Chong đèn trồng hoa Tết
VOV.VN - Dưới ánh đèn điện xuyên đêm, đôi tay người nông dân vẫn miệt mài chăm sóc các luống hoa và hy vọng được mùa, mang lại thu nhập cao.
Thời điểm này, nhiều địa phương ở tỉnh Quảng Bình tất bật vào vụ trồng hoa phục vụ Tết Nguyên đán. Thời tiết cuối năm trời rét đậm, mưa phùn nên người trồng áp dụng nhiều biện pháp chăm sóc, bảo vệ hoa nhằm đảm bảo khung lịch thời vụ, kịp cung ứng thị trường Tết. Dưới ánh đèn điện xuyên đêm, đôi tay người nông dân vẫn miệt mài chăm sóc các luống hoa và hy vọng được mùa, mang lại thu nhập cao.
Ảnh hưởng của đợt mưa lũ kéo dài nên vụ hoa Tết năm nay bắt đầu muộn hơn so với những năm trước. Để cây hoa được thu hoạch đúng vụ, người dân xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình dày công chăm sóc trên vườn cúc. Hệ thống bóng điện được lắp đặt với mật độ mỗi bóng cách nhau 1,5- 2m. Ánh sáng và hơi nóng từ bóng điện sẽ giúp cho cây hoa cúc nhanh đẻ nhánh, phát triển tốt. Hơn một tháng trước Tết, người trồng sẽ cắt điện để cúc đóng búp và tạo hoa.
Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm, bà Lê Thị Thủy ở thôn Thạch Trung, xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy tất bật chăm sóc những luống hoa vừa xuống vụ gần 1 tháng. Xã Hồng Thủy là vùng trồng hoa lâu năm với diện tích khá lớn, mưa lũ vừa qua gây nhiều thiệt hại nặng nề, làm ô nhiễm đất, hoa màu hư hại nghiêm trọng. Cuối năm, bà Thủy gom góp ít vốn của gia đình cùng 1 khoản tiền hỗ trợ lũ lụt từ chính quyền, tổ chức từ thiện... mua giống trồng hoa vụ Tết.
Bà Lê Thị Thủy cho biết: “Lũ lụt xong đất đai bị ô nhiễm, rất phức tạp. Sau khi lũ lụt qua đi thì hạt giống hiếm hơn, giá đắt hơn mọi năm. Trồng rau nhanh thì 1 tháng sẽ thu hoạch, còn trồng hoa thì phải đến Tết. Chúng tôi phải cố gắng cho kịp, nếu không thì phải dùng đèn điện kích cho hoa ra nụ, cây phát triển”.
Là người có kinh nghiệm trồng hoa hơn 10 năm nay, bà Phan Thị Miễn, 52 tuổi, ở xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch cho biết, năm nay gia đình trồng chủ yếu giống cúc Đà Lạt vì được ưa chuộng nhất vào dịp Tết. Bà Miễn trồng hoa quanh năm phục vụ nhu cầu của người dân địa phương vào ngày rằm và dịp cuối tháng. Thông thường, vụ hoa Tết bắt đầu trồng từ cuối tháng 9 âm lịch, nhưng do mưa lũ lịch sử kéo dài khiến người trồng hoa không theo kịp lịch thời vụ.
Để những luống hoa khoe sắc đúng dịp Tết thì người trồng hoa phải chăm sóc rất tỉ mỉ, công phu từ khâu làm đất, khử độc, ươm giống cho đến theo dõi tình hình thời tiết. Thời điểm này trời mưa rét kéo dài nên muốn cho hoa nở đúng thời điểm Tết, người trồng phải đầu tư nhiều công sức từ chăm bón cho đến chong đèn sưởi cho hoa.
Theo bà Phan Thị Miễn, người trồng hoa luôn kỳ vọng vào một vụ hoa Tết được mùa, bán được giá cao: "Phải thường xuyên coi sâu bệnh để kịp thời phun thuốc. Vì trồng chậm tiến độ, thời tiết thì âm u nên cây giống lâu phát triển. Phải chong đèn điện để cây lớn nhanh, sinh trưởng đúng thời điểm trúng dịp Tết để bán”.
Sau mưa lũ, các loại hạt giống rau, hoa tại tỉnh Quảng Bình trở nên khan hiếm, giá thành cao hơn khiến nông dân gặp khó khăn. Người dân rất cần các loại giống rau xanh, hoa để khẩn trương đưa vào sản xuất, đảm bảo nguồn cung rau, hoa kịp Tết Nguyên đán sắp tới. Hỗ trợ nông dân chủ động vào vụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình kết nối với các doanh nghiệp giống cây trồng điều chỉnh, phân bổ các loại giống về cho các địa phương.
Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết, ngành nông nghiệp nỗ lực để nông dân không thiếu giống, không sai cơ cấu và không chậm thời vụ. “Chúng tôi đang tập trung khắc phục các diện tích bị bồi lấp không canh tác được, nghiên cứu mô hình và sẽ cho triển khai sản xuất thử trong vụ Đông Xuân. Ngành nông nghiệp cũng đã tích cực phối hợp và kêu gọi hỗ trợ từ UB MTTQ, từ các nguồn kinh phí của Trung ương rồi chuyển về cho địa phương chủ động liên hệ với các công ty giống mua các giống theo đúng cơ cấu, đúng chủng loại, hoàn toàn chủ động trên cơ sở do người dân đăng kí"./.