Chinh phục đỉnh cao khoa học: Phụ nữ chẳng kém gì đàn ông
VOV.VN - Thiết kế thành công máy biến áp 110 kV, 220 kV, 500 kV, kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt đã khẳng định vị thế của phụ nữ khi chinh phục chân trời khoa học.
“Không chỉ có tiến sĩ, giáo sư mới chế tạo, thiết kế, chinh phục được những đỉnh cao của khoa học mà một kỹ sư là phụ nữ bình thường nhưng có niềm đam mê, sự quyết tâm cũng sẽ làm được điều này”.
Đó là khẳng định của kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt (sinh năm 1950) – người đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới năm 2006 khi liên tiếp chế tạo thành công máy biến áp (MBA) 110, 220, 500 kV đầu tiên ở Việt Nam. Bà cũng là nhà khoa học tiêu biểu của Việt Nam được chọn trong mạng lưới các nhà khoa học nữ châu Á - Thái Bình Dương năm 2018.
Kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt |
Năm 1975, tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, bà Nguyễn Thị Nguyệt về công tác tại Phòng Thiết kế Nhà máy Sửa chữa Thiết bị điện Đông Anh, Hà Nội, nay là Công ty cổ phần Chế tạo Thiết bị điện Đông Anh. Ít ai nghĩ người phụ nữ thích làm thơ, vẽ tranh như bà lại trở thành kỹ sư điện.
Mong ước của kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt là ngày càng nhiều “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, được sử dụng những sản phẩm do chính Việt Nam sản xuất với chất lượng không thua kém hàng nhập ngoại nhưng giá lại rẻ hơn nhiều lần.
Với quan niệm Việt Nam không thể mãi sử dụng, nhập khẩu các sản phẩm cơ khí điện lực của nước ngoài nên năm 1994, kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt đã nghiên cứu chế tạo thành công MBA 110KV, đặt nền móng cho công nghệ chế tạo máy biến áp có công suất lớn ở Việt Nam mà trước đó đều phải nhập khẩu. Đây cũng là lần đầu tiên ngành điện Việt Nam thiết kế thành công máy biến áp (MBA) 110kV.
Đến năm 2003, kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt tiếp tục triển khai đề tài khoa học cấp Nhà nước nghiên cứu thiết kế chế tạo MBA 220kV, loại máy biến áp chính trong hệ thống lưới điện quốc gia. Trải qua nhiều tháng tự mày mò nghiên cứu với biết bao khó khăn, có lúc tưởng chừng bà phải buông xuôi bởi MBA 220kV cần có độ chính xác, phức tạp và khối lượng cũng lớn hơn rất nhiều so với loại 110kV. Tuy nhiên, với sự nỗ lực không ngừng mệt mỏi, chiếc MBA 220kV đầu tiên của Việt Nam và cũng là của cả khu vực Đông Nam Á do bà thiết kế với các tiêu chí kỹ thuật, mỹ thuật đều đạt tiêu chuẩn quốc tế đã ra đời trong sự khâm phục của đồng nghiệp trong nước và quốc tế.
Hai loại máy MBA 110 kV và 220 kV đã được vận hành rộng rãi, an toàn tại nhiều địa phương trong cả nước, chất lượng tương đương máy nhập khẩu mà giá thành và chi phí giảm khoảng 20%.
Hạnh phúc vỡ òa khi thiết kế MBA 500 kV đầu tiên thành công
Sau khi thiết kế chế tạo thành công MBA 110, 220kV đầu tiên ở Việt Nam, kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt vẫn không hài lòng với kết quả đạt được, niềm say mê chinh phục những chân trời khoa học mới đã khiến bà quyết tâm thiết kế máy MBA 500 kV.
Máy biến áp 500 kV của Tổng Công ty Thiết bị điện Đông Anh được sử dụng tại nhiều Trạm biếp áp cao thế của EVN (Ảnh: EVN) |
Năm 2009, khi đưa ra ý tưởng nghiên cứu thiết kế MBA 500 kV, có một chuyên gia của Nga đã nói với bà rằng: “Ở Nga, nghiên cứu thiết kế máy biến áp 500 kV có 8 tiến sĩ và 34 kỹ sư hỗ trợ. 8 tiến sĩ này được mệnh danh là người “khổng lồ”. Còn Việt Nam chỉ có bà là phụ nữ mà chỉ là kỹ sư thì sao mà làm được”. Cách nói của chuyên gia người Nga như coi thường khả năng của người phụ nữ. Điều này đã khiến bà càng quyết tâm hơn trong việc phải thiết kế thành công chiếc MBA này để chứng minh khả năng của người phụ nữ và đàn ông chẳng khác nhau gì cả.
Quyết tâm là vậy nhưng để thiết kế được MBA 500 kV, kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt gặp rất nhiều khó khăn khi thời điểm đó, ở trong nước không có nhiều tài liệu, thiếu thực nghiệm, thiếu các kết quả nghiên cứu của các nước tiên tiến trên thế giới. Vượt qua sự thiếu thốn, khó khăn đó, ngày đêm, kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt chắt lọc các ý kiến của chuyên gia, đọc rất nhiều tài liệu tham thảo bằng tiếng Nga để phân tích xây dựng những kết cấu hợp lý về khả năng chịu điện trường trong MBA 500 kV.
Những ngày tháng ấy, bà Nguyệt và các cộng sự của mình gần như đã dành trọn vẹn thời gian, tâm trí và sức lực cho chiếc MBA 500 kV. Toàn bộ các kiến thức và kỹ thuật chế tạo máy biến áp đã được tích lũy từ nhiều năm nay, kết hợp với việc nghiên cứu kỹ thuật của các nước tiên tiến đã được bà thiết kế tỉ mẩn trên các bản vẽ.
Kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt cho biết, riêng bản vẽ nội dung máy phải vẽ đến 750 bản, chưa kể đến hàng nghìn bản vẽ chi tiết máy. Tiếp tục kiên trì, bà Nguyệt và các đồng nghiệp đã nhận thấy những kết quả tích cực hơn trong quá trình thử nghiệm. Sau hơn 1 năm, với gần 1.500 bản vẽ, hàng trăm thí nghiệm, chiếc máy biến áp 500 kV đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á đã hoàn thành, đúng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội (ngày 7/10/2010).
Đến nay, bà Nguyệt vẫn không thể nào quên buổi thử nghiệm hạng mục cao áp: “Tôi đã không dám nhìn vào hệ thống máy liên tục kêu rào rào do nâng áp, tia lửa điện đánh xèo xèo, cột lửa xanh cao hơn tầm tay phóng ra như luồng gas (do ion hoá không khí). Sự hồi hộp khiến ai cũng nín thở, thót tim. Rồi ai đó chợt reo lên: Thành công rồi. Thành công rồi! Tất cả mọi người chợt như vỡ oà trong niềm vui hạnh phúc”.
Hiện mới chỉ có 12 nước trên thế giới (trong đó có Việt Nam) nghiên cứu, thiết kế thành công MBA 500 kV. Thành công trong thiết kế chiếc máy này có chất lượng tương đương máy nhập khẩu là đóng góp không nhỏ của kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt đã tiếp tục đánh dấu một bước trưởng thành vượt bậc của ngành điện Việt Nam. Bởi nó không chỉ có ý nghĩa thuần túy về mặt kỹ thuật mà còn mang ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao vị thế và khả năng hội nhập của ngành điện nước ta với thế giới.
Sự kiện này không chỉ buộc các đối tác tham gia đấu thầu phải hạ giá đấu thầu, tạo thế chủ động về MBA cho ngành Điện Việt Nam, góp phần tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước hàng trăm tỷ đồng; đồng thời khẳng định khả năng và trình độ của đội ngũ kỹ sư Việt Nam khiến nhiều bạn bè quốc tế phải nể phục.
Kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt tâm sự: “MBA 500 kV đi theo tôi cả vào trong bữa ăn, giấc ngủ. Càng làm càng thấy công việc cứ như mạch nước ngầm, mãi không hết. Tôi chỉ mong mỗi ngày có tới 48 giờ để có thời gian nghiên cứu nhiều hơn. Mọi sinh hoạt của gia đình và cá nhân cũng bị ảnh hưởng bởi việc thiết kế MBA 500 kV. Tôi gần như không có thời gian để chăm lo cho chồng con. Với bản thân thì càng tệ. Nhiều hôm phải ở lại muộn ở nhà máy. Có lần đi từ nhà đến tận nhà máy mới biết là mình đi 2 chiếc dép khác màu nhau”.
Là phụ nữ đầu tiên của Việt Nam thiết kế thành công 3 loại MBA 110, 220, 500 kv, kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 2000; Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới năm 2006; 2 lần được nhận giải thưởng Sở hữu Trí tuệ Thế giới cùng nhiều giải thưởng, bằng khen của các Bộ, ngành...
Có được những thành công đó, người phụ nữ của ngành Điện Nguyễn Thị Nguyệt đều biết ơn lãnh đạo công ty đã quan tâm để bà thực hiện những công trình nghiên cứu, biết ơn anh em công nhân kỹ thuật không quản ngày đêm chia sẻ và hỗ trợ bà trong công việc.
Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt vẫn đam mê nghiên cứu, thiết kế và làm những việc có ích như truyền lửa đam mê chinh phục thành tựu khoa học cho thế hệ trẻ. Đối với bà, đây là niềm hạnh phúc lớn vì đất nước muốn phát triển thì cần có nhiều kỹ sư trẻ dám dấn thân và say mê khám phá chân trời khoa học./.