Chủ tịch Quảng Nam: Xử lý người đứng đầu khi giải ngân vốn đầu tư công trì trệ
VOV.VN - Quảng Nam có tới 94 dự án trọng điểm trên địa bàn chậm tiến độ. Vì vậy, cần loại bỏ tình trạng “sân trước”, “sân sau” và kiên quyết xử lý người đứng đầu thiếu trách nhiệm khi tỷ lệ giải ngân trì trệ kéo dài.
Tại Kỳ họp thứ 28, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X diễn ra chiều nay 5/12, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, có tới 94 dự án trọng điểm trên địa bàn chậm tiến độ. Vì vậy, cần loại bỏ tình trạng “sân trước”, “sân sau” và kiên quyết xử lý người đứng đầu thiếu trách nhiệm khi tỷ lệ giải ngân trì trệ kéo dài.
Đến ngày 29/11, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tại tỉnh Quảng Nam là 5.235 tỷ đồng trên tổng số vốn 9.096 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 58%, cao hơn cùng kỳ năm 2023 (55,2%) và cao hơn tỷ lệ giải ngân bình quân trên cả nước (54,4%). Với tiến độ giải ngân hiện nay, tỉnh Quảng Nam rất khó đạt mục tiêu giải ngân đạt 95% khi niên hạn đầu tư kết thúc. Đến nay, tại tỉnh Quảng Nam vẫn còn nhiều dự án có tiến độ giải ngân 0%. Nhiều nguồn vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19 được Quốc hội thông qua từ năm 2022 có tiến độ giải ngân quá chậm, nguy cơ phải trả lại vốn.
Tình hình giải ngân đầu tư công vốn nước ngoài ODA giẫm chân tại chỗ. Các đại biểu boăn khoăn khi Dự án đầu tư, sửa chữa 37 trạm y tế tại tỉnh Quảng Nam, sử dụng vốn vay và vốn không hoàn lại của Ngân hàng Phát triển châu Á, bố trí vốn từ năm 2023 đến nay nhưng tỷ lệ giải ngân chỉ 0%.
Dự án này thuộc Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới cơ sở y tế vùng khó khăn do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư, tổng vốn hơn 176 tỷ đồng. Đại biểu đặt vấn đề về trách nhiệm của chủ đầu tư khi phải mất 5 năm mới hoàn thành thủ tục phê duyệt dự án? Các đại biểu đề nghị làm rõ các thủ tục này ách tắc ở sở, ngành nào và xử lý trách nhiệm các cá nhân liên quan.
Đại biểu Trần Thị Bích Thu, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Quảng Nam đặt câu hỏi, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư, xây dựng Quảng Nam sẽ chịu trách nhiệm thế nào nếu nguồn vốn này bị thu hồi?
“Nếu đến thời hạn mà các công trình vẫn chưa hoàn thành, kinh phí bị thu hồi thì Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý đầu tư, xây dựng Quảng Nam đề xuất giải pháp nào để tiếp tục thi công, hoàn thành các trạm y tế này, đảm bảo công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ người dân” - bà Thu đặt câu hỏi.
Các đại biểu “nóng ruột” khi thời hạn giải ngân vốn nhiều dự án sắp hết. Nguy cơ phải trả lại vốn là điều khó tránh khỏi. Sự yếu kém cùng tâm lý sợ sai của các cơ quan tham mưu và chủ đầu tư khiến các dự án chậm tiến độ.
Ông Huỳnh Xuân Sơn, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam giải thích, Dự án đầu tư, sửa chữa 37 trạm y tế tại tỉnh Quảng Nam triển khai trong thời gian từ năm 2019 đến năm 2025, tuy nhiên mất đến gần 4 năm thực hiện khảo sát và các thủ tục khác.
“Thủ tục rườm rà, nhiều bước, quy trình rất mất thời gian. Ngày 7/12 tới chúng tôi sẽ tổ chức chấm thầu, khẩn trương trao thầu trong năm 2024. Ngay" đầu năm 2025 sẽ triển khai thi công, đảm bảo hoàn thành trong năm 2025” - ông Sơn giải trình.
Nhiều năm liền các dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư liên tục chậm tiến độ, tỷ lệ giải ngân thấp nhất trong tỉnh. Lãnh đạo tỉnh nhiều lần phê bình năng lực yếu kém của lãnh đạo đơn vị này, thậm chí ra “tối hậu thư” sẽ thay thế người đứng đầu nếu kết quả giải ngân tiếp tục tụt dốc. Thế nhưng, cho đến nay chưa một cá nhân nào bị xử lý trách nhiệm?
Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chỉ ra thực tế, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam những năm qua có tới 94 dự án lớn chậm tiến độ. Nguồn vốn nhà nước “ngâm trong kho bạc” gây lãng phí nguồn lực. Nhiều lãnh đạo, sở, ngành, địa phương vẫn tỏ ra thiếu trách nhiệm đôn đốc tiến độ giải ngân.
Ông Lê Văn Dũng khẳng định: “Phải kiên quyết không có sân trước, sân sau, không lợi ích nhóm mới giải ngân được. Không nên đổ lỗi, biện minh lý do này, lý do khác. Tại sao cùng một cơ chế mà nơi này làm tốt còn nơi kia thì không làm được? Cán bộ lãnh đạo nào thiếu trách nhiệm thì phải có biện pháp xử lý nghiêm. Sắp tới tỉnh sẽ kiên quyết xử lý những chủ đầu tư để tỷ lệ giải ngân trì trệ kéo dài thì sẽ điều chuyển vị trí. Chủ tịch UBND huyện mà 2 đến 3 năm để giải ngân trì trệ thì cũng xem xét điều chuyển".