Chợ Trời nên dẹp bỏ hay cần quản lý hiệu quả hơn?

VOV.VN -Chợ Trời - Hòa Bình không chỉ buôn bán đồ cũ mà hàng hóa ở chợ đa dạng, phục vụ đời sống dân sinh. Tuy nhiên, chợ cần sắp xếp để hoạt động hiệu quả hơn

Chợ Trời không chỉ bán đồ cũ!

Trước đây chợ có tên gọi là “chợ Trời” vì buôn bán ngoài trời. Sau này đổi tên là chợ Hòa Bình thuộc Ban quản lý chợ Hòa Bình quản lý. Địa giới của chợ thuộc các phố Thịnh Yên, Trần Cao Vân, Yên Bái, Chùa Vua, ngõ Thịnh Yên…  Ước tính, Ban quản lý chợ Hòa Bình quản lý khoảng trên dưới 1.000 hộ kinh doanh các ngành hàng.

Một góc chợ Hòa Bình.

Ngày nay do nhu cầu ngày một lớn, chợ phát triển sang các phố lân cận như phố Nguyễn Công Trứ, phố Huế, Trần Khát Trân. Hình thành hàng trăm các cửa hàng kinh doanh trên các phố này, với các mặt hàng đồ điện, đèn trang trí; đồ xe máy, xe đạp, ô tô.

“Chợ trời” thuộc địa bàn phường phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, chợ hình thành từ quãng những năm 1954-1955. Khi nói đến “chợ trời”, người ta thường mặc định đây là chợ bán đồ cũ nhưng thực tế ở đây bán đa phần là đồ mới.

Thời bao cấp tem phiếu, khái niệm “chợ trời” là chợ buôn bán những vật dụng cũ, người bán đi lại trong chợ với món đồ cầm trên tay để bán. Các đồ buôn bán chủ yếu là thiết bị xe đạp như: lốp, moayer, pedan, ghi đông đã cũ nhưng cũng có khi là cả đồ mới xách tay không dùng đến dư thừa.

Phố Đỗ Ngọc Du (phường Đồng Nhân) chuyên kinh doanh phụ tùng ô tô.

Theo nhu cầu xã hội các mặt hàng ở chợ trời cũng đa dạng và phong phú, đồ cũ dần ít đi, đặc biệt những năm 1980-1990 hàng hóa của công nhân đi lao động xuất khẩu từ các nước Liên Xô và Đông Âu trước đây đóng hòm gửi về tràn ngập chợ trời. Khi đó, chợ Trời bán từ bánh xà phòng, sợi dây may so, bàn là, nồi áp suất, tủ lạnh, tivi, thiết bị xe máy, thiết bị cơ khí… và tất nhiên tất cả đều mới tinh 100%. Từ đó chợ Trời trở thành đầu mối cung cấp quan trọng phục vụ đời sống không của chỉ riêng thị dân Hà Nội. Nhiều thợ sửa chữa cơ khí từ các tỉnh xa như: Hải Dương, Thái Bình, Hưng Yên… đều về chợ Trời lấy hàng.

Ông Đặng Huy Biên (60 tuổi), một thợ cơ khí trước đây ở Nam Sách, Hải Dương cho biết: “Thời bao cấp, thiết bị thay thế máy móc rất hiếm. Ở vùng quê khi ấy, thiếu thốn đủ bề. Vào mùa vụ máy nổ phục vụ bơm nước tưới tiêu của bà con hỏng rất nhiều, đồ thay thế lại rất hiếm. Chúng tôi phải cất công đạp xe ra Hà Nội vào chợ Trời tìm mua từ con ốc vít, đến chiếc bugi, sợi dây curoa mang về thay thế. Vì nếu không ra chợ Trời thì cũng chẳng thể tìm đâu ra nơi có những thứ đồ này cả”.

Hiện nay, các ngành hàng ở chợ Trời rất đa dạng, phong phú đồ điện tử, loa đài, đồ cơ khí máy móc và các thiết bị thay thế, các loại phụ tùng thiết bị ô tô, xe máy… chủ yếu là nhập khẩu. Tuy nhiên, những người buôn bán đồ cũ rất ít chỉ còn một số ít buôn bán xe đạp cũ, hay các thiết bị cầm tay như máy khoan, gương, đèn, ô tô xe máy…

“Chợ Trời” chuyên tiêu thụ “đồ ăn cắp”?

Các phố Lê Gia Định, Đồng Nhân, Đỗ Ngọc Du (do phường Đồng Nhân quản lý) 3 con phố này thông nhau chiều dài khoảng hơn 300 m nhưng có đến cả trăm cửa hàng kinh doanh thiết bị phụ tùng ô tô.

Chính vì buôn bán cả đồ cũ, cả đồ mới khu vực chợ Trời trở nên phức tạp và luôn bị mang tiếng là chợ tiêu thụ đồ ăn cắp. Nhiều người vẫn cho rằng, phương tiện đi lại bị kẻ gian vặt mất đèn, gương hay logo, thậm chí là biển số xe thì cứ ra chợ Trời sẽ mua được lại đồ của mình. Trên thực tế ở tỉnh, thành phố nào cũng có nơi kinh doanh đồ phụ tùng ô tô. Chia sẻ về vấn này, ông Nguyễn Xuân Chương, nguyên cán bộ Ban quản lý chợ Hòa Bình khẳng định. “Vạch mặt chỉ tên đối với một số hộ kinh doanh, buôn bán phụ tùng ô tô ăn cắp là không khó với cơ quan chức năng”.

Trên con phố nhỏ này nhiều cửa hàng làm nội thất ô tô.

Trước thực trạng trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua nạn vặt đồ xe ở Thủ đô lại nổi lên. Việc truy tìm đối tượng tiêu thụ tài sản trộm cắp gần như không thu được kết quả. Lực lượng công an muốn kiểm tra các hộ có nghi vấn tiêu thụ đồ xe bị đánh cắp phải phối hợp với quản lý thị trường nên ít nhiều đã “bứt dây động rừng”. Và cũng từ những đợt kiểm tra này đã hé lộ số lượng lớn hàng hóa không nguồn gốc xuất xứ, không hóa đơn. Lỗ hổng này, trách nhiệm thuộc về lực lượng quản lý thị trường buông lỏng quản lý.

Dẹp bỏ, nên không?

Mới đây một vị lãnh đạo Thành phố Hà Nội cho ý kiến sẽ dẹp bỏ chợ Trời vì cho rằng chợ này chỉ nhập khẩu đồ cũ, theo ông Chương, ngày xưa chợ Trời chạy lung tung họp chợ xuống tận Đại Cồ Việt, dốc Kim Liên, tức là nếu dẹp chỗ này nó sẽ di chuyển chỗ khác. Vì thế rất cần có sự đầu tư nghiên cứu để quản lý được thì tốt hơn. Còn nếu loại bỏ mà không có giải pháp thì nó sẽ tự phát,  “mọc” lung tung. Bởi công việc kinh doanh là bát cơm, bát cháo hàng ngày của các tiểu thương. Thực tế có những hộ kinh doanh giỏi đã làm giàu thậm chí cực giàu nhưng cũng có người rất nghèo và rất nhiều người nghèo trong số này.

Cũng theo ông Chương nếu quyết tâm dẹp bỏ chợ Trời thì trước tiên chính quyền phải quan tâm chăm lo đến cuộc sống của các hộ đang kinh doanh dưới lòng đường trong khu vực chợ, thông qua việc tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh tới nơi khác hợp lý để đảm bảo cuộc sống. Còn những hộ có cửa hàng mặt phố kinh doanh buôn bán thì cũng khó có thể buộc họ ngừng kinh doanh. Vì thế tính chuyện dẹp chợ là khó khả thi, không tạo sự đồng thuận từ người dân.

Từ kinh nghiệm quản lý của mình ông Chương chia sẻ: Thực tế việc loại bỏ chợ Trời là rất khó, cần tư duy kỹ lưỡng nếu nhìn từ góc độ số phận của cả nghìn hộ kinh doanh, họ và gia đình, tương lai con cái sẽ đi về đâu khi bị tước mất đi kế sinh nhai.

“Phía chính quyền cần làm và hoàn toàn có năng lực dẹp bỏ được, đó là những đối tượng mua bán đồ ăn cắp. Kiên quyết tịch thu đăng ký kinh doanh; bốc cửa hàng ra khỏi chợ. Không có đối tượng mua ở đây nữa thì cũng sẽ không có kẻ cắp mang hàng đến bán. Loại bỏ những đối tượng này không ai khác ngoài lực lượng công an và quản lý thị trường yêu cầu cam đoan tuyệt đối không mua đồ ăn cắp”.

Là một người kinh doanh phụ tùng ô tô trên phố Đồng Nhân, anh Nguyễn Văn Thanh cho biết: “Đa phần người kinh doanh ở chợ là người buôn bán thuần chất,  chỉ một bộ phận nhỏ cửa hàng kinh doanh phụ tùng ô tô là kinh doanh đồ gương, đèn ô tô và trong số này cũng chỉ một nhóm đối tượng có quan hệ giao dịch đồ ăn cắp. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố không chỉ có khu vực chợ Trời là buôn bán gương, đèn ô tô. Nhiều tuyến phố khác như Hai Bà Trưng, Trần Quang Khải và nhiều nơi khác cũng có rất nhiều cửa hàng kinh doanh đồ này. Cơ quan chức năng cần có điều tra, xử lý nghiêm trước pháp luật đúng đối tượng”.

Các loại gương đèn còn được kinh doanh ở nhiều của hàng trên phố Đồng Nhân

Anh Nguyễn Xuân Quỳnh, một người dân Hà Nội vốn rất thích loa đài, vào thứ bảy, chủ nhật rảnh rỗi anh dành thời gian lang thang các gian hàng điện tử Hà Nội tìm kiếm từng bảng mạch bán dẫn, con dios… để tự dựng cho mình 1 chiếc âm ly hay đôi thùng loa. Anh Quỳnh cho biết những thứ đồ anh tìm kiếm là những thứ đồ bán dẫn cũ chỉ có tháo dỡ ở những máy móc cũ bỏ đi chứ đồ mới không có. Những thứ đồ này như đồng nát chẳng nhẽ người bán hàng vẫn phải ghi hóa đơn?. “Nếu rằng 1 ngày nào đó, Hà Nội sẽ không còn chợ Trời thì Hà Nội có còn xảy ra mất cắp phụ tùng ô tô không”. Khó có thể khẳng định là không.

Tái sắp xếp để quản lý hiệu quả hơn

Việc quản lý thị trường với các loại hàng hóa không xuất  xứ, không hóa đơn ở “chợ Trời” hiện nay dường như không quản lý được. Vì hàng hóa đi theo nhiều con đường từ nước ngoài luồn lách qua các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An… Trước đây, chúng tôi rất ít “soi” xem chất lượng hàng hóa cũ mới, hóa đơn… mà kiểm soát trên cơ sở đăng ký kinh doanh, thuế, môn bài… Ví dụ như khó có ai có thể đem hóa đơn chứng từ để chứng minh con ốc vít hay cái xích xe đạp hoặc thiết bị máy móc, đồ điện nào đó từ đâu mà ra. Vì không phải hàng hóa cấm nên không thể tịch thu.

Nhiều ý kiến cho rằng chợ Trời mang tiếng oan tiêu thụ đồ ăn cắp.

Đây là tình trạng chung, không riêng gì chợ Trời mà ở các chợ lớn khác như Đồng Xuân hay các cửa hàng trên phố việc kiểm tra hàng hóa xuất xứ là cực kỳ khó vì người ta buôn đi bán lại.

Anh Nguyễn Văn Thanh cho rằng: Các cửa hàng kinh doanh trong chợ Trời là các cửa hàng kinh doanh vốn nhỏ. Hình thức buôn bán là “luộc” lại hàng của các đại lý lớn rồi bán cho người tiêu dùng. Trên sản phẩm hàng hóa của nhà sản xuất đều có dãn tem thể hiện rõ nguồn gốc xuất xứ của lô hàng.  Các đại lý đều thực hiện thuế nhập khẩu hàng hóa đầy đủ. Tuy nhiên, quản lý thị trường kiểm tra vẫn yêu cầu phải có hóa đơn hàng hóa theo quy định khiến người kinh doanh khó khăn”.

Tuy nhiên, theo ông Chương công tác quản lý cần phải chuyên sâu hơn: hàng có nguồn gốc, số lượng hàng hóa bán ra trong ngày phải được thể hiện trên hóa đơn để có thể quản lý qua hiệu quả thuế thu được cho ngân sách.

Trước mỗi việc lớn, hệ trọng liên quan đến đời sống dân sinh, Hà Nội luôn cầu thị lắng nghe ý kiến xây dựng của  người dân, giới khoa học. Những ý kiến xây dựng thẳng thắn, chân tình luôn được Thành phố tiếp thu phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, tạo sự đồng thuận giữa chính quyền và người dân. Người dân Thủ đô kỳ vọng chợ Trời - Hòa Bình sẽ không là ngoại lệ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hà Nội quyết dẹp bỏ bán đồ cũ tại “chợ giời”
Hà Nội quyết dẹp bỏ bán đồ cũ tại “chợ giời”

VOV.VN - Hoạt động ở "chợ giời" những năm qua mặc dù không hợp pháp, nhưng nó vẫn tồn tại ngang nhiên.

Hà Nội quyết dẹp bỏ bán đồ cũ tại “chợ giời”

Hà Nội quyết dẹp bỏ bán đồ cũ tại “chợ giời”

VOV.VN - Hoạt động ở "chợ giời" những năm qua mặc dù không hợp pháp, nhưng nó vẫn tồn tại ngang nhiên.