“Chỉ cần cho cán bộ cơ chế là họ sẽ đến với mình”
(VOV) - Bà Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh trả lời phỏng vấn về thi tuyển lãnh đạo.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa 11 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng” đang được triển khai sâu rộng tại các Bộ, ngành địa phương. Trong đó, việc bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo thông qua trình bày đề án hoặc thi tuyển cạnh tranh được xem là một trong những cách làm mang lại hiệu quả cao, từng bước xây dựng và củng cố đội ngũ cán bộ chủ chốt có tài, có đức đảm đương tốt nhiệm vụ được giao.
Cách thi tuyển lãnh đạo cấp sở của tỉnh Quảng Ninh vừa qua được dư luận đánh giá cao, xem đây là tiền đề thay đổi về chất trong công tác cán bộ của Đảng. Phóng viên VOV phỏng vấn bà Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh về vấn đề này.
PV: Thưa bà, cuộc thi tuyển lãnh đạo cấp sở của Quảng Ninh vừa qua đã nhận được sự đánh giá rất cao của dư luận. Bà có nghĩ đây là mô hình, tiền đề cho công tác tổ chức cán bộ sau này?
Bà Đỗ Thị Hoàng: Chủ trương lựa chọn cán bộ thông qua thi tuyển đã được Nghị quyết Trung ương 4 đề cập trong chiến lược về công tác cán bộ. Khi kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, chúng tôi thấy một số khâu trong công tác cán bộ cần phải đổi mới. Chúng tôi coi đây là chủ trương đúng. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi lại khẳng định một lần nữa chủ trương ấy mà Ban thường vụ là đúng.
Bà Đỗ Thị Hoàng tiếp xúc cử tri TP Hạ Long (Ảnh: Báo Quảng Ninh) |
Thứ nhất, đảm bảo được sự công khai minh bạch, công tâm. Thứ hai là mở rộng được nguồn để ứng cử vào các chức vụ mà mình đang có những vị trí đang có nhu cầu bổ nhiệm. Một chủ trương đúng, một chủ trương mới sẽ không bao giờ thành hiện thực và không bao giờ đúng nếu không có ai hưởng ứng. Chỉ có chủ thể, không có khách thể thì không thể thành công được. Cho nên phải nói là cuộc thi này chúng tôi ghi nhận rất cao bản lĩnh, khao khát muốn hành động, muốn vươn lên, nhiệt huyết của những ứng cử viên lần này.
Năm 2006, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện thí điểm bổ nhiệm cán bộ thông qua trình bày đề án và sau 6 năm, chúng tôi quyết định chính thức tổ chức thi tuyển. So với cách tổ chức trình bày đề án thì lần này ưu điểm hơn.
Nếu đề án chỉ lấy trong nguồn quy hoạch vào chức danh, không mở rộng nguồn; lần này tổ chức thi, chúng tôi mở rộng được nguồn. Về lâu dài, chúng tôi nghĩ rằng không phải chỉ số cán bộ trên địa bàn Quảng Ninh đăng ký, mà nếu như người ta thấy sự minh bạch, công tâm và khách quan thì rất có thể là các ứng viên khác thấy mình có đủ bản lĩnh, đủ tri thức, đủ năng lực thì hoàn toàn có thể dự thi.
Bà Phạm Thùy Dương (phải) và bà Phạm Hồng Lan - Hai lãnh đạo cấp sở Quảng Ninh qua thi tuyển |
PV: Nhiều địa phương đã có những chính sách thu hút nhân tài như ưu đãi về thu nhập, nhà cửa đất đai… Vì sao Quảng Ninh lại chọn cách thi tuyển cạnh tranh? Bà có nghĩ là bẳng cách này, sẽ phát huy được năng lực của cán bộ trẻ?
Bà Đỗ Thị Hoàng: Chúng tôi muốn không có tiêu cực trong công tác cán bộ, không có tiêu cực trong tuyển dụng cán bộ công chức. Đấy là mục tiêu đầu tiên, sau đó mới là mục tiêu mở rộng nguồn để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tôi nghĩ, từ một phương pháp đúng, một chủ trương đúng, ta biến thành nguồn lực để thu hút chứ không phải tất cả các nguồn lực đều mua được bằng tiền. Thay vì mình trợ cấp cho người ta hàng tháng là bao nhiêu, hoặc trợ cấp 1 lần lúc thu hút người ta về, thì chỉ cần cho người ta một cơ chế, cơ hội để tất cả những ai có nhiệt huyết, có trí tuệ, có bản lĩnh đều có cơ hội là người ta sẽ tìm về.
PV: Là địa phương đầu tiên tổ chức thi tuyển lãnh đạo cấp sở, Quảng Ninh có chịu áp lực gì không, thưa bà?
Bà Đỗ Thị Hoàng: Sau khi cuộc thi diễn ra thì dư luận xã hội có rất nhiều chiều. Một kênh thì ủng hộ cách làm công khai, minh bạch, khách quan, công tâm, ủng hộ việc khích lệ mỗi người, thể hiện rõ các khát khao cống hiến tri thức cho xã hội.
Thế nhưng cũng có một dư luận khác băn khoăn là có đảm bảo tính Đảng trong công tác cán bộ hay không? Tức là có thực hiện được quy trình về phát hiện, quy hoạch rồi mới đến bổ nhiệm hay không? Rồi băn khoăn vì việc thi với việc thể hiện năng lực quản lý bởi còn phải có thời gian, vật chất nhất định.
Rồi cũng có suy nghĩ là ta khuyến khích được nhiều người trẻ, người tài, người có trí thức, khát khao vươn lên; nhưng còn những người đã cống hiến, đã có kinh nghiệm thì ta phải có cách bố trí như thế nào, chính sách cán bộ ra sao? Đấy cũng là trăn trở mà Ban thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh phải suy nghĩ.
PV: Vậy thì đâu là những bài học kinh nghiệm được rút ra từ cuộc thi này?
Bà Đỗ Thị Hoàng: Ngay sau khi kết thúc cuộc thi, trước giờ công bố kết quả, Ban Thường vụ tổ chức họp rút kinh nghiệm luôn. Thứ nhất, chúng tôi ghi nhận sự cố gắng, sự nhiệt tình của 11 ứng viên dự thi. Thứ 2, chúng tôi gửi kết quả và ghi nhận của tập thể Ban Thường vụ với các ứng viên đã dự tuyển.
Thứ 3, chúng tôi phân công các đồng chí thường vụ chịu trách nhiệm giúp đỡ, theo dõi, đồng thời phải giám sát việc thực hiện nhiệm vụ chức trách, thực hiện những ý tưởng mà người trúng tuyển đã trình bày. Có như vậy thì mới đánh giá được toàn diện của kết quả cuộc thi tuyển.
Tới đây, chúng tôi sẽ lựa chọn một số vị trí để tiếp tục tổ chức thi tuyển cạnh tranh, cân nhắc việc luân chuyển một số vị trí khác để chuẩn bị tạo nguồn cho nhiệm kỳ 2015-2020; giải quyết hài hòa để vừa phát huy được trí tuệ của cán bộ trẻ, đồng thời tiếp tục sử dụng đội ngũ cán bộ có tri thức, kinh nghiệm đã được bổ nhiệm từ trước.
PV: Xin cảm ơn bà!./.