Chợ hoa xuân: Đến hẹn lại tắc
VOV.VN - Hằng năm, đến tháng chạp âm lịch là các gian hàng bán hoa, cây cảnh lại được dựng lên hai bên đường Cổ Linh, quận Long Biên, Hà Nội để phục vụ nhu cầu người dân vui xuân, đón Tết.
Không chỉ riêng đường Cổ Linh, quận Long Biên, Hà Nội mà nhiều tuyến đường khác qua các chợ hoa, cây cảnh, càng về cuối năm càng đông đúc, tấp nập. Đó là niềm vui với người mua, người bán, nhưng lại là nỗi sợ với người tham gia giao thông vì ùn tắc, vỉa hè, lòng đường bị chiếm dụng, xe cộ dừng đỗ lộn xộn.
PV: Xin chào anh, mời anh giới thiệu về mình với thính giả của VOV Giao thông.
Tôi là Trịnh Văn Quý, ở Ứng Hòa, Hà Nội.
PV: Anh thấy tình trạng ùn tắc trên các tuyến đường qua chợ hoa Tết thời điểm cuối năm như thế nào? Đặc biệt trên đường Cổ Linh - Thạch Bàn, nơi thường ngày đã rất tắc?
Vài năm trở lại đây, năm nào cũng như năm nào. Không cứ gì đường Cổ Linh đâu, tất cả khu vực người ta bày bán hoa ngày Tết như Âu Cơ - Nghi Tàm cũng tắc lắm.
Cả trục đường Tố Hữu về đến Dương Nội ngày Tết là đều bày bán hoa và cây cảnh, đường đấy là tắc nguyên ngày luôn.
PV: Vâng, tại những khu vực đó, anh thấy việc mua bán hoa và cây cảnh bám trên các trục đường gây tác động thế nào đến giao thông?
Tất cả chợ hoa, người bán cứ muốn thuận lợi cho người mua, họ bày ra vỉa hè. Người mua không đỗ xe gọn vào, thậm chí cả xe ô tô rất to cũng đỗ lại để mua một cây hoa.
Lực lượng chức năng cũng hoạt động nhưng không xuể. Những tháng cuối năm rất đông, mà ý thức tham gia giao thông của mình chưa cao.
PV: Vâng, anh cảm thấy thế nào khi qua những khu vực đó?
Thực ra rất là bực mình, nhưng cũng phải chịu thôi vì mình cũng chỉ đi qua trong chốc lát. Đó là công việc kiếm sống của người ta. Thôi thì Tết đến xuân về thì mỗi người cũng nhường nhịn nhau một chút.
Cũng hy vọng là mọi người bán hàng thuận lợi, tham gia giao thông thì cũng bỏ qua những cái bất cập.
PV: Vâng, để tránh lộn xộn tại các chợ hoa thì anh nghĩ trách nhiệm của các lực lượng chức năng ra sao?
Cái này quản lý của phường sở tại là chính, khó lắm. Cũng mong muốn làm sao cơ quan chức năng có biện pháp cho người ta vào chợ nào xa đường trục chính một chút thì sẽ hợp lý hơn, sắp xếp nhân lực ra điều tiết giao thông cho mọi người đi suôn sẻ trong dịp Tết.
PV: Cảm ơn anh với những chia sẻ cùng VOV Giao thông!
Có thể nhiều người sẽ tặc lưỡi cho qua chuyện ùn tắc, lộn xộn ở các chợ hoa vì mỗi năm Tết chỉ có một lần, một cơ hội để người bán hàng gia tăng thu nhập. Nhưng cũng có không ít người chưa thể thông cảm vì tình trạng này đã lặp đi lặp lại nhiều năm mà chưa có dấu hiệu chuyển biến tốt hơn, như chia sẻ của một thính giả sau đây:
Thính giả: Mình không thông cảm được, xã hội đang tiến lên mà. Đáng nhẽ quãng đường người ta di chuyển mất 10 phút, thành ra mất cả tiếng nếu như đen đủi. Cảm thấy ức chế vì tắc đường, có khi tắc cả ngày cả đêm, bởi vì người ta xuất hàng cho chợ cũng có thể gây ùn tắc, còn ban ngày thì nhu cầu đi lại tăng trong những ngày cao điểm.
PV: Vâng, ngoài chuyện giao thông, ùn tắc và nguy cơ mất an toàn, anh còn thấy điểm nào khác bất cập?
Thính giả: Người ta đang bán hàng thì người ta có ý thức giữ vệ sinh, nhưng sau khi bán xong thì có những người vứt bỏ, bày bừa hết trên vỉa hè, lòng đường, lại khổ mấy cô lao công.
Bắt buộc người quản lý chợ phải giám sát, đôn đốc thôi, còn nếu không xử lý nghiêm thì không triệt để được tình trạng này. Tạo ra luật cho người buôn bán hàng trên vỉa hè, giữ gìn vệ sinh môi trường, tránh ùn tắc giao thông.
PV: Vâng, cảm ơn anh rất nhiều!