Chật vật tìm chỗ gửi xe
VOV.VN - Tại Hà Nội, tình trạng “khan hiếm” những điểm trông giữ xe ô tô không chỉ xảy ra ở trung tâm thành phố nơi tập trung nhiều công sở...
Bở hơi tìm nơi gửi xe
Ngoài việc ra quân xử lý vi phạm ở vỉa hè, Hà Nội còn xử phạt nghiêm những xe ô tô đậu trái phép dưới lòng đường. Vì thế, những ai đi ô tô rất khó để tìm chỗ gửi xe khi có việc cần đi vào khu vực trung tâm thành phố.
Ô tô bủa vây sân chung cư. |
Anh Thành (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Tuần trước tôi cần giao dịch tại chi nhánh của một ngân hàng trên phố Tràng Tiền. Dù việc giao dịch chỉ diễn ra trong khoảng 15 phút, như trước đây tôi chỉ cần tìm tuyến phố không có biển cấm đỗ xe ô tô để đỗ tạm, nhưng lần này sợ công an xử phạt, tôi không dám để xe ở lòng đường mà lái xe ra nơi gửi gần đấy nhất nằm trên đường Ngô Quyền nhưng đã hết chỗ gửi. Tôi lại lái xe ra chỗ gửi xe ô tô trên đường Lý Thường Kiệt, rồi Hai Bà Trưng nhưng 2 nơi này cũng kín chỗ. Cuối cùng, tôi đành lái xe ra bãi đỗ xe cao tầng trên đường Trần Nhật Duật mới gửi được xe, sau đó bắt taxi đến nơi giao dịch. Từ nay vào thành phố chắc tôi sẽ bắt taxi chứ gửi được cái ô tô thì mệt hết cả người”.
Năm 2003, UBND TP. Hà Nội đã phê duyệt “Quy hoạch mạng lưới các điểm đỗ xe và bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn thành phố đến năm 2020”. Quy hoạch nêu rõ, diện tích dành cho việc xây dựng điểm đỗ và bãi đỗ xe công cộng phải đạt 2 - 3,5% đất xây dựng đô thị; Đối với chung cư cao tầng là 4 - 5% diện tích đất xây dựng đô thị. Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện lại không đúng tiêu chí ban đầu.
Trong những ngày Hà Nội và TP. HCM ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ, dẹp bỏ các bãi để xe trái phép thì chỗ gửi xe, nhất là xe ô tô, ở hai thành phố lớn càng trở nên bế tắc.
Chị Lan Anh (Đông Anh, Hà Nội) ngày10/3 vừa qua cho con đi khám ở Bệnh viện Mắt Trung ương. Mọi lần chị thường gửi xe máy ở ngay cổng chính bệnh viện, vỉa hè phố Bà Triệu, hôm nào hết chỗ thì gửi vỉa hè phố Trần Nhân Tông gần đó, thế nhưng lần này cả hai chỗ đều không còn chỗ gửi. Hai mẹ con loanh quanh tìm chỗ gửi mãi không được, sau được người dân mách, chị đành đi xe ra gửi ở gần cổng phụ công viên Thống Nhất trên phố Nguyễn Đình Chiểu rồi bắt xe ôm quay lại bệnh viện.
Ông Trần Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng cho biết, các bãi gửi xe được cấp phép trên địa bàn phường không đủ đáp ứng nhu cầu người dân. Thế nhưng, phường không còn quỹ đất để xây dựng hay mở thêm các bãi trông giữ xe mà phải trông chờ vào chủ trương của thành phố.
Tìm được chỗ gửi xe đã khó nhưng tìm được rồi, người dân lại phải trả mức giá cao hơn rất nhiều quy định của Nhà nước. Ngay trung tâm thành phố, người dân muốn vào đền Ngọc Sơn thường gửi xe ở cạnh cầu Thê Húc với giá từ 5.000 - 10.000 đồng/xe máy, từ 50.000 - 100.000 đồng/ô tô/2 giờ.
Anh Đỗ Chiến (Cầu Giấy, Hà Nội) bức xúc: “Ngày 18/3 vừa qua, tôi đưa con đi học tiếng Anh tại 28 Trần Bình (Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội) và gửi xe tại tòa nhà này. Tôi gửi gần 2 tiếng mà phải trả phí 50.000 đồng, trong khi quy định của Nhà nước là 25.000đ/ô tô/2 giờ. Thành phố cấm chủ phương tiện không được để xe dưới lòng đường, dân chấp hành nhưng thành phố phải kiểm soát nghiêm giá vé tại những điểm trông giữ xe đã được cấp phép”.
Ô tô bủa vây chung cư
Tại Hà Nội, tình trạng “khan hiếm” những điểm trông giữ xe ô tô không chỉ xảy ra ở trung tâm thành phố nơi tập trung nhiều công sở, trung tâm thương mại... mà còn xảy ra ở hầu hết các khu đô thị, các tòa nhà cao tầng. Đa phần những chung cư xây dựng trước đây như: Linh Đàm, Định Công, Mỹ Đình, Trung Hòa - Nhân Chính... không đủ đáp ứng nhu cầu gửi ô tô của cư dân sinh sống tại tòa nhà. Những chung cư này, tầng hầm hầu như chỉ đáp ứng chỗ gửi xe máy, các đơn vị quản lý các nhà chung cư phải sắp xếp bãi đỗ xe lộ thiên trong khuôn viên hay trên đường nội khu gây mất mỹ quan đô thị, cản trở giao thông, tiềm ẩn tai nạn giao thông, gây mất an ninh trật tự...
Khảo sát tại một số khu đô thị thuộc quận Hoàng Mai; Thanh Trì (Hà Nội) như: Khu đô thị Linh Đàm, Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ thấy những tòa nhà này chỉ có một tầng hầm để xe máy, không có tầng hầm dành riêng cho ô tô. Có thể dễ dàng nhận ra xe ô tô đậu như mắc cửi trên các sân chơi của tòa nhà, thậm chí đậu la liệt dưới lòng đường gây cản trở giao thông. Có đoạn đường dù cơ quan chức năng đã cắm biển cấm dừng, nhưng ô tô vẫn đậu san sát.
Anh Thanh, một người dân sống tại tòa nhà do Tổng công ty HUD làm chủ đầu tư cho biết: “Khu đô thị Linh Đàm là khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên của Hà Nội được xây dựng cách đây hơn chục năm nên tại thời điểm đó những tòa nhà chung cư không được thiết kế tầng hầm gửi xe ô tô. Có đến nghìn chiếc ô tô của cư dân sinh sống trong các tòa nhà do HUD làm chủ đầu tư trong khu Linh Đàm đều phải “tự túc” chỗ gửi.
“Hàng xóm” của các tòa nhà do HUD làm chủ đầu tư trong khu Linh Đàm là hàng chục tòa nhà cao tầng của Tập đoàn Mường Thanh cũng chỉ được thiết kế một tầng hầm để xe máy. Vì vậy, các tòa nhà này được “bao bọc” bởi những dãy xe ô tô trông mất mỹ quan đô thị.
Anh Cường, cư dân đang sinh sống trong khu đô thị “vạn dân” này cho biết, tình trạng xe ô tô đậu kín tòa nhà chung cư không những phá vỡ cảnh quan mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông, hơn nữa còn gây cản trở công tác PCCC. Khu này “có dớp” hỏa hoạn, không may xảy ra cháy nổ, những bãi đậu xe này là vật cản để xe chữa cháy tiếp cận các tòa nhà, gây khó khăn cho công tác chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn...
Có mặt tại khu đô thị Văn Khê, phường La Khê, quận Hà Đông, tình trạng cũng không khá hơn. Các tòa nhà chỉ có 1 tầng hầm để xe máy, cho nên cư dân để xe ô tô kín vỉa hè, dưới lòng đường gây cản trở giao thông. Con đường ra vào khu đô thị khá chật hẹp, chỉ cần một ô tô đậu dưới lòng đường, một ô tô tiến ra lùi vào là gây ách tắc giao thông.
Tương tự, tại khu Trung Hòa - Nhân Chính, tầng hầm cũng không đủ đáp ứng nhu cầu gửi xe của người dân nên đơn vị quản lý phải bố trí chỗ gửi xe ở vỉa hè, thậm chí dưới lòng đường. Chị Thư, một người dân sống tại tòa nhà 34T cho biết: “Do chỗ gửi xe ô tô trong tòa nhà ít nên đơn vị quản lý ưu tiên cho những người có xe trước. Nhà chị năm ngoái mới mua xe nên phải tìm nơi khác để gửi. Với cư dân đã thế, khách đến chơi nhiều khi hết chỗ gửi, giờ không dám để dưới lòng đường phải lòng vòng đi tìm chỗ để gửi, rất ái ngại”.
Những dự án còn xa
Để giải quyết bài toán thiếu bãi đỗ xe, TP. Hà Nội đã thống nhất chủ trương xây dựng bãi đỗ xe ngầm tại công viên Nhân Chính, nhà thi đấu Quần Ngựa, công viên Thống Nhất… Hà Nội cũng quy định, tất cả các dự án nhà cao tầng phải có tối thiểu 3 tầng hầm. Ông Ngô Mạnh Tuấn - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, Sở đang xây dựng kế hoạch giải quyết tình trạng thiếu chỗ đỗ xe trong nội thành thành phố và sẽ công bố trong thời gian tới.
Còn về quy định các dự án nhà cao tầng phải có tối thiểu 3 tầng hầm được người dân đồng tình, tuy nhiên theo ý kiến một số chuyên gia về xây dựng và giao thông thì quy định cần cụ thể hơn.
PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, ở các trung tâm thương mại bắt buộc phải thế, nhưng ở các khu đô thị, cần xem cụ thể từng dự án để giảm áp lực cho chủ đầu tư. Với những dự án ở xa trung tâm có mặt bằng lớn đồng nghĩa với việc hầm gửi xe rộng, không nhất thiết phải xây đủ 3 tầng hầm.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Dầu khí toàn cầu (GP Invest) cho rằng: “Quy định này hết sức thiết thực nhưng không nên cứng nhắc khi bắt buộc dự án phải có bao nhiêu tầng hầm, mà nên quy định về tỷ lệ chỗ đậu xe cho một dự án”./.