Chính sách đặc thù khắc phục 3 chương trình mục tiêu quốc gia chậm tiến độ
VOV.VN - Tại kỳ họp bất thường lần thứ 5 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đại biểu Quốc hội, nhiều cán bộ địa phương và cử tri cho rằng, 8 cơ chế, chính sách đặc thù trong Nghị quyết này sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần quan trọng đẩy nhanh tiến độ thực hiện trong thời gian tới...
Ba chương trình mục tiêu quốc gia đang được triển khai gồm xây dựng nông thôn mới; Xóa đói giảm nghèo bền vững; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong năm 2022, tốc độ giải ngân các chương trình này đạt rất chậm. Đến năm 2023, tỷ lệ giải ngân vốn cũng chỉ đạt khoảng 70% kế hoạch.
Ông Mai Văn Hải, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho biết, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù sẽ giúp tháo gỡ khó khăn, bất cập trong thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia vừa nêu.
“Trong quá trình thực hiện 3 chương trình này, nảy sinh rất nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó có việc giải ngân vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Vốn đầu tư phát triển cũng như vốn sự nghiệp giải ngân trong năm 2023 rất thấp. Có nhiều nguyên nhân nhưng theo tôi, đó là có những bất cập trong việc phân bổ vốn và giao trách nhiệm cơ chế quản lý cho cấp ủy chính quyền địa phương…”, ông Mai Văn Hải nói.
Một trong 8 cơ chế, chính sách đặc thù được đánh giá cao là thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2024-2025. Theo đó, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được quyết định lựa chọn không quá 2 huyện thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể đối với từng chương trình.
Theo ông Nguyễn Quốc Luận, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái, việc Hội đồng nhân dân cấp huyện được quyết định điều chỉnh phương án phân bổ vốn đầu tư công, kinh phí thường xuyên giữa các chương trình mục tiêu quốc gia… sẽ tạo tính linh hoạt, chủ động cho các địa phương trong cân đối, sử dụng nguồn lực phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội.
“Làm như vậy sẽ giúp các địa phương, đặc biệt là tuyến huyện tháo gỡ được rất nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt trong vấn đề giải ngân và sẽ tạo sự chủ động cho các huyện trong việc triển khai thực hiện chương trình. Qua đó, sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân cũng như nâng cao chất lượng, hiệu quả của các chương trình mục tiêu quốc gia. Trước đây khi chưa có cơ chế đặc thù thì các huyện sẽ rất là khó khăn, lúng túng, đặc biệt là trong việc điều chuyển các nguồn vốn, cứ phải trông chờ vào cấp trên thì mới thực hiện được", ông Nguyễn Quốc Luận cho biết.