Chiến lược quốc gia về nhân tài
Chính sách đãi ngộ đối với nhân tài chưa được nghiên cứu đầy đủ nên chưa phát huy được tác dụng.
Ngày 30/3, Ban Tổ chức Trung ương đã tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch nghiên cứu Đề tài độc lập cấp Nhà nước: "Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Chiến lược Quốc gia về nhân tài trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Hồ Đức Việt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Chủ nhiệm Đề tài và các đại biểu đã nhấn mạnh: Vấn đề nhân tài từ lâu được coi là tài sản quý, là nguồn lực quan trọng để phát triển các tổ chức, quốc gia. Nhận thức rõ tầm quan trọng của nhân tài, ngay từ khi thành lập nước, trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp, Mỹ và nhất là trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm tới công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài.
Tuy nhiên, trong thực tế, lĩnh vực này cũng đã biểu hiện những hạn chế, bất cập: thiếu chương trình, kế hoạch tổng thể mang tính chiến lược trong công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài nên chưa chú ý tới nhiệm vụ theo dõi quá trình phát triển của những mầm mống tài năng được phát hiện sớm trong các nhà trường phổ thông và đại học. Quá trình đánh giá, tuyển chọn và sử dụng cán bộ còn nhiều mặt yếu, chưa phát huy đầy đủ dân chủ và còn hạn chế về tính công khai, minh bạch. Chính sách đãi ngộ đối với nhân tài chưa được nghiên cứu đầy đủ nên chưa phát huy được tác dụng, chưa thu hút được người tài vào công tác trong hệ thống chính trị; chưa chú ý tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để nhân tài hoạt động, phát triển tài năng, toàn tâm, toàn ý cho công việc.
Những bấp cập này đã dẫn đến tình trạng nhiều người tài đã rời bỏ khu vực công chuyển sang khu vực tư.... Thực tế này đòi hỏi Đảng và Nhà nước cần nhanh chóng xây dựng chiến lược quốc gia về nhân tài để tạo sự chỉ đạo thống nhất và triển khai có hiệu quả công tác quan trọng này.
Tại hội nghị, các nhà khoa học, các cơ quan hữu quan đã đóng góp ý kiến bổ sung về các nội dung cần đi sâu nghiên cứu nhằm làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn của vấn đề nghiên cứu; cách tiếp cận và những phương pháp cần sử dụng khi nghiên cứu đề tài; những định hướng cơ bản của Chiến lược quốc gia về nhân tài./.