Chi trả chính sách không dùng tiền mặt: Tiện nhưng vẫn khó thực hiện
VOV.VN - Phần lớn người dân chuộng sử dụng tiền mặt vì cảm giác yên tâm khi nhận tiền trực tiếp, đồng thời ngại chuyển sang những phương thức khác vì sợ quy trình phức tạp.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Thí điểm chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt” do Bộ LĐ-TB-XH phối hợp với Ngân hàng thế giới (World Bank) tổ chức hôm nay (25/11).
Theo báo cáo gần đây của Ngân hàng Nhà nước, năm 2019, gần 40% người dân Việt Nam có tài khoản ngân hàng nhưng vẫn còn 80% chi tiêu hằng ngày sử dụng tiền mặt, 98% sử dụng tiền mặt khi thanh toán các mặt hàng dưới 100.000 đồng. Tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán vẫn còn cao so với mục tiêu Chính phủ đề ra là 50% năm 2025 và 20% trước năm 2030.
Trong lĩnh vực an sinh xã hội, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (World Bank) 75% chi trả lương hưu và gần 100% chi trả trợ cấp xã hội vẫn bằng tiền mặt, trong khi đó 80% chi lương của khu vực nhà nước là chi qua tài khoản ngân hàng.
Một chương trình thí điểm do Bộ Lao động Thương binh Xã hội phối hợp với Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Úc thực hiện đã cho thấy phần lớn người dân chuộng sử dụng tiền mặt vì cảm giác yên tâm khi nhận tiền trực tiếp. Đồng thời người dân ngại chuyển sang những phương thức khác vì sợ quy trình phức tạp, phát sinh chi phí và không tiện rút tiền nếu mạng lưới ngân hàng và ATM còn thưa thớt – tình trạng đặc biệt phổ biến tại các vùng sâu vùng xa.
Bà Nguyễn Nguyệt Nga, Chuyên gia Kinh tế cao cấp, Bộ phận an sinh xã hội và việc làm của World Bank cho rằng, tại Việt Nam, một số nhóm đối tượng như hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng trợ giúp xã hội, những người sống ở nông thôn hoặc các vùng sâu vùng xa, cũng như những người lao động tự do ở khu vực phi chính thức có đặc điểm chung là khó tiếp cận các dịch vụ trợ giúp từ các chương trình an sinh xã hội.
Các rào cản làm cho họ khó tiếp cận bao gồm thiếu giấy tờ tùy thân được chấp nhận bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền như Chứng minh thư nhân dân/ Căn cước công dân (CMND/CCCD), giấy khai sinh dẫn đến không thể mở tài khoản ngân hàng theo quy định hiện tại.
Tại nhiều khu vực nông thôn, vùng núi còn thiếu máy ATM. Việc thiếu các dịch vụ ngân hàng không chỉ có tác động đến nền kinh tế địa phương mà còn hạn chế khả năng của các cơ quan chính phủ như Bộ LĐ-TB-XH trong việc chi trả các khoản trợ cấp xã hội cho các đối tượng ở các vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa.
Đặc biệt, bà Nguyễn Nguyệt Nga cho rằng, Nghị quyết 42 của Chính phủ về hỗ trợ những đối tượng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 cũng gặp những thách thức trong quá trình chia trả từ hạ tầng số của Việt Nam hiện nay.
Cụ thể, trong khi hầu hết người dân số có CMND (9 hoặc 12 số), CCCD – mã định danh duy nhất (dựa trên sinh trắc) mới chỉ được cung cấp cho một số ít dân số (hơn 11 triệu). Việc không có một số định danh duy nhất đủ tốt trong các cơ sở dữ liệu quản trị khác nhau khiến việc đối chiếu chéo giữa các cơ sở dữ liệu để xác định điều kiện hưởng trở nên khó khăn hoặc không thể thực hiện được. Hơn nữa, chưa có nơi nào cung cấp dịch vụ xác thực định danh. Việc kiểm tra nhận dạng thủ công tại thời điểm đăng ký hoặc chi trả không thể được kiểm tra bằng điện tử và tạo kẽ hở cho sự gian lận và sai sót.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Tấn Dũng cho biết, thanh toán điện tử trong thực hiện các chương trình trợ giúp xã hội là xu thế mà nhiều quốc gia hiện nay đang áp dụng.
Thanh toán điện tử sẽ tiết kiệm chi phí, giảm thời gian đi lại cho người thụ hưởng, hỗ trợ đúng đối tượng, kịp thời, tiện lợi và về lâu dài giúp họ tiếp cận với các dịch vụ tài chính tốt hơn, công bằng hơn, minh bạch hơn.
Cũng theo Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, hiện nay, cả nước có khoảng 30% dân số là đối tượng cần sự trợ giúp. Trong đó có hơn 11,4 triệu người cao tuổi, khoảng 1,4 triệu hưởng trợ cấp người có công với cách mạng, 6,2 triệu người khuyết tật, trên 9 triệu người có vấn đề sức khỏe tâm thần, 2 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, có khoảng 3,75% hộ nghèo, 4,55% hộ cận nghèo, hơn 3,1 triệu đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, khoảng 2 triệu lượt hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm, ngoài ra, còn nhiều phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, bị mua bán, bị xâm hại hoặc lang thang kiếm sống trên đường phố.
Theo thống kê, tính đến nay, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là khoảng 15 triệu người; BHXH tự nguyện khoảng 500.000 người; bảo hiểm thất nghiệp khoảng 13 triệu người; bảo hiểm y tế khoảng 85 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 90% dân số.
Ông Lê Tấn Dũng cho rằng, các đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội ngày càng được mở rộng, mức trợ giúp ngày càng cao hơn, đòi hỏi cần phải có công cụ hiện đại hơn trong việc quản lý chính sách và đối tượng tốt hơn.
"Chính phủ đang chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, thúc đẩy phát triển các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử.
Theo kế hoạch thực hiện Đề án 708 thì hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt khi chi trả chính sách trợ giúp xã hội đã và đang được Bộ LĐ-TB-XH thí điểm triển khai thực hiện. Năm 2019, thực hiện 2 huyện ở Cao Bằng và mở rộng toàn tỉnh trong năm 2020 và 1 huyện ở Quảng Ninh. Năm nay, dự kiến mở rộng phạm vi sang 1 số địa phương khác với phạm vi rộng hơn cho các chính sách an sinh xã hội chưa được chi trả bằng phương thức điện tử như chính sách trợ giúp xã hội, người có công và bảo hiểm xã hội", Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết./.