Chiếc cần câu dân trí

(VOV) - Chúng ta mới cho đồng bào xâu cá mà xem nhẹ việc cho cái cần câu và chỉ cho đồng bào cách câu cá…

Tại phiên giải trình do Hội đồng Dân tộc Quốc hội tổ chức mới đây, Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc K’so Phước phải dùng cụm từ “Rất nhiều báo động đỏ” để nói về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách đối với 16 dân tộc rất ít người ở nước ta. Không chỉ đơn thuần là một cách nói, mà đó là thái độ, là tâm tư của người có trách nhiệm trước cộng đồng. Điều ấy đòi hỏi cần phải thay đổi cơ bản phương thức tiếp cận trong quá trình triển khai các chương trình dự án ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Phải thừa nhận rằng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán trong thực hiện chính sách dân tộc, bằng việc đầu tư công sức tiền bạc và các chương trình dự án phát triển kinh tế xã hội nhằm nâng cao đời sống, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của các dân tộc ít người.

Tuy nhiên, với những thông tin tại phiên giải trình của Hội đồng Dân tộc Quốc hội đầu tuần qua, cho thấy chính sách này vẫn còn nhiều bất cập. Đó là tình trạng  thiếu đói, thiếu đất, thiếu trường, thiếu trạm y tế. Đó là việc tiếng nói của một số dân tộc gần như bị mất, dân trí thấp, giá trị văn hóa mai một, cơ sở hạ tầng yếu kém, trình độ sản xuất lạc hậu, tỷ lệ hộ nghèo cao ngất ngưởng. Cụ thể: Thu nhập bình quân đầu người của 16 dân tộc rất ít người là 2,171 triệu đồng/người/năm; Tỷ lệ hộ nghèo bình quân hơn 54 % (riêng dân tộc Chứt tỷ lệ này là 80%). Số hộ thiếu đất sản xuất nông nghiệp chiếm tới 40%, số thôn bản chưa có điện chiếm 73%... Ấy là những chuyện có thể đo đếm được. Còn những chuyện không thể đo đếm bằng con số như bản sắc văn hóa truyền thống (ngôn ngữ, chữ viết, lễ hội, trang phục…) cũng đang dần bị mai một, bị xâm thực bởi các dân tộc đông người hơn, thậm chí là có nguy cơ biến mất…

Không những thế, tình trạng dân số ngày càng giảm ở một số dân tộc cũng thật đáng báo động. Như dân tộc Ngái, trong 10 năm qua đã giảm hơn 2.000 người; dân tộc Rơ Măm, Brâu đều giảm; dân tộc Ơ Đu ở huyện Tương Dương, Nghệ An hiện chỉ có 371 người, mấy năm rồi chỉ tăng thêm 2 người. Vì vậy nếu không có chính sách can thiệp kịp thời thì sớm muộn dân tộc này cũng sẽ biến mất trên bản đồ.

16 dân tộc rất ít người hiện chỉ có 13.410 hộ với hơn 62.000 nhân khẩu. Vì sao bao nhiêu tiền của đã được Nhà nước đầu tư từ hàng chục năm nay mà bây giờ chúng ta vẫn phải nói câu chuyện “báo động đỏ”, thậm chí  là “nguy cơ tuyệt chủng”(!). Vì sao vẫn còn phổ biến tình trạng đồng bào Rục đem đổi ngay con bò nhà nước vừa cấp để lấy rượu thịt?. Vì sao đồng bào Chứt lại bới đất để lấy giá đỗ làm thức ăn ngay sau khi tra hạt giống được mấy ngày? Vì sao người La Hủ nhận gạo cứu đói và ăn hết rồi lại vác dao vào rừng để săn thú, đào củ, chặt măng? Những câu hỏi ấy cần phải có câu trả lời một cách trách nhiệm.

Một con số khác cũng khiến ta phải suy nghĩ là cả 4 dân tộc Si La, La Hủ, Cống, Mảng ở 2 huyện Mường Tè và Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu mà bao năm qua cũng mới chỉ có 3 sinh viên đại học và 13 cao đẳng. Thậm chí, 2 dân tộc Rơ Măm và Brâu chưa có học sinh cử tuyển nào; 100% cán bộ xã người Mảng có trình độ tiểu học; tỷ lệ này ở người Cống, người La Hủ là 95- 96%. Với trình độ như thế, đội ngũ cán bộ cơ sở lấy đâu ra kiến thức, kinh nghiệm để hướng dẫn bà con phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới?

Dân trí thấp là nguyên nhân của mọi sự trì trệ và lạc hậu. Lâu nay đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số chúng ta vẫn còn nặng việc mang tiền, mang bò xuống cho bà con mà chưa chú trọng hướng dẫn cách thức làm ăn. Tình trạng các mô hình khuyến nông, khuyến ngư “đi theo cán bộ về huyện, về tỉnh” vẫn còn phổ biến. Nói cách khác chúng ta mới cho đồng bào xâu cá mà xem nhẹ việc cho cái cần câu và chỉ cho đồng bào cách câu cá.

Chiếc cần câu ấy với đồng bào dân tộc thiểu số, trước hết là “cần câu dân trí”. Bởi không có cái chữ trong đầu, người nghèo sẽ không biết mình nghèo, chứ chưa nói gì đến việc tiếp thu kỹ thuật, đến kinh nghiệm sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa, chăm sóc sức khỏe.... Vì vậy, để đảm bảo chính sách bảo tồn và phát triển các dân tộc rất ít người mang lại hiệu quả thiết thực, bền vững, điều thiết yếu, văn hóa phải đi trước một bước, xem đó là chìa khóa, là “chiếc cần câu dân trí” để đồng bào các dân tộc rất ít người có cơ may tiến kịp với xã hội./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên