Chính phủ bàn về quy hoạch báo chí thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
VOV.VN - Sáng 19/6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì cuộc họp với một số Bộ ngành Trung ương về công tác Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Dự thảo quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030: 100% cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình thực hiện chuyển đổi số, đổi mới toàn diện hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ theo xu hướng báo chí số. Tiếp tục đầu tư, phát triển 6 cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện gồm Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, báo Nhân dân, Báo Quân đội nhân dân, Báo Công an nhân dân lớn mạnh, giữ vai trò dẫn dắt trong lĩnh vực báo chí. Định hướng phát triển đến năm 2030 hình thành mạng lưới khoảng 20% các cơ quan báo chí điện tử có ảnh hưởng lớn và tích cực trong xã hội để có hỗ trợ phù hợp. Xây dựng mô hình Tập đoàn báo chí là đơn vị sự nghiệp công lập có nhiều cơ quan báo chí, đủ năng lực, nguồn lực, đóng vai trò dẫn dắt, làm trụ cột định hướng thông tin...
Qua thảo luận, lãnh đạo các cơ quan báo chí đánh giá cao dự thảo quy hoạch, nhưng có ý kiến cho rằng chưa nên đưa tập đoàn báo chí vào quy hoạch khi chưa làm rõ được mô hình tổ chức, quản lý, hạch toán. Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Phạm Mạnh Hùng cho biết, nước ta hiện nay chưa có tổ hợp báo chí nào ở tầm châu Á và thế giới, do đó Quy hoạch cần mang tính mở, yêu cầu hội nhập, bởi phát triển đất nước cần có những cơ quan báo chí chủ lực đa phương tiện, đa ngôn ngữ, đây cũng là xu thế tất yếu hiện nay.
“Đài Tiếng nói Việt Nam đã trình một đề án là cơ quan báo chí truyền thông chủ lực đa phương tiện, đa ngôn ngữ. Đa ngôn ngữ là rất quan trọng để đưa được tiếng nói của đất nước mình giới thiệu với thế giới mới là cái ưu tiên để phát triển. Chúng tôi có nền tảng để phát triển nếu có đầu tư phù hợp. Ví dụ Đài Tiếng nói Việt Nam, riêng tiếng nước ngoài có 13 thứ tiếng, chỉ cần có sự sắp xếp đổi mới nhất định thì tờ báo điện tử của VOV hoàn toàn có thể tích hợp mười mấy thứ tiếng. Chưa nói là tiếng đồng bào dân tộc thiểu số của cơ quan báo chí này, nếu phát triển theo mô hình, tôi đề nghị đưa vào quy hoạch thuật ngữ "là cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện, đa ngôn ngữ"”, ông Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị, quy hoạch lần này tập trung vào cái đích phát triển cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang giao Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát hoàn chỉnh dự thảo với nguyên tắc tập trung vào tính chất, định hướng, thực chất, có tính mở, nhưng không được xung đột với các quy định các quy hoạch khác và đảm bảo khả thi trong thực hiện.
“Nguyên tắc thứ 2, có gì khác mới hơn so với chủ trương của cấp có thẩm quyền là Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ thì phải trình xin chủ trương lại. Cần phải có chuẩn mực và đồng bộ về khái niệm và các vấn đề mới. Tôi muốn hàm ý nói cái câu chuyện tập đoàn truyền thông, các đồng chí đưa ra một khái niệm đầu tiên nó phải rõ, phải đồng bộ. Đề cập đến việc khẳng định cần tháo gỡ những vướng mắc về nguồn lực và hành lang pháp lý để thực hiện quy hoạch này", Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh.