Chôn lợn sống, “chạy” chính sách hỗ trợ

VOV.VN -Một số nơi ở Quảng Nam còn kê khống trọng lượng, chôn sống lợn để được đền bù khiến ngân sách không thể chi trả nổi.

Ngay từ những ngày đầu xảy ra dịch tả lợn châu Phi, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các cấp, các ngành vào cuộc ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Cán bộ thú y và chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, lấy mẫu tại các lò mổ và chợ truyền thống, nếu phát hiện sản phẩm có biểu hiện bệnh thì đề nghị tiêu hủy và dừng bán. Đồng thời, Bộ Tài chính hướng dẫn thanh toán cho các hộ dân có lợn bị tiêu hủy.

Điểm chốt chặn tại xã Bình Đào, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam không có người canh giữ.

Thế nhưng, không ít địa phương khoán trắng công tác này cho lực lượng thú y, trong khi đội ngũ thú y cơ sở năng lực chuyên môn có hạn, không mặn mà với công tác chống dịch.

Tại các vùng trọng điểm dịch ở tỉnh Quảng Nam vào những ngày cuối tuần, nhiều điểm chốt chặn được dựng lên nhưng không có người canh giữ. Thương lái vô tư chở lợn từ vùng này sang vùng khác. Một người dân ở xã Bình Đào, huyện Thăng Bình cho biết, mấy ngày đầu thành lập điểm chốt chặn còn có lực lượng chức năng canh gác, sau thấy vắng dần, gần đây thì thả cửa.

Lãnh đạo địa phương cho rằng, một khi dịch đã phủ kín địa bàn thì chặn đường này họ chạy đường khác. Đây là địa phương thường xuyên xảy ra dịch bệnh, hết dịch lở mồm long móng trên đàn trâu, bò đến dịch lợn tai xanh, nay thì dịch tả lợn châu Phi. Chỉ trong vòng 1 tháng, dịch bệnh lây lan ra hơn 100 hộ gia đình.

 Một người dân ở xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam tiêu hủy cả đàn lợn khi chưa xét nghiệm.

Ông Nguyễn Văn Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình giải thích, trước đây công tác phòng, chống dịch ở các địa phương chủ yếu dựa vào đội ngũ thú y cơ sở nhưng hiện nay, cán bộ thú y xã đa số lớn tuổi, lớp trẻ không mấy người theo nghề này vì thu nhập quá thấp.

 “Cán bộ thú y hiện tại của xã tôi chỉ có 1 người được hưởng lương cơ bản. Ngoài ra, không có gì hết. Cho nên, họ không có gắn bó để làm. Nhiều người bỏ lắm! Ba xã không có cán bộ thú y. Sau đó, 2 xã kia vì huyện ép quá nên đã phải đi thuê cán bộ thú y dịch vụ hợp đồng làm. Còn riêng xã Bình Dương thì không có ai làm. Còn mấy ông mà học trung cấp thú y làm hai ba chục năm rồi thi họ lại lớn tuổi, bây giờ già rồi không làm nữa mà đi làm việc khác”, ông Văn Hương nói.

Chủ doanh nghiệp cho rằng, 1 con lợn sữa giá 200.000 đồng nhưng tiền xét nghiệm gấp 3 lần là điều không thể thực hiện.

Cũng tại huyện Thăng Bình, các cán bộ Chi cục Thú y và Chăn nuôi tỉnh Quảng Nam tiến hành kiểm tra đột xuất tại Công ty Tránh nhiệm Hữu hạn sản xuất, chế biến nông sản thực phẩm Quảng Nam (trụ sở tại xã Bình Phục).

Qua kiểm tra cho thấy, rất nhiều nội dung liên quan đến việc nhập lợn vào cơ sở giết mổ tập trung trong vùng đang có dịch tả lợn châu Phi được thực hiện theo kiểu đối phó.

Tại đây, tất cả các biên bản lấy mẫu do ông Nguyễn Quang Tuấn, cán bộ Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Thăng Bình trực tiếp lấy mẫu không ghi tổng đàn lợn của cơ sở chăn nuôi được lấy mẫu, địa điểm lấy mẫu. Doanh nghiệp thì không có hồ sơ nhập lợn vào giết mổ.

Ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Công ty cho rằng, rất khó để kiểm soát khâu đầu vào, đầu ra sản phẩm. Vì lợn mua trong dân không hề có xét nghiệm, doanh nghiệp mua về phải bỏ tiền ra xét nghiệm trước khi giết mổ, cấp đông. Sau đó lại phải xét nghiệm 1 lần nữa trước khi xuất hàng là điều không thể.

“Con heo sữa có giá 200.000 đến 300.000 đồng, trong khi xét nghiệm mẫu là 600.000 đồng. Như vậy, thực chất cao hơn giá trị thu gom con heo sữa trong dân ở đây. Cho nên chắc chắn 100% là không có tác dụng gì hết. Trong khi địa phương thì buông lỏng quản lý, giết mổ tập trung tràn lan. Khả năng lây lan dịch bệnh cao gấp 2 đến 3 chục lần doanh nghiệp. Vận chuyển thì không có kiểm soát. Ban đêm, ban ngày hàng hóa chuyển đi bình thường, giết mổ nhỏ lẻ tràn lan trong khu dân cư”, ông Văn Hùng chia sẻ.

Sản phẩm cấp đông của Công ty TNHH Sản xuất và chế biến nông sản thực phẩm Quảng Nam chưa qua xét nghiệm.

Theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan thú y địa phương tổ chức thực hiện việc giám sát, lấy mẫu và gửi mẫu đến phòng thử nghiệm có thẩm quyền để xét nghiệm mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đối với trường hợp xuất bán, vận chuyển dưới 100 con lợn: Lấy mẫu máu của 5 con lợn để gộp thành 1 mẫu xét nghiệm.

Trường hợp cơ sở chăn nuôi có dưới 5 con lợn, thì phải lấy mẫu tất cả lợn và gộp thành 1 mẫu xét nghiệm. Đồng thời quy định, chủ cơ sở chăn nuôi lợn, chủ cơ sở có sản phẩm từ lợn chi trả chi phí lấy mẫu, gửi mẫu và xét nghiệm theo quy định.

Quy định là vậy, nhưng hầu như không địa phương nào thực hiện. Bởi, số tiền xét nghiệm hơn 500.000 đồng/mẫu thì nông dân lấy đâu ra để chi trả. Chính vì thế, mà hầu hết các địa phương chỉ dựa vào một vài mẫu xét nghiệm dương tính với vi rút dịch tả lợn Châu Phi, cứ thế tiêu hủy lợn thông qua những triệu chứng lâm sàng mà các “bác sĩ” thú y địa phương chẩn đoán.

Ông Huỳnh Công Lệ ở thôn Hội Sơn, xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho rằng, nếu gia đình nghe theo hướng dẫn của thú y cơ sở thì đã chôn sống hết đàn lợn rồi. Gia đình ông Lệ nuôi 2 con lợn nái. Một con vừa đẻ xong thì ngã bệnh bỏ ăn. Vợ ông mời cán bộ thú y xã đến kiểm tra nhưng anh này không đến mà điện thoại bảo gia đình tiêu hủy hết đi.

Ông Lệ đồng ý tiêu hủy con lợn nái vừa mới đẻ, vì đằng nào cũng được hỗ trợ bằng hoặc cao hơn giá bán ra ngoài thị trường (giá bán thị trường 30.000 đồng/kg hơi, trong khi giá hỗ trợ là 38.000 đồng/kg). Riêng đối với con lợn đang có chửa 2 tháng không hề bị bệnh, vợ chồng ông không chịu tiêu hủy vì thấy ác. Thế là, vợ chồng thay phiên nhau chăm sóc, vài ngày sau lợn khỏi bệnh.

Ông Huỳnh Công Lệ kể, lúc lợn mới bị bệnh, gia đình điện thoại cho ông cán bộ thú y xã. Ông này không trực tiếp đến chuồng xem lợn bị bệnh gì mà “chỉ đạo” qua điện thoại, bảo tiêu hủy hết đi để được hỗ trợ. Nếu gia đình không tiêu hủy thì ráng chịu.

“Gia đình báo cho ông trưởng thú y địa phương ổng nói là tiêu hủy, chớ không xét nghiệm bệnh chi hết. Nếu như mà tiêu hủy con heo vừa đẻ ra mà bị bệnh thì tui đồng ý chớ không răng hết! Nhưng còn con heo có chửa 2 tháng ổng bảo tiêu hủy luôn ổng mới chịu trách nhiệm chớ tiêu hủy 1 con ổng không chịu. Tui thấy bức xúc! Vì ai nuôi cũng phải bảo vệ con trong bụng chớ tiêu hủy hết tui không yên tâm”, ông Công Lệ bày tỏ.

Vợ chồng ông Huỳnh Công Lệ tự tay chăm sóc lợn qua khỏi dịch bệnh mà không chịu tiêu hủy.

Lãnh đạo Chi cục Thú y Vùng 4, Cục Thú y cho biết, trong suốt thời gian xảy ra dịch tả lợn châu Phi, số lượng mẫu xét nghiệm các địa phương gửi về chỉ ở mức dưới 100 mẫu mỗi ngày. Con số này không tăng là bao so với thời điểm trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi, và cũng không tạo áp lực đối với cán bộ ở phòng thí nghiệm.

Ông Phan Hữu Đức, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Vùng 4 cho biết, về mặt lâm sàng, muốn khẳng định có phải là dịch tả lợn Châu Phi hay không thì phải lấy mẫu xét nghiệm để xác định đó là loại vi rút gì?

Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn và ngành chức năng, dịch tả lợn Châu Phi chưa đạt đỉnh. Hộ chăn nuôi và chính quyền các địa phương còn phải đối phó lâu dài.

Tại cuộc họp mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính làm thủ tục tạm ứng ngay khoảng 1.200 tỷ đồng cho các địa phương hỗ trợ dân có lợn bị dịch. Thực tế cho thấy, không ít địa phương chưa thật chặt chẽ trong xác định mức độ thiệt hại để hỗ trợ người dân. Một số nơi còn kê khống trọng lượng, chôn sống lợn để được đền bù khiến ngân sách không thể chi trả nổi./.


Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên