Chống rét cho gia súc, gia cầm
Thời tiết lạnh buốt khiến cho nhiều gia súc, gia cầm dễ bị nhiễm lạnh và mắc bệnh.
Tại Hà Giang, 3 huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần và Mèo Vạc đã xuất hiện dịch lở mồm long móng (LMLM) với 186 con gia súc bị nhiễm bệnh (trong đó, 127 con bò, 65 con trâu, 17 con lợn). Huyện Mèo Vạc có số gia súc bị mắc bệnh LMLM nhiều nhất với 102 con, trong đó có 5 con đã bị chết.
Nguyên nhân được cơ quan thú y địa phương xác định là do nhiều hộ nuôi gia súc không tiêm phòng vaccine phòng dịch LMLM hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa đủ thời gian miễn dịch. Bên cạnh đó, khi gia súc mắc bệnh, các hộ chăn nuôi không báo cơ quan chức năng, tự ý vận chuyển gia súc từ vùng có dịch đến vùng khác khiến dịch bệnh lây lan với tốc độ cao.
Đối phó với nguy cơ gia súc bị chết hàng loạt do dịch LMLM, nhất là trong những ngày rét đậm, rét hại, UBND tỉnh Hà Giang đã tập trung chỉ đạo các huyện tuyên truyền, vận động người dân không được thả rông gia súc, cấm giết mổ gia súc bị nhiễm bệnh. Đặt các chốt gác không cho gia súc bị mắc bệnh ra vào vùng có dịch, đối với gia súc bị bệnh LMLM chết phải khẩn trương đem đi tiêu huỷ; giám sát chặt gia súc sau tiêm phòng đề phòng phát dich; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi không chăn thả gia súc, không dấu dịch. Cơ quan thú y tăng cường cán bộ có chuyên môn về tận thôn bản phối hợp với chính quyền địa phương tìm cách khống chế dịch, cách ly gia súc bị mắc bệnh, điều trị triệu chứng theo hướng dẫn của chuyên môn, vệ sinh, tiêu độc khử trùng theo quy định. Tạm thời ngừng cấp giấy phép vận chuyển gia súc nhiễm bệnh LMLM ra ngoài tỉnh.
** Ông Nguyễn Văn Quốc, Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh Bình Định cho biết: Để chủ động phòng chống dịch bệnh gia súc và gia cầm trong dịp Tết Tân Mão, Chi cục đã tiêm phòng vaccine phòng dịch LMLM đợt 2 bổ sung năm 2010 được 15.734 liều cho đàn lợn tại các huyện và thành phố Quy Nhơn, 855 liều cho đàn lợn nái và đực giống tại huyện Tuy phước.
Ngành Thú y ở cơ sở đã tiến hành phun thuốc khử độc, sát trùng được trên 6,121 triệu m2 chuồng trại, bến bãi tập kết, các chợ đầu mối tập kết gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã thành lập 3 tổ công tác tại các huyện phía Bắc, phía Nam và trung tâm của tỉnh, 2 chốt tại đèo Bình Đê, Cù Mông để kiểm tra và phun thuốc khử độc sát trùng các loại phương tiện tham gia chở gia súc và gia cầm từ phía Bắc và các tỉnh phía Nam. Bên cạnh đó, ngành Thú y tăng cường kiểm soát và kiểm dịch các hộ giết mổ gia súc, gia cầm riêng lẻ tại các chợ, hộ gia đình và các cơ sở giết mổ tập trung tại huỵện Tuy Phước và 600 điểm giết mổ rải rác trong các khu dân cư.
** Tỉnh Nghệ An đang khẩn trương triển khai các giải pháp chống rét cho đàn gia súc. Đây là một trong những giải pháp cấp bách bảo vệ an toàn đàn gia súc trước nguy cơ rét đậm, rét hại kéo dài, đe dọa trực tiếp đến đàn gia súc trên địa bàn tỉnh. Ngành Nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh cử cán bộ trực tiếp xuống các vùng chăn nuôi gia súc hướng dẫn nông dân cách ủ ấm cho gia súc; không đưa trâu bò ra đồng vào sáng sớm hoặc lùa về chuồng quá muộn. Các địa phương cũng khuyến cáo các hộ chăn nuôi chủ động dự trữ các loại thức ăn, như: rơm rạ, cỏ khô, các loại cây nông nghiệp, bột cám, ngô, khoai làm thức ăn để tăng sức đề kháng cho đàn trâu, bò trong những ngày giá rét.
Tại Nghệ An, nông dân cũng đang phổ biến kinh nghiệm chống rét có hiệu quả cho gia súc, đó là dùng chăn bông cũ hoặc bao bì ủ ấm, hàng ngày cho trâu bò uống nước muối nóng để giữ ấm cho trâu bò. Tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu ngành Nông nghiệp và các xã nắm chắc diễn biến của thời tiết, hàng ngày thông báo, giúp người dân chủ động đối phó.
Trong những ngày qua, trên địa bàn Nghệ An đã có rét đậm, rét hại, ảnh hưởng trực tiếp đến đàn gia súc. Hiện nay, trong khi thời tiết đang tiếp tục gây hại thì tại một số địa phương, nông dân vẫn có thói quen chăn thả gia súc ngoài đồng từ sáng sớm đến chiều tối. Tại các huyện miền núi, nông dân vẫn duy trì việc thả rông gia súc trong rừng từ ngày này đến ngày khác bất chấp mưa phùn, trời lạnh.
Chi cục thú y Nghệ An cho biết, cách nuôi này rất nguy hiểm vì gia súc thiếu thức ăn, sức đề kháng kém, nguy cơ phát sinh dịch bệnh tăng. Thực tế, vào mùa rét các năm trước, cũng với cách nuôi này, tại các huyện miền núi trong tỉnh đã xuất hiện trâu bò chết do rét, thậm chí có cả việc trâu bò chết trong rừng, nhiều ngày sau mới phát hiện được./.