Chính quyền lên mạng xã hội: Mở rộng kênh thông tin hai chiều
Sử dụng mạng xã hội để mở rộng thông tin giữa các cơ quan chính quyền với nhân dân là xu thế tất yếu hiện nay
Việc UBND thành phố Hà Nội mở thêm kênh cung cấp thông tin chỉ đạo, điều hành của UBND thành phố trên facebook có tên “Thủ đô Hà Nội - Việt Nam” (tại địa chỉ https://www.facebook.com/TheHanoiCapitalOfVietnam/), bắt đầu hoạt động từ tháng 12-2015, được nhiều người quan tâm và đánh giá cao.
Theo lãnh đạo Văn phòng UBND thành phố Hà Nội, việc cung cấp thông tin qua facebook nhằm tăng cường đẩy mạnh kênh cung cấp thông tin các hoạt động chỉ đạo, điều hành của UBND thành phố nhanh nhất tới người dân, tổ chức và các cán bộ, công nhân viên chức, lao động của thành phố để kịp thời nắm rõ chủ trương, chính sách của Nhà nước và thành phố. Như vậy, đây là kênh thông tin hoạt động song song với một kênh khác là cổng thông tin điều hành của UBND thành phố Hà Nội tại địa chỉ http://thudo.gov.vn.
Trước đó, từ tháng 10-2015, Văn phòng Chính phủ đã thử nghiệm việc cung cấp thông tin qua mạng xã hội từ đầu tháng, cụ thể là facebook và YouTube, với nội dung ban đầu là các văn bản mà Văn phòng Chính phủ đã cung cấp cho các cơ quan báo chí, đồng thời một số thông tin khác cho người dân qua các kênh này. Đây là việc cụ thể hóa Nghị quyết 36a/CP-NQ ngày 14-10-2015 của Chính phủ về chính phủ điện tử. Theo đó, Văn phòng Chính phủ được yêu cầu phải “Thiết lập hệ thống điện tử lấy ý kiến xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác nhằm giảm thời gian xây dựng văn bản; thiết lập mạng xã hội - chính quyền để người dân tham gia ý kiến trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật”. Trang thông tin trên facebook của Chính phủ có tên “Thông tin Chính phủ” đưa ra mục tiêu “cập nhật kịp thời các thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tới người dân”; tính đến 18-12-2015 đã có gần 58.500 lượt like. Trong khi đó, trang facebook của Thủ tướng Chính phủ tại địa chỉ https://www.facebook.com/thutuongofficial/ đã nhận được gần 212.200 lượt like.
Trước nữa là trang facebook của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ở địa chỉ https://www.facebook.com/botruongboyte.vn/ đã nhận được gần 310.500 lượt like. Trang thông tin này đã góp phần tích cực thông tin các chủ trương, chính sách của bộ đến với công chúng, đồng thời tiếp nhận các thông tin do báo chí và người dân phản ánh. Thông tin này góp phần đưa lãnh đạo ngành y tế đến gần với người dân hơn, nhờ đó, qua cuộc tiếp xúc cử tri TPHCM vào tháng 12-2015, nhiều cử tri cho biết, trong thời gian qua ngành y tế đã rất nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp để giảm quá tải bệnh viện, đồng thời thay đổi phong cách, thái độ phục vụ người bệnh ở các bệnh viện và chất lượng khám chữa bệnh đã được thay đổi…
Việc sử dụng mạng xã hội để mở rộng thông tin giữa các cơ quan chính quyền với nhân dân gần như là xu thế tất yếu hiện nay, không chỉ do sự lan rộng của mạng xã hội trong đời sống xã hội mà còn xuất phát từ nhu cầu rất lớn của cả phía các cơ quan chính quyền và người dân. Thực tế cho thấy, năm 2015, tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế điện tử đã tăng từ 65% lên 98%; thời gian nộp thuế của doanh nghiệp giảm từ 537 giờ/năm xuống còn 167 giờ/năm. Việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử theo Hệ thống thông quan tự động và Cơ chế một cửa quốc gia tại cảng biển quốc tế đã giảm thời gian thông quan hàng hóa bình quân từ 21 ngày xuống còn 14 ngày đối với xuất khẩu, 13 ngày đối với nhập khẩu, giảm được 10% - 20% chi phí và 30% thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp…
Tuy nhiên, để việc sử dụng mạng xã hội mở rộng thông tin hai chiều giữa cơ quan nhà nước và người dân thực sự có hiệu quả cũng cần có nhiều điều kiện. Về phía cơ quan nhà nước, việc thông tin và tiếp nhận thông tin qua mạng xã hội phải nghiêm túc, cầu thị, thường xuyên, có trách nhiệm. Người quản trị (admin) của các trang này phải có thái độ ứng xử phù hợp, nhất là khi tiếp nhận những thông tin, ý kiến bức xúc hoặc có lời lẽ chưa hay; phải có ý thức chuyển tải thông tin nhanh chóng và xử lý thông tin chính xác; có trách nhiệm cao trong việc xác minh và ngăn chặn những thông tin gây nhiễu hoặc thông tin phá hoại... Còn phía người dân, khi tiếp cận, đưa thông tin ở các trang này phải có ý thức trách nhiệm cao, xem đó là ý kiến cần thiết phải phản ánh với chính quyền nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của bản thân và người khác, chứ không xem đây là diễn đàn bình thường, nên cần phản ánh chính xác vấn đề mình muốn nêu, bằng lời lẽ, thái độ đúng mực…
Các cơ quan chính quyền cần chủ động trong việc thông tin hai chiều với người dân và bằng những cách thức thực chất, hiệu quả. Có như vậy mới nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành cũng như nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.
- See more at: http://www.sggp.org.vn/chinhtri/2015/12/406477/#sthash.glvpWWWp.dpuf