Chính sách bảo trợ xã hội cho lao động nhập cư chưa tương xứng

Sáng nay (3/12) tại thành phố Hồ Chí Minh, Ủy Ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức Hội thảo “Chính sách, Pháp luật về di dân”, với sự tham dự của đại biểu các tỉnh phía Nam.

Theo Tổng cục Thống kê, từ năm 2001 đến nay, số người di cư đến các tỉnh Đông Nam Bộ tìm việc làm có xu hướng tăng. Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu là những địa phương có nhiều khu công nghiệp và khu chế xuất, vì vậy, có rất nhiều người nhập cư.

Tại Hội thảo, hầu hết các đại biểu cho rằng: Di cư đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, góp phần phát triển sản xuất, dịch vụ, mở rộng thị trường ở địa bàn nơi đến. Ở thành phố Hồ Chí Minh, bình quân mỗi năm có trên 200 nghìn người nhập cư, và đóng góp 30% tăng trưởng GDP, trong khi đó, sự thụ hưởng các nhu cầu xã hội chưa tương xứng. Điều kiện sống và làm việc của một bộ phận người nhập cư còn thấp. Bên cạnh đó, người nhập cư còn bị rào cản, gắn tình trạng cư trú với việc cung cấp dịch vụ xã hội như nhà ở, điện nước, y tế, giáo dục… Vì vậy, trong thời gian tới, các chính sách, pháp luật về di cư phải nhằm tạo điều kiện cho người nhập cư thông qua bảo trợ xã hội nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội; đồng thời lồng ghép kế hoạch di cư vào chiến lược phát triển kinh tế xã hội và giảm nghèo.

Ông Nguyễn Văn Minh, phó Trưởng Ban Văn hóa Xã hội, Hội đồng Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Vấn đề đặt ra đối với lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh là đảm bảo được nhu cầu xã hội tối thiểu. Đặc biệt, là trong việc giáo dục, xây dựng trường lớp đảm bảo cho con em người nhập cư có nơi học tập. Các dịch vụ y tế được tăng cường, cũng như về chính sách xây dựng nhà ở, khu lưu trú cho công nhân lao động trực tiếp tại các khu công nghiệp và chế xuất../.

Trần Ngọc

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên