Cho phép trường ĐH được thành lập doanh nghiệp
VOV.VN - Những nội dung được sửa đổi là các vấn đề cơ bản nhất, thể hiện trong các chính sách lớn là mở rộng và nâng cao hiệu quả của tự chủ đại học.
Liên quan đến Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra lấy ý kiến công luận, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, việc sửa đổi lần này nhằm “gỡ nút thắt” cho các trường đại học hướng tới tự chủ, đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục Đại học được kỳ vọng sẽ gỡ bỏ nhiều nút thắt giúp các trường ĐH tại Việt Nam phát triển xứng tầm. Ảnh: Như Ý. |
Dự thảo lần này đề xuất sửa đổi 36 trong tổng số 72 điều của Luật Giáo dục Đại học hiện hành. Những nội dung được sửa đổi là các vấn đề cơ bản nhất thể hiện trong các chính sách lớn là mở rộng và nâng cao hiệu quả của tự chủ đại học, đảm bảo các trường được tự chủ sâu rộng hơn, tự chủ trên cả 3 phương diện chuyên môn, cơ cấu tổ chức bộ máy, nhân sự và quản trị đại học.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học- Bộ Giáo dục và Đào tạo, Dự thảo Luật sửa đổi đảm bảo tính thiết thực, khả thi thông qua việc lựa chọn sửa đổi, bổ sung những nội dung để giải quyết vấn đề “nút thắt” trong thực hiện đổi mới giáo dục đại học; đồng thời tạo môi trường pháp lý vững chắc, thông thoáng và hấp dẫn để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đặc biệt, tại điều 14 của dự thảo Luật sửa đổi lần này đã cho phép các cơ sở giáo dục đại học được thành lập doanh nghiệp, công ty. Mục đích là nhằm thúc đẩy nghiên cứu khoa học ứng dụng vào thực tế.
“Nếu để các nhà khoa học tự thương mại hóa kết quả nghiên cứu của mình thì chắc là hiệu quả không cao. Bởi vì các nhà khoa học không được đào tạo về việc làm kinh doanh và rất khó khăn khi thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu của mình. Vì vậy cần phải có cơ chế doanh nghiệp để giúp đỡ họ chuyển tải kết quả nghiên cứu trong quá trình ứng dụng vào thực tế. Từ kết quả thương mại hóa thì nó sẽ thúc đẩy trở lại là các nhà nghiên cứu sẽ tìm tòi, sáng chế sẽ, nghiên cứu những lĩnh vực theo yêu cầu của thị trường, có thể bán được kết quả của mình”, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, một trong những điểm mới nữa của dự thảo luật sửa đổi là các trường tự chủ được thu học phí theo giá dịch vụ giáo dục đại học. Như vậy, nhà nước sẽ không còn quy định khung học phí đối với các trường đại học công lập tự chủ. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có giải pháp để tránh tình trạng các trường “lạm phát” tăng học phí, gây khó khăn cho người học.
“Học phí sẽ trở thành giá dịch vụ đào tạo và các trường trên cơ sở đó sẽ tự quyết định giá dịch vụ đào tạo của mình là làm sao để tương xứng với chất lượng đào tạo. Để đảm bảo quyền lợi cho người học thì trong luật cũng đã thiết kế rằng, mức học phí và các khoản thu sẽ phải tuyên bố với người học ngay từ lúc thông báo tuyển sinh, là học phí của từng năm học, từng khóa học. Nội dung này sẽ đảm bảo sự minh bạch cho người học lựa chọn ngay từ khi mà người ta chọn vào trường nào”, bà Phụng nói.
Trong dự thảo Luật sửa đổi cũng quy định Ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục đại học thông qua các đề án, dự án, chương trình; chính sách tín dụng sinh viên và đấu thầu, đặt hàng đào tạo, nghiên cứu khoa học, đặc biệt đối với các ngành chất lượng cao, một số ngành đặc thù, các cơ sở giáo dục đại học có tiềm lực mạnh về khoa học và công nghệ để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Chính sách đấu thầu, đặt hàng đào tạo, nghiên cứu khoa học được thực hiện theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, không phân biệt loại hình cơ sở giáo dục đại học công lập hay ngoài công lập./.
Bộ GD-ĐT lý giải về tranh luận cấm dạy nội dung ngoài sách giáo khoa
Bộ GD-ĐT yêu cầu xử lý nghiêm các đối tượng hành hung giáo viên
Nhiều tỉnh kiến nghị lùi chương trình GDPT mới: Bộ GD-ĐT nói gì?
Bộ GD-ĐT đã lường trước để tránh nguy cơ “vỡ trận” tuyển sinh đại học