Hiệp định Paris

Chiến thắng của nghệ thuật “vừa đánh, vừa đàm"

(VOV) - "Hiệp định Paris được ký kết thể hiện sự đấu tranh kiên cường, bền bỉ, nhưng cũng rất sáng tạo, của các nhà ngoại giao Việt Nam"

Ngày 27/1/1973 đã đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam như một mốc son chói lọi với việc ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam. Hiệp định Paris là văn bản pháp lý quốc tế toàn diện và đầy đủ nhất công nhận các quyền cơ bản của dân tộc ta, theo đó Hoa Kỳ đã buộc phải cam kết “tôn trọng độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam”.

Nhân kỷ niệm 40 năm Hiệp định Paris, Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức Triển lãm kỷ niệm 40 năm Ngày ký Hiệp định Paris về Việt Nam tại Trung tâm Triển lãm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh (29 – Hàng Bài).

Dấu son lịch sử

Với 140 bức ảnh, 21 lời trích, 23 hiện vật, 3 tài liệu, 8 cuốn sách, Triển lãm kỷ niệm 40 năm Ngày ký Hiệp định Paris về Việt Nam đã tái hiện sinh động quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định Paris.

Những bức ảnh được trình bày có chủ đích, giúp người xem có thể cảm nhận được toàn cảnh cuộc đấu tranh bền bỉ, kiên cường, mưu trí, khôn khéo và đầy bản lĩnh của những nhà ngoại giao cách mạng Việt Nam trên đàm phán. Đồng thời thể hiện sự kết hợp tài tình giữa ba mặt trận quân sự - chính trị - ngoại giao, sự ủng hộ, cỗ vũ, của loài người tiến bộ, yêu chuộng hòa bình và công lý đối với nhân dân Việt Nam, cả những giây phút khó khăn cũng như những giây phút xúc động, hân hoan trong niềm vui chiến thắng. 

Ông Lưu Văn Lợi - nguyên thư ký của cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ

Nhìn lại những hiện vật, tư liệu quý tại cuộc triển lãm khiến ông Lưu Văn Lợi - nguyên thư ký của cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ không khỏi bồi hồi. Theo ông, Hiệp định Paris là sự kết tinh những thắng lợi trong cuộc chiến tranh kiên cường và bền bỉ của dân tộc Việt Nam và là thắng lợi của tình đoàn kết quốc tế. “Việt Nam chúng tôi tuy là một nước nhỏ, so với Mỹ, chúng tôi yếu hơn nhiều, chúng tôi tự xác định rằng chúng tôi không thể thắng Mỹ về mặt quân sự, nhưng bằng ý chí, sự quyết tâm bền bỉ, chịu hy sinh gian khổ, chúng tôi đã dành được điều chúng tôi mong muốn đó là “Đất nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, không ai có thể chia cắt được” và điều đó chúng tôi đã làm được vào ngày 30/4/1975”, Nguyên thư ký của cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ xúc động nói.

Hội nghị Paris về Việt Nam (1968-1973) được coi là một trong những cuộc thương thuyết kéo dài nhất trong lịch sử thế giới. Sau 4 năm, 8 tháng và 16 ngày đấu trí, đấu lý trên bàn Hội nghị, ngoại giao cách mạng Việt Nam, mặc dù còn non trẻ, đã phát huy cao độ truyền thống ngoại giao đầy bản lĩnh, trí tuệ và nhân nghĩa của dân tộc, giành thắng lợi với việc ký kết Hiệp định Paris, mở ra cục diện mới, tạo tiền đề vững chắc cho đại thắng Mùa xuân năm 1975.

40 năm đã qua. Nhiều thế hệ người Việt Nam đã sinh ra và lớn lên trong hòa bình sau ngày Hiệp định Paris được ký kết. Dù đã đi qua những đau thương, mất mát vì chiến tranh nhưng những nhân chứng lịch sử như ông Lợi vẫn có những tình cảm tốt đẹp với những người dân Mỹ yêu hòa bình, những người đã từng phản đối chiến tranh ở Việt Nam. Ông Lợi hy vọng mối quan hệ giữa hai nước sẽ ngày một tốt hơn để có thể cùng nhau bù đắp cho những người thiệt thòi, mất mát do chiến tranh.

 “Chúng tôi rất mừng vì quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ ngày nay đang tiến triển tốt. Như bà Hillary Clinton (Bộ trưởng Ngoại giao đương nhiệm của Hoa Kỳ) đã nói: 15 năm bình thường hóa quan hệ đầu tiên giữa Việt Nam – Mỹ đã là kỳ diệu và hy vọng, tin tưởng rằng những năm tới còn kỳ diệu hơn”, ông Lợi nói.

Nhìn quá khứ để trân trọng hiện tại

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, ông Nguyễn Văn Khà – nguyên Trung tá của Quân giải phóng Miền Nam Việt Nam, trong đoàn Việt Nam đấu tranh Mỹ thi hành hiệp định Paris. Ông kể lại: Lúc đó tôi là Phó trưởng ban trao trả, đấu tranh buộc Mỹ phải trao trả tù binh và Việt Nam trao trả tù binh của Mỹ. Tuy rằng Mỹ đã kí kết Hiệp định Paris, rút khỏi miền Nam Việt Nam nhưng phía Mỹ luôn o ép, tìm đủ mọi cách để phá việc thực thi Hiệp định. “Chúng cho phái đoàn của ta vào ở những chỗ tồi tàn, xung quanh là dây thép gai, lính gác, không cho mình đi đâu cả mà phải trong doanh trại của họ trong suốt thời gian đó. Những nguy hiểm luôn rình rập như thế, nhưng bằng ý chí cách mạng, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, nên chỗ nào Mỹ còn dây dưa thì chúng tôi sẽ đấu tranh buộc Mỹ thi hành điều đó. Và kết quả là Mỹ đã rút khỏi miền Nam sau 2 tháng (29/3/1973) “, ông Khà cho biết.

Quang cảnh Hội nghị Paris về Việt Nam, 25/1/1969

 

Triển lãm kỷ niệm 40 năm Ngày ký hiệp định Paris về Việt Nam thu hút đông đảo người xem, không chỉ các nhân chứng lịch sử mà còn đối với những nhà ngoại giao đương nhiệm trong ngành Ngoại giao Việt Nam. Đến dự Triển lãm, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phương Nga bày tỏ sự trân trọng, tri ân những đóng góp, hy sinh của thế hệ cha ông. Bà Nga xúc động nói: “Hội nghị Paris với việc ký kết Hiệp định Paris lập lại hòa bình ở Việt Nam là Hiệp định thể hiện sự đấu tranh kiên cường, bền bỉ, nhưng cũng rất sáng tạo, mưu trí, đầy chất nhân văn của các nhà ngoại giao Việt Nam tại bàn đàm phán, kết hợp với nghệ thuật “vừa đánh, vừa đàm”. Đồng thời để lại nhiều kinh nghiệm cho thế hệ trẻ, đặc biệt là thế hệ ngoại giao của Việt Nam hiện nay và sau này”.

Triển lãm lần này có những hiện vật lần đầu tiên được trưng bày như Bản gốc Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam; con dấu và biển tên của đoàn Chính phủ lâm thời miền Nam Việt Nam; hai cây bút đã được đoàn Việt Nam sử dụng để ký Hiệp định và Định ước quốc tế công nhận Hiệp định; chiếc xoong nhôm dùng để quấy xi niêm phong bản Hiệp định… Có những hiện vật rất đặc biệt như Cuốn sổ tập hợp 10.000 chữ ký của nhân dân Cu Ba phản đối chiến tranh và ủng hộ nhân dân Việt Nam.

Một số hình ảnh tại Triển lãm:

Đoàn đại biểu Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam do đồng chí Nguyễn Hữu Thọ dẫn đầu dự Hội nghị cấp cao Phong trào Không liên kết lần thứ IV tại Angie, tháng 9/1973 (Hội nghị ra Quyết định đặc biệt về Việt Nam kêu gọi phong trào Không liên kết ủng hộ Việt Nam, đòi Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn chấm dứt vi phạm Hiệp định Paris

 

Lãnh đạo Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Bộ phận chuyên trách báo chí và vận động phong trào tại Paris

 

 

Nhân dân Liên Xô mít tinh ủng hộ Việt Nam chống Mỹ cứu nước tại Thủ đô Matxcova ngày 8/2/1965

Mít tinh tuần hành đòi Mỹ rút khỏi Việt Nam tại Quảng trường Trafagar (London, tháng 4/1969)


Ngày 27/1/1972, Hiệp định Paris được kí kết


Xoong nhôm dùng để quấy xi trong thời gian đoàn Việt Nam ký Hiệp định Paris


Con dấu của Đoàn đại biểu Quân đội nhân dân Việt Nam



Hiên ngang vứt trả quần áo, các chiến sĩ Quân giải phóng giương cao cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng, hát vang bài “Vì nhân dân quên mình” trong chuyến trao trả tù binh đầu tiên tại sân bay Lộc Ninh (27/3/1973)

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên