Chiến tranh Việt Nam ám ảnh các đời tổng thống Mỹ
“Trong nhiều thập kỷ qua, cuộc chiến ở Việt Nam luôn có những ảnh hưởng sâu sắc đến chính sách đối ngoại cũng như quân sự của Mỹ”.
Đó là nhận định của nhà nghiên cứu Marvin Kalb tại buổi ông giới thiệu cuốn sách mới của mình có tựa đề “Di chứng ám ảnh” về cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Buổi giới thiệu sách "Di chứng ám ảnh" |
Phóng viên VOV phỏng vấn Marvin Kalb, tác giả cuốn sách “Di chứng ám ảnh”.
PV: Thưa ông Marvin, trước hết xin chúc mừng ông đã hoàn thành một cuốn sách mới viết về cuộc chiến ở Việt Nam. Tuy nhiên, đã có rất nhiều tác giả Mỹ và quốc tế viết về cuộc chiến trước đó, vậy có điều gì đặc biệt đã khiến ông viết cuốn “Di chứng ám ảnh” này?
Ông Marvin Kalb: Tôi muốn viết cuốn sách về Việt Nam bởi vì toàn bộ câu chuyện của chiến tranh Việt Nam có tầm quan trọng đặc biệt đối với người Mỹ. Có tới 58.000 binh sỹ Mỹ bị chết ở Việt Nam và gần 2 triệu người Việt Nam đã bị thiệt mạng trong cuộc chiến. Người Mỹ đã phải chịu đựng di chứng đó trong suốt một thời gian dài.
Điều mà tôi cố gắng chuyển tải trong cuốn sách có tên là “Di chứng ám ảnh” này đó là cuộc chiến ở Việt Nam đã có ảnh hưởng như thế nào đến 7 đời tổng thống Mỹ, những người lãnh đạo nước Mỹ từ sau khi cuộc chiến kết thúc. Vì 58.000 gia đình có người thân bị chết và vì các tổng thống Mỹ chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến Việt Nam cho nên một điều quan trọng đó là tôi phải tìm hiểu nhật ký của từng tổng thống Mỹ để cố gắng giải thích một cách tốt nhất tại sao cuộc chiến ở Việt Nam vẫn tiếp tục có những ảnh hưởng to lớn đến các đời tổng thống Mỹ.
PV: Xin ông có thể giới thiệu tóm tắt nội dung của cuốn sách “Di chứng ám ảnh”?
Ông Marvin Kalb: Nội dung của cuốn sách là khám phá tất cả 7 vị tổng thống Mỹ để xem cuộc chiến tranh Việt Nam có ảnh hưởng như thế nào đối với các quyết định của họ khi họ phải đối mặt với vấn đề điều binh sỹ Mỹ đi tham chiến. Bất kể đó là cuộc chiến ở Iraq, Afghanistan, hay cuộc chiến ở Libya thì cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn tiếp tục giống như một bóng ma ám ảnh phòng Bầu dục.
Ở bất cứ thời điểm nào, cuộc chiến tranh Việt Nam cũng có thể làm trỗi dậy sự lo sợ rằng liệu Mỹ có mắc phải sai lầm tương tự như thế không. Xét về một khía cạnh nào đó thì đây lại là một điều tốt, bởi vì nếu trong đầu các tổng thống Mỹ thường trực câu hỏi này thì có thể các tổng thống sẽ không phạm phải sai lầm. Trên thực tế thì không phải lúc nào cũng đúng như vậy. Tuy nhiên đó là một câu hỏi quan trọng để các tổng thống luôn phải tự hỏi bản thân mình.
Bìa sách "Di chứng ám ảnh" |
PV: Tại sao ông lại đặt tên sách là “Di chứng ám ảnh”?
Ông Marvin Kalb: Việc chọn một cái tên thích hợp là một việc rất khó đối với tôi. Và cuối cùng tôi quyết định rằng vì tôi đang đề cập đến vấn đề di chứng nên chúng tôi quyết định đặt tên sách là di chứng, tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy rằng tựa đề như thế là chưa đủ, cho nên tôi đã phải tìm một từ nào đó mà nó phù hợp với tất cả 7 đời tổng thống của Mỹ, và cái từ “ám ảnh” tôi cho rằng đó là phù hợp nhất, bởi vì nó vẫn tiếp túc ám ảnh như là một bóng ma. Nó vẫn cứ tồn tại ở đấy thậm chí người ta không nhìn thấy nó ở đâu cả.
PV: Theo ông đâu là những ảnh hưởng lớn nhất của cuộc chiến tranh Việt Nam đối với các tổng thống Mỹ?
Ông Marvin Kalb: Ảnh hưởng lớn nhất mà cuộc chiến Việt Nam đối với 7 đời tổng thống mà tôi mô tả, là nó luôn đặt một câu hỏi lớn đối với các tổng thống rằng chúng ta liệu có phải trải qua một cuộc chiến tương tự như ở Việt Nam không? Bất cứ khi nào binh sỹ Mỹ bị đưa ra nước ngoài, Tổng thống Mỹ đều phải tự đặt câu hỏi đấy với chính bản thân, và để tất cả những người cố vấn thảo luận về vấn đề đó. Bởi vì Tổng thống Mỹ không muốn lặp lại lỗi lầm lớn giống như ở Việt Nam. Như vậy, Tổng thống phải lật lại chiến tranh Việt Nam, khoanh vùng những sai lầm đã phạm phải, và cố làm sao đừng bao giờ lặp lại những lỗi lầm như vậy.
PV: Ông đã mất bao nhiêu lâu để hoàn thành cuốn sách này và chi tiết nào của cuốn sách khiến ông đặc biệt thích thú?
Ông Marvin Kalb: Tôi đã phải mất gần 6 năm để viết cuốn sách này, các công việc thực hiện bao gồm nghiên cứu và phỏng vấn mọi người. Bất cứ khi nào tôi nghĩ rằng tôi đã biết đủ về một đời tổng thống nào đó, thì lại có một điều mới phát sinh và tôi lại phải tìm đến một ai đó biết rõ về các vấn đề đấy để tìm hiểu, và đấy là một quá trình liên tục diễn ra.
Chi tiết mà tôi cảm thấy thích thú nhất đó là khi ông Obama đi Afghanistan trước khi nhậm chức tổng thống, ông đã hỏi 2 người trợ lý trên chuyến bay dài 14 tiếng đồng hồ toàn là những câu hỏi về Việt Nam. Thông thường theo logic, một chuyến đi tới Afghanistan thì ông Obama phải hỏi về tình hình ở đó, tuy nhiên Tổng thống Obama đã toàn đặt hỏi các câu hỏi về cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
** Xin cảm ơn ông!/.