Chiếc xe đạp thời chiến của người Hà Nội

(VOV) -Lúc bấy giờ xe đạp không chỉ đơn giản là một tài sản có giá trị, một phương tiện đi lại mà còn là…

Trong ký ức của người Hà Nội về Thủ đô 40 năm về trước, đặc biệt trong 12 ngày đêm B52 Mỹ ném bom trải thảm, không chỉ là những kỷ niệm về tình người trong nguy nan, ý chí muôn người như một góp phần đánh Mỹ mà còn có kỷ niệm về một vật dụng thân quen - chiếc xe đạp. Lúc bấy giờ xe đạp không chỉ đơn giản là một tài sản có giá trị, một phương tiện đi lại mà còn là một công cụ phục vụ kháng chiến. 


Chiếc xe đạp thời chiến là phương tiện, tài sản lớn.

Ngay sau những đợt đầu tiên B52 ném bom Hà Nội đêm ngày 18/12/1972, Hà Nội thực hiện tổ chức sơ tán nhân nhân. Từng đoàn xe đạp nối đuôi nhau sơ tán khỏi Hà Nội. Thời đó, chiếc xe đạp không đơn giản chỉ là phương tiện đi lại mà còn là tài sản quý giá nhất của mỗi gia đình.  Thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác thì đều đã có phiếu. Để mua được một chiếc xe đạp thì cả nhà phải tiết kiệm chi tiêu, tích góp mấy tháng trời mới mua nổi. Bởi thế mà chiếc xe đạp khi ấy được trân trọng, giữ gìn cẩn thận như “đứa con cưng” của gia đình. Họa sĩ Trần Khánh Chương nhớ lại: Trong thời kỳ chiến tranh, để có được chiếc xe đạp là một tài sản. Có những người có xe đạp thì buổi tối họ lau chùi và treo lên  có thể thấy cái xe đạp quý thế nào. Hồi ấy lương trung cấp ra trường là 45 đồng, sau đó là 50 đồng, đại học ra là 64 đồng, một chỉ vàng là 70 đồng mà một cái xe đạp Phượng Hoàng là 350 đồng, có nghĩa là nó bằng 5 chỉ vàng.

Giá trị như thế, được nâng niu như thế, nhưng khi chiến tranh thì chiếc xe đạp lại được trưng dụng hết công suất, phục vụ cho không chỉ gia đình mình mà còn giúp cả bà con láng giềng. Bà Đoàn Kim Dung – Lê Duẩn – Hà Nội chia sẻ: Chúng tôi có một cái xe đạp để sử dụng lúc bấy giờ là quý lắm và rất là giá trị. Nó là một cái phương tiện đi lại, chở gạo, thóc cho các con ở chỗ sơ tán. Lúc bấy giờ cái xe đạp quý vô cùng. Xe đạp Thống nhất cũ, hai cái lốp là chính thôi, chả có phanh cũng được mà cũng không có cái gác-đờ-bu. Có phương tiện đi lại như thế là giá trị lắm. Chúng tôi sơ tán ở chỗ cách xa chợ thì mượn nhau là chuyện bình thường. 

Trong kí ức của bà Dung những ngày đi sơ tán, nhờ có chiếc xe đạp mà mọi người có thể cơ động khắp mọi nơi, mọi lúc. Cứ nghe thấy báo động ném bom là chạy đi sơ tán, không kể đêm hay ngày, xa hay gần.

Cách xa Hà Nội 30 cây số là chúng tôi thường xuyên phải đi xe đạp về Hà Nội, xe buýt lúc có lúc không mà không được an toàn, xe đạp thì sớm đi cũng được mà tối cũng được. 12 ngày đêm bắn phá chúng tôi có cái xe đạp để động chỗ này lại chạy chỗ kia. Sơ tán ở vùng này mà thấy động chúng nó ném bom thì lại chạy sang vùng khác, cũng bằng cái xe đạp để đi lại, chở thức ăn quần áo, trẻ con ngồi đằng trước, ngồi đằng sau, bố mẹ dắt.

Trong chiến tranh, dường như khoảng cách không còn là vấn đề và người dân Hà Nội cũng tỏ ra không hề sợ hãi trước bom đạn của kẻ thù. Dù xa mấy nhưng khi nghe Hà Nội bị đánh bom người ta vẫn quyết tâm về thủ đô tìm gặp người thân và phương tiện duy nhất lúc ấy cũng chỉ là chiếc xe đạp. Anh Nguyễn Mạnh Hà bồi hồi kể lại: Khi B52 đánh Hà Nội, tôi sốt ruột quá tôi đạp xe từ Yên Phong (Hà Bắc) về đây 40 cây, nhà tôi khóa cửa không có ai trong nhà cả. Tôi trèo vào nhà tôi xem trong nhà có cái gì không, ăn xong tôi lại đạp xe từ Hà Nội xuống Thường Tín xem mẹ và anh chị em tôi ở dưới đó có vấn đề gì không. Xong xuôi, tôi lại đạp xe từ đấy ra Khâm Thiên xem nó ném bom thế nào rồi tôi lại quay lại trường.

Ông Phùng Tửu Bôi từng chứng kiến sự ác liệt nhất khi B52 Mỹ ném bom Hà Nội cho biết: Khi đó, xe đạp không chỉ đơn thuần là phương tiện giúp người ta di chuyển cơ động mà còn được cải tiến thành những “chiếc cáng” để vận chuyển người bị thương: Đi công tác, đi làm, đi tiếp tế thực phẩm cho mọi người  bằng xe đạp, đi giúp mọi người, bạn bè cũng bằng xe đạp. Hai cái xe đạp nối lại với nhau có thể cáng được một người bị thương. Cái xe không chỉ chở 1 người mà chở đến 3-4 người. Đằng trước buộc cái ghế cho trẻ con ngồi, đằng sau chở thêm vài thứ nữa.

Đối với Cựu chiến binh Bùi Văn Cơ, Trung đoàn 927 (Quân chủng PK-KQ) thì chiếc xe đạp còn gắn với ông suốt chặng đường của đời lính. Nhất là trong chiến dịch 12 ngày đêm, ngày đó mà thiếu chiếc xe đạp thì có lẽ ông không thể kịp thời hoàn thành nhiệm vụ của mình: Trong 12 ngày đêm, tôi là đại đội trưởng, có rất nhiều công việc phải làm, đó có thể là lo tổ chức sơ tán hay sửa chữa máy bay. Máy bay lúc ấy trải khắp hai huyện Kim Anh và Đa Phúc. Hàng ngày, phải đi xe đạp hoặc xe hỏng thì đi bộ đến hàng chục cây số để đến từng vị trí xem anh em sửa chữa như thế nào.

Hình ảnh cô dân quân tự vệ vai đeo súng, tay dắt xe đạp trên ghi-đông treo túi, bình tông, cặp lồng rồi trẻ em được mẹ đặt ngồi trước, ngồi sau xe đạp đi sơ  tán…Những chiếc xe đạp từng chở đầy tình yêu trên những con đường Hồ Tây chiều cuối tuần và cũng chính những chiếc xe đạp ấy lại là phương tiện thồ hàng qua cầu phao cót két vượt sông Hồng, kịp thời cung cấp cho tiền tuyến…Tất cả những hình ảnh đó giờ đã là quá khứ nhưng rất đỗi tự hào của người Hà Nội./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Xe đạp, hồi ấy...
Xe đạp, hồi ấy...

Những năm 80 của thế kỷ trước, trên đường phố Hà Nội, người ta thấy chủ yếu là xe đạp lưu thông chứ không nhiều xe máy, ô tô như bây giờ. Xe đạp hồi đó được coi là tài sản lớn, có đăng ký, và luôn được giữ gìn cẩn thận.

Xe đạp, hồi ấy...

Xe đạp, hồi ấy...

Những năm 80 của thế kỷ trước, trên đường phố Hà Nội, người ta thấy chủ yếu là xe đạp lưu thông chứ không nhiều xe máy, ô tô như bây giờ. Xe đạp hồi đó được coi là tài sản lớn, có đăng ký, và luôn được giữ gìn cẩn thận.