lý do để cấm đoán sự hiện diện của các sản phẩm đã được chính phủ nhiều quốc gia trên toàn cầu công nhận và các tổ chức y tế thẩm định khoa học. Điều này cũng chỉ làm lợi cho thị trường chợ đen khi Việt Nam có không ít “đường mòn, lối mở” thuận lợi cho việc kinh doanh trái phép.
Minh họa điển hình cho vấn đề này chính là bài học từ Thái Lan. Dù đã cấm hoàn toàn TLĐT từ năm 2017 nhưng quốc gia này vẫn không thể ngăn chặn tỷ lệ buôn lậu trực tuyến “leo thang” đến 97% trong giai đoạn tháng 7 - tháng 9/2022. Nhiều du khách còn lầm tưởng TLĐT được buôn bán hợp pháp tại quốc gia này do sự hiện diện quá phổ biến trên thị trường chợ đen. Chính sách cấm triệt để này còn góp phần hạn chế tiềm năng du lịch của Thái Lan do nhiều du khách có thói quen sử dụng TLĐT cảm thấy ngần ngại trước khi đưa ra quyết định du lịch.
Sớm luật hóa thuốc lá thế hệ mới để nhanh chóng ngăn ngừa tội phạm
Trong một diễn biến của tiến trình thúc đẩy quản lý TLTHM, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã yêu cầu Bộ Công thương nhanh chóng xác định cơ sở pháp lý cũng như thẩm quyền ban hành chính sách thí điểm quản lý TLTHM. Phó Thủ tướng cũng chỉ đạocác bộ ngành liên quan nghiên cứu, đánh giá các sản phẩm này, trên cơ sở tiên quyết là đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng và cân đối hài hòa quyền lợi giữa các chủ thể liên quan như doanh nghiệp, cơ quan quản lý…
Về góc độ pháp lý, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp chia sẻ, theo đúng tinh thần của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá thì Nghị định 67/2013 chỉ điều chỉnh những thứ gọi là thuốc lá. Những sản phẩm chứa cần sa, ma túy thì không phải là thuốc lá và dĩ nhiên phải bị cấm. Các sản phẩm chứa nguyên liệu thuốc lá thì đã được xác định rõ là sản phẩm thuốc lá và nằm trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư. Do đó, không thể cấm những sản phẩm này được.
Ông cũng cho rằng đã đến lúc chúng ta cần sửa đổi hệ thống pháp luật để đưa vào quản lý ngay TLTHM nhằm hạn chế tình trạng hàng lậu xâm nhập vào Việt Nam thông qua con đường xách tay, buôn lậu. “Không có rào cản pháp lý đối với việc quản lý TLTHM” là thông điệp được ông Hải nhấn mạnh.
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật bày tỏ thêm một góc nhìn khác. Ông cho rằng việc cấm TLTHM hay không còn phải phụ thuộc vào những cam kết theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Ý kiến này tương đồng với quan điểm của ông Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Ông Hạ cho biết, Việt Nam là thành viên uy tín, tích cực của các tổ chức hợp tác quốc tế. Do đó, việc cấm, không cấm hay tạm dừng nhập khẩu TLTHM cần phải rõ ràng, thống nhất với thông lệ quốc tế, với các thỏa thuận hợp tác quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
Tình trạng công khai dụ dỗ học sinh tiểu học sử dụng TLĐT là hồi chuông cảnh báo các cơ quan quản lý cần sớm đưa ra quyết định kiểm soát tất cả các mặt hàng thuốc lá đã có mặt trên thị trường. Càng chậm trễ quản lý thì tình trạng mất kiểm soát tội phạm buôn lậu ma túy biến tướng với nhiều hình thức khác nhau, từ trá hình núp bóng thiết bị TLĐT cho tới dùng tiền dụ dỗ ngày càng tăng và để lại những hậu quả nặng nề cho người dùng, đặc biệt là giới trẻ./.