Chính quyền tắc trách, hơn 200 hộ dân không có sổ đỏ
VOV.VN -Do tắc trách, thiếu trách nhiệm của chính quyền, hơn 10 năm qua, hàng trăm hộ dân ở khu tái định cư huyện Lệ Thủy, Quảng Bình vẫn chưa có sổ đỏ.
Năm 2007, chính quyền huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình có chính sách giãn dân, giảm áp lực ở những nơi đông dân cư.
Hơn 200 hộ dân ở 3 xã: Cam Thủy, Thanh Thủy và Hồng Thủy đăng ký đến sống tại các khu tái định cư.
Hầu hết, các khu tái định cư giãn dân đều nằm trên những vùng cát, cây cối cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt.
Thế nhưng từ đó đến nay, các hộ dân này hầu như bị bỏ rơi. Tất cả các hộ tái định cư chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Không trường học, trạm xá, cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn. |
Ông Trần Xuân Viếng, 49 tuổi, ở thôn Tân Lộc, xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy cho biết, do không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên gia đình ông không thể vay vốn ngân hàng để trồng trọt, chăn nuôi.
"Người dân khó khăn vì họ không có sổ đỏ để vay vốn làm ăn, phát triển kinh tế. Đất giữa nhà này nhà kia nảy sinh tranh chấp do chưa có sổ đỏ để xác định mốc ranh giới. Người dân kêu gọi quá nhiều nhưng chưa có chính quyền, đoàn thể nào tạo điều kiện giúp đỡ cho nhân dân"- ông Viếng nói.
Một góc làng tái định cư ở huyện Lệ Thủy. |
Ở các khu tái định cư, chính quyền chỉ mở vài con đường cấp phối bằng đất và kéo đường điện cao thế, còn các công trình trường học, trạm y tế… đều không có.
Anh Ngô Văn Cường, 36 tuổi, xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy cho biết, cuộc sống khó khăn nhiều hộ dân phải bỏ nhà cửa vào miền Nam sinh sống.
"Qua nhiều lần tiếp xúc cử tri của huyện, xã, bà con có đơn thư phản ánh, nhưng lúc nào cũng chỉ nhận được những lời hứa, đến giờ bà con vẫn chưa có sổ đỏ. Người dân bỏ đi vào Nam, những nơi có điều kiện sinh sống hơn chứ không thể bám trụ ở quê được nữa"- anh Ngô Văn Cường chia sẻ.
Giải thích nguyên nhân người dân chưa được cấp sổ đỏ, bà Trần Thị Ngọc Trâm, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cho biết: Lúc thực hiện dự án giãn dân, chính quyền không có quyết định giao đất. Mà quyết định giao đất là căn cứ pháp lý quan trọng để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Người dân mong muốn vay vốn làm ăn để đổi thay vùng đất cát nghèo nàn. |
Khắc phục sai sót này, UBND huyện Lệ Thủy đã có văn bản đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình hướng dẫn các thủ tục cần thiết để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân có đủ điều kiện. Tuy nhiên, nhiều khả năng người dân sẽ phải đóng tiền thuế đất mà không được miễn giảm theo chế độ, chính sách giãn dân.
"Hiện mình chưa có quyết định giao đất cho họ. Nếu trước đây có quyết định giao đất thì được cấp giấy chứng nhận ngay. Trong sự việc này, có phần lỗi của chính quyền, quá trình thực hiện dự án có thiếu sót. Nếu thiếu sót về mặt chính quyền thì UBND huyện sẽ đề xuất với tỉnh để có chính sách riêng đối với các trường hợp này để đảm bảo quyền lợi cho họ", bà Trần Thị Ngọc Trâm cho biết./.
Hàng nghìn tỷ xây nhà tái định cư nhưng bỏ hoang, trách nhiệm của ai?
Công tác di dân, tái định cư dự án thủy điện Sơn La còn hạn chế
Bất an khu tái định cư Nước Vương ở Quảng Ngãi
Khu tái định cư hơn 10 tỷ hoang vắng, xuống cấp nghiêm trọng