Chủ động ứng phó hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai
VOV.VN - Xây dựng kịch bản xác định vùng ngập úng để cơ động sẵn sàng sơ tán dân
Sáng 12/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị trực tuyến 63 tỉnh, thành “Tổng kết công tác phòng chống thiên tai từ năm 2015 đến nay và triển khai nhiệm vụ những tháng tiếp theo năm 2016".
Bộ trưởng- Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Cao Đức Phát; Phó Đô đốc, Phó Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam Phạm Ngọc Minh cùng chủ trì hội nghị.
Hội nghị trực tuyến phòng chống thiên tai 63 tỉnh, thành. |
Báo cáo tổng kết nêu, tình hình thiên tai từ năm 2015 đến nay, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu. Ở trong nước, thiên tai xảy ra ít hơn về số lượng, tuy nhiên cường độ tác động một số đợt lại ở mức cao kỷ lục, cụ thể: có 5 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới ở Biển Đông; Nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao kéo dài kỷ lục (60 năm) xảy ra trên diện rộng từ Bắc Bộ đến các tỉnh Nam Trung Bộ; hạn hán đã xảy ra trên cả nước và kéo dài từ cuối năm 2014 đến đầu 2016, đặc biệt nghiêm trọng ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Nam Bộ; mưa đặc biệt lớn tại Quảng Ninh kéo dài trong 10 ngày (từ 25/7 đến 5/8/2015) với tổng lượng mưa đạt trên 1.500mm tại Cửa Ông (lớn nhất trong 50 năm trở lại đây); sạt lở đất, bờ sông, bờ biển xảy ra ở nhiều nơi; xâm nhập mặn xảy ra sớm hơn cùng thời kỳ gần 2 tháng và lấn sâu vào đất liền có nơi tới trên 90km, tình trạng cạn kiệt nguồn nước các dòng sông trên cả nước ngày càng phổ biến gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Đặc biệt từ đầu năm 2016, tình hình thiên diễn biến phức tạp:Từ ngày 22/1/2016, do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ rất mạnh được tăng cường liên tục nên ở các tỉnh Bắc Bộ đến Nghệ An đã xảy ra rét hại trên diện rộng, nhiều nơi đã xuất hiện băng giá và mưa tuyết. Nhiệt độ thấp nhất ở miền Bắc trong đợt rét phổ biến dao động từ 3-60C, Bắc Trung Bộ phổ biến dao động từ 6-80C; nhiều nơi thuộc vùng núi cao giảm xuống dưới 00C và đạt mức thấp nhất trong lịch sử.
Trong khi đó, hạn hán, xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên: Khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên: Từ cuối năm 2015 đến nay, khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ có lượng mưa rất thấp. Hiện nay, hồ chứa thủy lợi, thủy điện đạt 25-40% dung tích thiết kế, nhiều hồ nhỏ đã cạn nước, các đập dâng phần lớn không còn khả năng cung cấp nước, nhiều hồ thủy điện đã hạn chế phát điện, tập trung cung cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Hạn hán đã xảy ra trên diện rộng ở Tây Nguyên (chiếm tới 70% diện tích canh tác khu vực Tây Nguyên). Các tỉnh bị hạn hán nghiêm trọng như: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Ninh Thuận, Bình Thuận,...
Ngoài ra, từ đầu năm 2016, trên cả nước đã xảy ra 71 trận dông, lốc, sét, mưa đá gây thiệt hại về người, tài sản, sản xuất nông nghiệp.
Theo báo cáo, thiệt hại do thiên tai năm 2015: 154 người chết, 127 người bị thương, 1.242 nhà bị đổ, sập, trôi; 35.233 nhà bị ngập, hư hại, tốc mái; 445.110 ha diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại; hàng triệu mét khối đất đá giao thông, thủy lợi bị sạt lở, bồi lấp, 182km bờ sông, bờ biển bị sạt lở, 36 phương tiện khai thác thủy sản bị thiệt hại,.... Tổng thiệt hại khoảng 8.114 tỷ đồng, trong đó chủ yếu tập trung vào thiệt hại cây trồng nông nghiệp (lúa, hoa màu, cây lâu năm), sạt lở đường giao thông, thủy lợi, hệ thống cung cấp điện, viễn thông, hầm mỏ,...
Từ đầu năm 2016, thiên tai đã làm 11 người chết, 41 người bị thương; 475.580 hộ dân bị thiếu nước; 290.368 ha lúa, hoa màu và 161.365 ha cây công nghiệp, cây ăn quả bị thiệt hại; 19.804 con gia súc và 44.272 gia cầm bị chết; 7.145 ha thủy sản bị thiệt hại. Tổng thiệt hại khoảng 9.735 tỷ đồng (thiệt hại do rét đậm, rét hại là 700 tỷ đồng, thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn là 8.906 tỷ đồng, thiệt hại do dông, lốc, sét, mưa đá là 129 tỷ đồng).
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương nhận định thiên tai mùa mưa báo lũ năm 2016: El Nino 2014-2016 hiện được đánh giá là một kỳ El Nino mạnh kỷ lục và có khả năng trở thành một trong những El Nino kéo dài nhất từ trước đến nay (khoảng 20 tháng).
Dự báo chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển sẽ tiếp tục suy giảm nhanh, nhiều khả năng El Nino sẽ chấm dứt. Những tháng tiếp theo, chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển có khả năng tiếp tục giảm nhanh, do vậy khả năng xuất hiện hiện tượng La Nina từ những tháng cuối năm 2016 là tương đối cao.
Theo Trung tâm dự báo KTTV trung ương, tình hình thời tiết, thiên tai từ nay đến cuối năm tiếp tục diễn biến khó lường, cực đoan. Trong thời gian tới nắng nóng, hạn hán vẫn tiếp tục xảy ra tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và mưa lũ lớn, bão, áp thấp nhiệt đới có thể xảy ra nhiều do hiện tượng La Nina.
Ngập lụt. |
Xây dựng kịch bản chủ động ứng phó thiên tai
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát lưu ý các địa phương thiệt hại về người và vật chất trong 1 đợt bão có liên quan đến mưa lũ thì thiệt hại do mưa lũ lớn hơn nhiều so với bão. Con số 154 người chết năm 2015 do thiên tai thì có tới 96 người chết và thiệt hại vật chất rất lớn do mưa lũ. Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị các địa phương hết sức chú ý vấn đề này trong việc xây dựng kế hoạch ứng phó với mưa lũ.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, hiện nay ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đang cùng 28 tỉnh xây dựng kịch bản, xác định các vùng tùy theo lượng mưa sẽ ngập úng đến đâu để từ đó các địa phương có kế hoạch sơ tán dân”.
“Bên cạnh đó, chúng ta còn rất nhiều phải làm, trong đó có kiểm tra, kiểm soát đê kè, hồ chứa. Xây dựng kế hoạch vận hành các hồ chứa ở miền Trung. Khi mưa lũ xảy ra cần lưu ý đến các điểm có nguy cơ sạt lở để sơ tán dân nếu có nguy cơ rõ rệt đề nghị di dân dân ngay chứ không để đến sát mới di dời. Việc kiểm soát việc di chuyển trên các sông, qua ngầm năm nào sau cơn bão cũng xảy ra thiệt hại sinh mạng cần có kế hoạch bố trí trong tình huống xảy ra mưa lũ phải có người canh gác hướng dẫn cho dân để bảo vệ sinh mạng của người dân”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.
Sau khi nghe ý kiến tham luận từ phía Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Trung tâm dự báo KTTVTW và các địa phương như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Ninh Thuận, Cà Mau, Kiên Giang và các thành viên Ban chỉ đạo. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, hiện công tác dự báo vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, tiến độ đầu tư cho các chương trình phòng chống thiên tai còn hạn chế, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn còn yếu và thiếu, do vậy cần ưu tiên rà soát các nguồn vốn để tăng cường cho những dự án thiết yếu phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ NN- PTNT chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan rà soát, tổng hợp đề xuất nhu cầu của các địa phương trong việc hỗ trợ kinh phí khắc phục hạn hán xâm nhập mặn, đồng thời tổng hợp, đề xuất với Chỉnh phủ bố trí nguồn vốn cấp thiết nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu cho công tác phòng chống thiên tai như công tác dự báo, sữa chữa, nâng cấp các công trình đê điều, thủy lợi, hồ đập, khu neo đậu tàu thuyền, di dân, tái định cư, trồng rừng phòng hộ đầu nguồn…./.