Chủ tịch tỉnh Sơn La nói gì về Đề án xây dựng quần thể tượng đài?
VOV.VN - Chủ tịch tỉnh Sơn La: Đề án xây dựng Tượng đài Bác Hồ là công trình lớn, có ý nghĩa sâu sắc đối với tỉnh Sơn La nói riêng và đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc.
PV: Thưa ông, dư luận cho rằng Sơn La là một tỉnh nghèo, xây tượng quần thể tượng đài Bác Hồ với kinh phí 1.400 tỷ là quá lớn. Là Chủ tịch tỉnh, ông có suy nghĩ như thế nào?
Ông Cầm Ngọc Minh: Trước hết tôi xin khẳng định, thông tin xây tượng đài Bác Hồ 1.400 tỷ, cũng như thông tin các bộ ngành liên quan không biết việc xây tượng đài này là không chính xác.
Thực tế, Tỉnh ủy Sơn La đã có chủ trương và đã có báo cáo Ban Bí thư Trung ương Đảng, các bộ, ngành Trung ương về việc xây dựng Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại thành phố Sơn La từ năm 2014.
Chủ trương này của Tỉnh ủy Sơn La sau đó đã được Ban Bí thư Trung ương Đảng cho ý kiến tại văn bản số 8462-CV/VPTW ngày 15/8/2014; được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030 tại Văn bản số 2124/TTg-KGVX ngày 30/10/2014. Đồng thời, được các bộ ngành Trung ương đồng tình ủng hộ.
Ông Cầm Ngọc Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV |
Cụ thể là Bộ VH-TT và DL tại văn bản số 3713/BVHTTDL-MTNATL ngày 20/10/2014: Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 3945/BKHĐT-LĐVX ngày 23/6/2014; Bộ Tài chính tại văn bản số 8634/BTC-ĐT ngày 27/6/2014. Tại các văn bản pháp lý trên, các bộ đều thể hiện quan điểm đồng tình, ủng hộ.
Từ những cơ sở pháp lý quan trọng trên đây, tỉnh Sơn La đã xây dựng đề án xây dựng Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại thành phố Sơn La và trình HĐND tỉnh thông qua đề án tại Nghị quyết số 127/NQ-HĐND ngày 8/7/2015 vừa qua. Đề án này gồm nhiều nội dung quan trọng, thiết thực trong quá trình phát triển xây dựng thành phố Sơn La trở thành đô thị loại 2 vào năm 2020 phù hợp với yêu cầu của Chương trình phát triển đô thị được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 7/11/2012.
Con số tổng mức đầu tư khoảng 1.400 tỷ chỉ là con số khái toán ban đầu cho toàn bộ Đề án, kể cả kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư. Trong đó chi phí xây dựng tượng đài Bác Hồ khoảng 200 tỷ, tính ra, trong trong 4 năm triển khai, bình quân mỗi năm là 50 tỷ.
Về nguồn vốn, Đề án được triển khai theo phương án cân đối từ nhiều nguồn vốn, bao gồm: vốn ngân sách, vốn chỉnh trang đô thị, khai thác từ quỹ đất và huy động vốn xã hội hóa…
Sơn La còn là một tỉnh nghèo. Chính vì điểm xuất phát này mà những thế hệ lãnh đạo tỉnh trước đây và chúng tôi hiện nay luôn luôn đau đáu nỗi niềm đưa tỉnh vươn lên thoát nghèo. Và tôi xin khẳng định, Đề án xây dựng tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc không nằm ngoài lộ trình vươn lên đó.
PV: Xin ông cho biết cụ thể hơn, vì sao Sơn La lại có ý tưởng xây dựng Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc?
Ông Cầm Ngọc Minh: Ý tưởng được bắt nguồn từ một sự kiện rất đáng nhớ vào năm 1959. Năm đó, nhân dịp kỷ niệm 5 năm ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ,
Bác Hồ cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đồng chí Tố Hữu, Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch và Đoàn đại biểu Chính phủ về thăm, nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ và đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại tỉnh Sơn La – thủ phủ của vùng Tây Bắc – Khu tự trị Thái – Mèo.
Chủ tịch Hồ chí Minh đã thay mặt Chính phủ trao tặng Huân chương Lao động Hạng Nhất cho quân, dân, chính Đảng Khu tự trị Thái – Mèo về những thành tích trong kháng chiến và tiến bộ trong hòa bình. Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử quan trọng, cổ vũ, động viên sâu sắc đối với Đảng bộ, chính quyền, chiến sỹ lực lượng vũ trang nhân dân các dân tộc Tây Bắc và tỉnh Sơn La.
Để khắc ghi sự kiện lịch sử này, thể hiện tình cảm sâu nặng, lòng thành kính, biết ơn của nhân dân các dân tộc Tây Bắc nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng đối với Bác Hồ; thông qua đó giáo dục tinh thần đại đoàn kết dân tộc, trung với Đảng, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, truyền thống yêu nước của thế hệ hôm nay và mai sau, Tỉnh ủy Sơn La đã đề ra chủ trương xây dựng Đề án Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc tỉnh Tây Bắc.
Đề án Đặt ra nhiều mục tiêu. Thứ nhất là tạo ra một thiết chế văn hóa đặc biệt quan trọng mang tính lịch sử và di sản văn hóa vô giá thể hiện tình cảm sâu nặng, lòng thành kính, biết ơn của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Tây Bắc đối với Bác Hồ, giáo dục lòng yêu nước, tinh thần cách mạng cho các thế hệ.
Thứ hai là góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật của thành phố Sơn La, từng bước hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại II vào năm 2020, khẳng định vị thế thành phố sơn La là đo thị Trung tâm của tiểu vùng Tây Bắc. Thứ ba là sắp xếp, ổn định cuộc sống cho một bộ phận nhân dân thành phố Sơn La.
Phối cảnh tổng thể Đề án xây dựng Tượng đài Bác Hồ tại TP Sơn La |
Ông Cầm Ngọc Minh: Đề án triển khai trên tổng diện tích khoảng 20 ha. Nhóm Tượng đài gắn liền với Lễ đài, phù hợp không gian Quảng trường. Nhóm Tượng đài là một điểm nhấn của Đề án, tuy nhiên, trên điện tích 20 ha đó còn có nhiều công trình hết sức quan trọng và cần thiết khác, không thể không làm trong quá trình phát triển của tỉnh Sơn La, cũng như xây dựng thành phố Sơn La trở thành đô thị loại II vào năm 2020 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Nói về Quảng trường thì đến nay Sơn La là tỉnh duy nhất trong cả nước chưa có quảng trường, chưa có công viên cây xanh. Có một thực tế là hơn 10 năm vừa qua Sơn La phải gồng mình, dồn sức lo cho việc di dời 12.584 hộ dân ra khỏi vùng ngập Thủy điện Sơn La để cả nước có thêm nguồn thủy điện quan trọng, nay mới có điều kiện tính đến chỉnh trang đô thị xứng tầm với vị trí Đô thị trung tâm của Tiểu vùng Tây Bắc.
Theo Đề án, Quảng trường sẽ đảm bảo đủ điều kiện để tổ chức các hoạt động chính trị - văn hóa của khu vực Tây Bắc và của tỉnh Sơn La trong các ngày lễ lớn; đồng thời là nơi sinh hoạt cộng đồng thường xuyên của nhân dân thành phố Sơn La.
Một số công trình khác trong Đề án cũng là công trình phải triển khai. Đó là Trụ sở làm việc của HĐND, UBND, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La, cùng các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Sơn La, bởi các trụ sở hiện tại sẽ phải di chuyển ra khỏi Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La theo Quyết định số 2408/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính Phủ. Trong Đề án, còn có Khu đô thị nhà ở và dịch vụ, hệ thống giao thông, khuôn viên cây xanh, và nhiều công trình công cộng có ý nghĩa khác…
PV: Ông có suy nghĩ gì về một số thông tin chưa chính xác trên công luận vừa qua xung quanh đề án này?
Ông Cầm Ngọc Minh: Đây là công trình lớn, có ý nghĩa sâu sắc đối với tỉnh Sơn La nói riêng và đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc nói chung nên dư luận quan tâm là tất yếu. Chúng tôi cảm ơn những thông tin chính xác và mang tính xây dựng. Đồng thời, với những thông tin chưa được chính xác, với chúng tôi, thì cũng có tác động tích cực, càng làm cho chúng tôi có quyết tâm chính trị và ý thức trách nhiệm lớn hơn đối với Đề án Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc.
Trước những thông tin đó, một mặt chúng tôi công khai minh bạch thông tin để dư luận hiểu đúng vấn đề; mặt khác, chúng tôi càng quyết tâm làm hết trách nhiệm của mình đối với công trình quan trọng và mang ý nghĩa đặc biệt này tại thành phố Sơn La – một thành phố đang xây dựng để trở thành Đô thị Trung tâm của Tiểu vùng Tây Bắc.
Vừa qua, chúng tôi đã tổ chức một Đoàn công tác đến nhiều tỉnh có tượng đài như Thái Bình, Nghệ An, Tuyên Quang… để nghiên cứu, rút kinh nghiệm, bỏ đi những hạng mục không cần thiết, để xây dựng Đề án Tượng đài của Sơn La thực sự có ý nghĩa và hiệu quả.
Hiện nay, chúng tôi đang tập trung chỉ đạo nghiêm túc việc nghiên cứu lập và phê duyệt dự án đảm bảo Đề án mang tên Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc thực sự đảm bảo 3 tiêu chí: thiết thực, tiết kiệm và hiệu quả.
PV: Xin cảm ơn ông./.