Chi đội Kiểm ngư số 2 nỗ lực chống đánh bắt bất hợp pháp ở vùng biển giáp ranh
VOV.VN - Chi đội Kiểm ngư số 2 có nhiệm vụ quản lý, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thanh tra ngư trường vùng biển rộng lớn, bao trọn toàn vùng biển miền Nam, giáp ranh giữa nước ta với Indonesia, Malaysia và toàn bộ vùng biển DK1.
Đây là khu vực có nguồn thủy, hải sản đa dạng, phong phú và là tuyến hàng hải quốc tế chính đi qua Biển Đông, vì vậy lượng tàu thuyền qua lại đông và phức tạp. Hàng ngày khu vực này có hàng trăm tàu thuyền của ngư dân nước ta khai thác hải sản.
Nhằm tháo gỡ thẻ vàng đối với thủy sản khai thác nước ta (theo những khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu EC), Chi đội Kiểm ngư số 2 đã tập trung nhiều giải pháp, nỗ lực chống đánh bắt bất hợp pháp ở vùng biển giáp ranh. Ông Ngô Đăng Hoài, Bí thư Đảng ủy Chi đội Kiểm ngư số 2 đã có những chia sẻ rất thiết thực về vấn đề này.
PV: Thưa ông, thực trạng khai thác hải sản của bà con ngư dân nước ta ở vùng biển giáp ranh, chồng lấn với các nước (khu vực Chi đội Kiểm ngư số 2 được phân công quản lý, thực hiện nhiệm vụ...) diễn ra như thế nào?
Ông Ngô Đăng Hoài: Tính từ năm 2017 đến nay Chi đội Kiểm ngư số 2 chúng tôi đã triển khai trên 300 lượt tàu để quản lý vùng biển rất rộng lớn, bao trọn toàn vùng biển phía Nam, giáp ranh giữa nước ta với Indonesia, Malaysia và toàn bộ vùng biển DK1, đây là khu vực hàng ngày có số lượng tàu cá ngư dân ta hoạt động rất đông.
Qua quá trình tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thanh tra thủy sản, thực tế cho thấy đa phần các tàu cá ngư dân khai thác đúng pháp luật, tuy nhiên vẫn còn một số tàu chấp hành chưa nghiêm các quy định và pháp luật thủy sản, như: Hoạt động khai thác sai vùng, tuyến; thiếu giấy tờ theo quy định, không đảm bảo các điều kiện về an toàn hàng hải; khai thác tự do, tự phát, sử dụng các hình thức đánh bắt tận diệt, như thuốc nổ, xung điện...
Bên cạnh đó một bộ phận ngư dân thường dùng mọi cách thức để vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác trái phép, chủ yếu ở các nước như Indonesia, Malaysia, Thái Lan. Các tàu cá thường tập trung thành từng tốp 5-10 tàu hoạt động ở khu vực giáp ranh, tháo hệ thống giám sát hành trình AIS để lắp sang một tàu khác hoạt động trong khu vực biển của nước ta, các tàu còn lại lợi dụng đêm tối cơ động sang vùng biển nước ngoài khai thác.
Cá biệt có một số tàu cá khi bị lực lượng chức năng nước ngoài phát hiện, truy đuổi bắt giữ thì cơ động về gần lực lượng chức năng của ta đang hoạt động ở vùng giáp ranh để cầu cứu, hỗ trợ hoặc khi bị lực lượng chức năng của ta bắt lập biên bản thì có những hành động manh động, như dùng bom xăng, vật cứng để chống trả quyết liệt.
Phần lớn các tàu cá vi phạm thường sơn biển số giả, không có tên trong danh sách đăng ký, quản lý tại địa phương hoặc xuất bến tại địa phương khác, khó khăn cho việc xác minh thông tin; các tàu cá thường đã cũ, khi bị bắt các chủ tàu sẵn sàng bỏ tàu để không bị phạt.
Ngoài ra, tại khu vực giáp ranh hiện nay các nước trong khu vực, như: Indonesia, Malaysia, Thái Lan... đang tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm soát, bắt giữ các tàu cá nước ngoài vi phạm, họ coi việc đánh bắt thủy sản trái phép như là “hải tặc” và xử lý rất nghiêm, như phá hủy tàu thuyền, phạt tiền, phạt tù đối với ngư dân, khi cần thiết sử dụng cả vũ khí bắn vào tàu, vào ngư dân để trấn áp.
Cụ thể năm 2019 có 163 vụ/362 tàu/1.883 ngư dân; năm 2020 có 113 vụ/247/1.323 ngư dân; đầu năm 2021 đến nay có 57 vụ/109 tàu/522 ngư dân bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ. Qua số liệu chúng ta có thể thấy theo hàng năm số lượng vi phạm đã giảm, nhất là năm 2021 đã giảm rất nhiều.
PV: Với nhiệm vụ quản lý khu vực biển có vùng chồng lấn, giáp ranh với nước khác, công tác kiểm tra, kiểm soát, thanh tra ngư trường...trên khu vực biển này được Chi đội tăng cường như thế nào trong thời gian qua thưa ông?
Ông Ngô Đăng Hoài: Với hơn 300 lượt tàu hoạt động trong thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, thanh tra, bảo vệ ngư trường tại khu vực biển giáp ranh thời gian qua. Trên cơ sở nắm bắt tình hình thông qua các kênh thông tin của địa phương, các lực lượng có liên quan, thì hoạt động tuần tra, kiểm soát, thanh tra của các tàu Chi đội kiểm ngư số 2 khi thực hiện nhiệm vụ trên biển được triển khai thực hiện nghiêm túc, cụ thể là:
Trong mỗi chuyến thực hiện nhiệm vụ (thường hơn 1 tháng) các tàu phải xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm soát, thanh tra ngư trường theo định kỳ ngày, tuần hoặc đột xuất khi có thông tin về tàu cá ngư dân hoạt động. Hoạt động tuần tra là cơ sở để phát hiện tàu cá vi phạm.
Khi phát hiện tàu cá khai thác trong vùng biển chủ quyền, cách đường phân định, mép dưới vùng chồng lấn với khoảng cách quy định thì các tàu kiểm ngư tiến hành theo các bước từ thấp đến cao, từ tổ chức bám sát, theo dõi; tiếp cận tuyên truyền; ngăn chặn, ép hướng đến tổ chức bao vây bắt giữ, lập biên bản xử phạt hành chính chuyển về bờ bàn giao cho các cơ quan chức năng địa phương xử lý.
Để cùng với ngành thủy sản và các địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị 45 của TTCP, trong những năm qua Chi đội Kiểm ngư số 2 đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, Chỉ thị 45 của TTCP. Hàng năm chúng tôi xây dựng kế hoạch, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh ven biển có nhiều ngư dân khai thác ở vùng biển mà Chi đội được phân công kiểm soát, quản lý để thống nhất nội dung, thời gian, địa điểm tuyên truyền pháp luật biển tại các cảng cá ở đất liền và đặc biệt là lúc trực tiếp tham gia tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển. Vừa tuyên truyền vừa chia sẻ khó khăn với bà con ngư dân; Chi đội đã xây dựng đề cương tuyên truyền, cử báo cáo viên là những cán bộ có kinh nghiệm, có năng lực trực tiếp tuyên truyền, vận động.
PV: Để cùng ngành thủy sản sớm gỡ thẻ vàng đối với thủy sản khai thác nước ta, việc chống đánh bắt bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài cần phải được ngăn chặn. Chi đội Kiểm ngư số 2 đã có những nỗ lực và giải pháp như thế nào?
Ông Ngô Đăng Hoài: Một trong những nguyên nhân chính của việc Ủy ban châu âu EC cảnh cáo thẻ vàng đối với thủy sản của Việt Nam đó là việc khai thác thủy, hải sản trái phép, không báo cáo, không theo quy định, xâm phạm sang vùng biển nước ngoài, trong đó có ở khu vực giáp ranh Việt Nam-Indonesia và Việt Nam-Malaisya. Đây là vùng biển mà Chi đội kiểm ngư số 2 chúng tôi quản lý.
Nhận thức sâu sắc tình hình, thực hiện nghiêm Chỉ thị 45 của TTCP, trong những năm qua Chi đội Kiểm ngư số 2 chúng tôi luôn xác định phải phối hợp chặt chẽ với các địa phương và các lực lượng chấp pháp trên biển, tạo thành sức mạnh tổng hợp kiên quyết ngăn chặn, giải quyết dứt điếm việc tàu cá ngư dân ta vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác trái phép; đồng thời bảo vệ ngư dân không để bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ ở vùng biển giáp ranh, vùng biển thuộc chủ quyền của ta.
Thời gian qua chúng tôi thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các lực lượng có liên quan của các địa phương ven biển và chủ động, tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là Luật Thủy sản 2017, Luật biển Việt Nam; ranh giới biển, khu vực chồng lấn, Nghị định 42, Chỉ thị 45 của TTCP để nhân dân nâng cao nhận thức, chấp hành đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, không đưa tàu cá đi khai thác trái phép hải sản ở vùng biển nước ngoài. Thực hiện đúng chủ trương: “Dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm”. Với nhiều nội dung, biện pháp hữu hiệu để cùng với các bộ, ban ngành các tỉnh phía Nam khắc phục cảnh cáo thẻ vàng Ủy ban Châu Âu EC đối với thủy sản của Việt Nam.
Bên cạnh đó chúng tôi chủ động phối hợp với Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương kiểm tra, trao đổi thông tin về phương thức, cách thức của ngư dân ta sang vùng biển nước ngoài khai thác trái phép, trọng tâm là tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang, Cà Mau... theo Chỉ thị số 17/CT-TTG ngày 24/6/2021 của TTCP và quá trình xử phạt các tàu cá vi phạm sau lập biên bản.
Trong quá trình thực hiện đã phát huy tốt tính năng các trang thiết bị về quan sát, trinh sát, thông tin liên lạc, AIS để nắm bắt hoạt động của ngư dân trên biển, cũng như lực lượng chức năng nước ngoài hoạt động trong khu vực.
Khi thực hiện nhiệm vụ trên biển, các tàu của Chi đội đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chấp pháp hoạt động trên khu vực biển để nắm chắc số lượng tàu cá ngư dân ta đang khai thác trên các vùng biển, đặc biệt là vùng giáp ranh để tiến hành tuyên truyền qua kênh liên lạc nghề cá và tiếp cận tuyên truyền trực tiếp. Hình thức, nội dung tuyên truyền luôn được chúng tôi quan tâm đổi mới, theo hướng ngắn gọn, trọng tâm, dễ nhớ, dễ thực hiện giúp bà con nắm vững được những kiến thức pháp luật biển cần thiết, giúp bà con ngư dân khai thác hợp pháp, có trách nhiệm vì một nghề cá bền vững. Cụ thể in tờ rơi có bản đồ vùng biển, tần số các đài canh 8044KHz, 7.903 KHz, 13.098KHz, kênh 16 VHF (tần số 156.800MHz).
Khi thực hiện nhiệm vụ trên biển, các cán bộ, nhân viên còn sang tàu ngư dân, trò chuyện, phát tờ rơi, hướng dẫn cụ thể chi tiết… phân tích cho bà con hiểu việc khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, thứ nhất ảnh hưởng trực tiếp đến ngư dân (kinh tế, hải sản khai thác không bán được); thứ hai là ảnh hưởng mối quan hệ giữa nước ta với các nước trong khu vực./.
PV: Trân trọng cảm ơn ông./.