Chợ 6 tỷ đồng bỏ hoang, tiểu thương cắm chốt trên quốc lộ
VOV.VN - Chợ Chi Lăng đầu tư hơn 6 tỷ đồng đã hoàn thành hơn 2 năm nay nhưng vẫn trong tình trạng trống trơn, không người mua, kẻ bán.
Chợ Chi Lăng, tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai đã hoàn thành xây dựng hơn 2 năm nay nhưng vẫn không có người mua, kẻ bán.
Bà con tiểu thương ở đây dù đã đăng ký vào chợ nhưng vẫn cố bám lấy vỉa hè dọc Quốc lộ 14 để họp chợ, gây mất mỹ quan đô thị và mất an toàn giao thông.
Cách đây chừng 3 năm, thực hiện chủ trương xây dựng chợ của UBND thành phố Pleiku, nhưng vì không có quỹ đất, nên UBND phường Chi Lăng kêu gọi xã hội hóa việc xây dựng chợ.
Sau khi khảo sát địa bàn và đưa ra hàng loạt chính sách ưu đãi chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thành lập doanh nghiệp tư nhân… UBND phường Chi Lăng đã thuyết phục được gia đình ông Hoàng Văn Trường, một người dân địa phương tự nguyện mở chợ.
Chợ Chi lăng đầu tư hơn 6 tỷ đồng vẫn không kẻ mua người bán. |
Từ một lô đất nông nghiệp rộng 1,3ha trũng hoắm, ông Trường bỏ ra khoảng 6 tỷ đồng làm mặt bằng, xây dựng hệ thống hầm rút, phòng cháy chữa cháy, 22 ki-ốt, hơn 100 sạp hàng và hệ thống nhà lồng khá khang trang.
Phấn khởi vì sắp có chợ tập trung, không phải dầm mưa, dãi nắng như chợ cóc vỉa hè, hàng trăm tiểu thương đăng ký suất từ ngày chợ được khởi công.
Thế nhưng từ 9/2015, tức là lúc chợ hoàn thành đến nay, tuyệt nhiên không có ai trong số đó vào chợ Chi Lăng.
Ông Hoàng Văn Trường, chủ chợ cho rằng, quy hoạch ở trên đường sá ở đây chưa triệt để, rất nhiều tiểu thương muốn đầu tư buôn bán ở chợ Chi Lăng, nhưng trên đường còn nhiều chợ cóc chợ tạm.
Tiểu thương tập trung buôn bán trên vỉa hè QL14 |
Những người mua hàng vô tư dựng xe, tràn ra chiếm 1/3 làn đường gây ra một khung cảnh bát nháo, ảnh hưởng tới việc giao thông trên quốc lộ.
Là một trong những tiểu thương đầu tiên đăng ký vào chợ Chi Lăng, tuy nhiên chị Nguyễn Thị Thơm chấp nhận dầm mưa, dãi nắng trên vỉa hè để bán được hàng. Theo chị Thơm, vị trí của chợ mới không thuận lợi cho việc buôn bán.
Lý giải, chị Thơm cho hay, chợ Chi Lăng mở ra cho nhân dân 3 xã, nhưng lại nằm sâu trong địa phận phường Chi Lăng, người dân 2 xã còn lại phải đi xa, trên quốc lộ có những đoạn phải đi hơn cây số mới có chỗ quay đầu xe.
Hơn nữa, chợ nằm trong hẻm ít dân, đường nhỏ, nên người dân trong xã cũng ít qua lại.
Với tiểu thương như chị Thơm, miễn là bán được hàng, dù ở quốc lộ, giao thông phức tạp, nhưng chị không quan tâm. “ Ở đây chả ảnh hưởng gì hết, bởi đường lớn, vỉa hè rộng nên không sao. Ở đây chưa có vụ tai nạn nào xảy ra hết”, chị Thơm phân trần.
Vì ở vị trí không thuận tiện như thế, nên đã 2 năm nay, dù ông Hoàng Văn Trường, chủ đầu tư chợ Chi Lăng đã đưa ra ưu đãi 1 năm bán hàng không thu phí, nhưng tiểu thương vẫn không mặn mà.
Chợ Chi Lăng bị bỏ hoang không phải là lạ, bởi trước đây, tại Gia Lai còn có nhiều chợ khác như: chợ Hoa Lư, chợ Chư Á,… bị di dời từ vị trí thuận lợi vào trong ngõ, hẻm và gặp phải sự thờ ở, thậm chí phản đối của tiểu thương.
Đến khi đi vào hoạt động, những chợ này cũng không được đông đúc như trước. Vốn dĩ, chợ được hình thành ở nơi mà cả người bán, lẫn người mua cảm thấy thuận tiện. Nhưng các chợ được sinh ra từ kiểu quy hoạch chủ quan, duy ý chí sẽ tạo ra sự lãng phí nguồn lực, cản trở sự phát triển ở địa phương./.
Đắk Lắk: Chợ tiền tỷ bỏ hoang, xã tiếp tục đầu tư xây chợ mới
Chợ cóc tăng mạnh ở Hà Nội: Dẹp chỗ này lại “mọc” chỗ khác?
Tiểu thương chợ Đồng Đăng đến Bộ Công Thương kiến nghị việc chợ bị phá