Chưa thể áp dụng đại trà phương pháp giảng dạy mới

(VOV) -Khi triển khai đại trà một phương pháp giảng dạy mới, Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu kỹ về cơ sơ vật chất, giáo viên... ở từng địa phương.

Bắt đầu từ năm học 2014-2015, Bộ GD-ĐT sẽ áp dụng phương pháp giảng dạy mới mang tên “Bàn tay nặn bột” (BTNB) đại trà ở bậc THCS trên toàn quốc. Phương pháp giảng dạy BTNB được thực hiện theo cách thức học sinh được chia nhóm, cùng bàn thảo về một chủ đề và được thực hành nhiều hơn. Giáo viên sẽ là trung tâm hướng dẫn cách học cho học sinh và chuẩn bị vật liệu thí nghiệm để các em thực hành. Phương pháp này sẽ giúp giáo viên và học sinh năng động hơn trong cách giảng dạy-học tập.

Học sinh trường THCS Phú Bài (Thừa Thiên-Huế) trong giờ học với phương pháp "Bàn tay nặn bột" (Ảnh khai thác từ tuvantuyensinh.vn)

Trước khi tiến hành áp dụng đại trà phương pháp này trên toàn quốc, từ năm 2011 cho đến nay, Bộ GD-ĐT đã thực hiện thí điểm tại khoảng 120 trường THCS của 8 tỉnh, thành, với việc áp dụng trên 3 môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học.

Sau gần 2 năm triển khai, đa số giáo viên, phụ huynh và học sinh đều đánh giá cao phương pháp giảng dạy mới này vì đem lại cách thức học tập chủ động cho học sinh và nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, phương pháp BTNB là phương pháp thực hành khoa học. Thực hành ở đây có nghĩa giáo viên và học sinh cùng bắt tay vào làm bài tập chứ không phải chỉ thực hành minh họa. Các tình huống đưa ra được coi như đề tài thảo luận của học sinh, giáo viên sẽ hỗ trợ để học sinh tìm ra cách học mới khoa học và logic.

Tuy nhiên, nhiều giáo viên giảng dạy tại các địa phương cho rằng, chưa thể áp dụng đại trà phương pháp BTNB ở bậc THCS từ năm học 2014-2015.

Cơ sở vật chất còn nghèo nàn

Cô giáo Tạ Thị Xuân, dạy Sinh học tại trường THCS Tàng Loỏng, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai cho biết, đối với một số địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn, con em dân tộc thiểu số đông, đường sá đi lại khó khăn thì phương pháp BTNB được cho là không dễ thực hiện và khó triển khai đại trà từ năm học 2014-2015.

 

Cô Tạ Thị Xuân

Lào Cai có nhiều học sinh là người dân tộc thiểu số nên việc áp dụng phương pháp dạy học BTNB rất khó. Phần lớn các em dân tộc thiểu số đều thuộc diện gia đình nghèo nên nhiều em phải bỏ học giữa chừng hoặc đến lớp thất thường.

Vì vậy, trình độ của học sinh không phải lúc nào cũng có thể tiếp cận với phương pháp giảng dạy mới. Một số em chưa mạnh dạn, năng động, tích cực trong trong giờ học. Nhiều em còn thụ động trong quá trình tiếp thu bài.

Do đặc thù của dạy học theo phương pháp BTNB là có nhiều hoạt động theo nhóm, học sinh hay di chuyển, giáo viên phải đi lại để quan sát, hướng dẫn các nhóm khi cần thiết.

Thế nhưng phần lớn phòng học bộ môn chưa đạt chuẩn, bàn ghế chưa đúng quy cách nên rất khó khăn cho việc bố trí, tổ chức lớp học. Phòng ứng dụng công nghệ thông tin để giáo viên dạy học chưa có hoặc chưa phù hợp; hóa chất và dụng cụ thí nghiệm chưa đáp ứng được theo yêu cầu cần có để thực hiện tiết dạy.

Dạy học bằng phương pháp BTNB đòi hỏi sĩ số học sinh trên một lớp học không quá lớn, cần có không gian phù hợp để bàn ghế kê sao cho các học sinh ngồi đối diện nhau cùng tham gia thực hành thí nghệm hoặc thảo luận nhóm. Thế nhưng, trên thực tế, sĩ số các lớp ở những tỉnh, thành phố lớn còn đông (trung bình từ 40-45 học sinh/lớp), vì thế rất khó khăn trong việc sắp xếp để đảm bảo cho tiết học có hiệu quả.

Bên cạnh yếu tố cơ sở hạ tầng, vật chất của trường học thì vấn đề an toàn phòng chống cháy nổ cũng rất quan trọng. Bởi vì, các môn giảng dạy theo phương pháp BTNB như: Vật lý, Hóa học, Sinh học yêu cầu giáo viên và học sinh phải thực hành trên những vật liệu, vật phẩm hóa học. Nhiều giáo viên rất lo sợ các em học sinh thực hành theo nhóm có thể dễ xảy ra cháy nổ và gây những thiệt hại không thể tiên đoán trước. Thế nhưng, hiện nay, quy chế đảm bảo phòng chống cháy nổ để bảo vệ giáo viên và học sinh giảng dạy cũng như học tập bằng phương pháp mới tại các trường THCS vẫn còn chưa cụ thể, rõ ràng.

Chính vì những lý do trên, theo cô giáo Tạ Thị Xuân, Bộ GD-ĐT cần phối hợp với các địa phương, trường học trong cả nước nghiên cứu nâng cấp cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm và đảm bảo phòng chống cháy nổ khi áp dụng giảng dạy theo phương pháp BTNB. Nếu chưa đủ điều kiện thì không nên áp dụng phương pháp mới này đại trà trên toàn quốc từ năm 2014.

Giáo viên phải dạy nhiều nên khó đạt được chất lượng tốt

Thực hành theo phương pháp giảng dạy BTNB, giáo viên được sáng tạo trên cơ sở bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng cần đạt cho bài học. Với những giáo viên chịu khó đầu tư tìm tỏi, sáng tạo thì sẽ có những tiết học sinh động, hấp dẫn, không nhàm chán, dập khuôn theo tiến trình sách giáo khoa hiện hành. Điều này sẽ tạo nhiều hứng thú, bất ngờ cho học sinh, kích thích được tính chủ động, sáng tạo của các em.

Thầy Hà Huy Hiệp

Tuy nhiên, thầy Hà Huy Hiệp, giáo viên dạy Vật lý, trường THCS Nguyễn Bá Ngọc, quận Lê Chân, Hải Phòng cho rằng, chưa thể đưa phương pháp giảng dạy BTNB ở bậc THCS đại trà trên cả nước từ năm học 2014-2015.

Nguyên nhân là vì bước đầu được làm quen với phương pháp BTNB nên một số giáo viên còn bỡ ngỡ, lúng túng khi xử lý tình huống giảng dạy cho học sinh. Phương pháp giảng dạy mới đòi hỏi giáo viên cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng, chu đáo, dự kiến nhiều tình huống cần giải quyết trong tiết học nên mất rất nhiều thời gian cho công tác chuẩn bị đồ dùng, dụng cụ thí nghiệm. Trong khi đó, ngoài việc giảng dạy, giáo viên còn phải kiêm nhiệm thêm nhiều công việc khác.

Sử dụng phương pháp BTNB mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến thời lượng của toàn tiết học và các môn học khác. Thời gian thực hiện 1 tiết học 45 phút không đảm bảo cho việc ứng dụng phương pháp này. Với thời gian như vậy, giáo viên khó có thể cung cấp những kiến thức toàn diện và kỹ năng thực hành mới cho học sinh. Mặt khác, hiện nay, mỗi giáo viên phải dạy 4-5 tiết khác nhau trong một buổi học. Tính trung bình cả tuần, một giáo viên phải dạy từ 19-20 tiết nên rất khó khăn cho việc chuẩn bị một bài học dạy theo phương pháp BTNB.

Chương trình sách giáo khoa chưa phù hợp với phương pháp mới

Cô giáo Nguyễn Thị Thu, hiện đang giảng dạy môn Hóa học tại trường THCS Hồng Bàng, TP Hải Phòng trăn trở: Hiện nay, cấu trúc, chương trình sách giáo khoa chưa phù hợp với phương pháp BTNB. Sách giáo khoa hiện nay có một số kiến thức chủa bài dạy còn dài dòng và có nhiều phần chưa phù hợp dạy theo phương pháp BTNB. Nguồn tài liệu bổ trợ cho hoạt động tìm tỏi, khám phá của học sinh còn hạn chế.

Cô Nguyễn Thị Thu


Học sinh chỉ lệ thuộc vào nội dung có sẵn trong sách giáo khoa, hạn chế đến việc tìm tòi, tự bộc lộ quan điểm, ý kiến cá nhân.

Một số bài học trong chương trình nặng về lý thuyết, lượng thông tin kiến thức cần truyền tải đến học sinh trong một tiết học khá nhiều, trong khi thời lượng dành cho 1 tiết học chỉ là 45 phút.

Ngoài ra, các trường thiếu tài liệu, sách tham khảo, các loại sách hướng dẫn về phương pháp học mới cho giáo viên.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Thu, Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu để sớm đưa ra chương trình sách giáo khoa mới phù hợp với phương pháp BTNB trước khi áp dụng đại trà phương pháp này trên cả nước. Ngoài ra, để giáo viên dễ áp dụng phương pháp BTNB cần có tài liệu, giáo án mẫu, tranh ảnh để tham khảo, phục vụ cho bài giảng.

Trước những yêu cầu về đổi mới cơ bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam, Bộ GD-ĐT đã đưa ra những phương pháp dạy học mới, trong đó có phương pháp BTNB. Mục đích của việc làm này là nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy-học tập của giáo viên và học sinh.

Tuy nhiên, việc áp dụng đại trà phương pháp này tại các trường THCS trên toàn quốc cần có lộ trình và nghiên cứu kỹ lưỡng. Vì vậy, Bộ GD-ĐT không nên bỏ qua ý kiến đóng góp thiết thực của những người trong cuộc là những giáo viên trực tiếp giảng dạy ở các trường học./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thi tốt nghiệp THPT năm 2013 từ 2-4/6
Thi tốt nghiệp THPT năm 2013 từ 2-4/6

(VOV) -Kỳ thi diễn ra từ ngày 2-4/6. Bộ GD-ĐT sẽ cử thanh tra cắm chốt tại các tỉnh thành trực thuộc Trung ương.

Thi tốt nghiệp THPT năm 2013 từ 2-4/6

Thi tốt nghiệp THPT năm 2013 từ 2-4/6

(VOV) -Kỳ thi diễn ra từ ngày 2-4/6. Bộ GD-ĐT sẽ cử thanh tra cắm chốt tại các tỉnh thành trực thuộc Trung ương.

Sẽ triển khai đại trà phương pháp “Bàn tay nặn bột” bậc THCS
Sẽ triển khai đại trà phương pháp “Bàn tay nặn bột” bậc THCS

(VOV) -Bộ GD-ĐT sẽ tập huấn cho giáo viên cũng như nghiên cứu thay đổi chương trình sách giáo khoa cho phù hợp.

Sẽ triển khai đại trà phương pháp “Bàn tay nặn bột” bậc THCS

Sẽ triển khai đại trà phương pháp “Bàn tay nặn bột” bậc THCS

(VOV) -Bộ GD-ĐT sẽ tập huấn cho giáo viên cũng như nghiên cứu thay đổi chương trình sách giáo khoa cho phù hợp.

Lấy ý kiến đổi mới chương trình giáo dục phổ thông
Lấy ý kiến đổi mới chương trình giáo dục phổ thông

(VOV) - Các đại biểu cho rằng cần có sự phân hóa ở bậc trung học phổ thông để phát huy sở trường của học sinh.

Lấy ý kiến đổi mới chương trình giáo dục phổ thông

Lấy ý kiến đổi mới chương trình giáo dục phổ thông

(VOV) - Các đại biểu cho rằng cần có sự phân hóa ở bậc trung học phổ thông để phát huy sở trường của học sinh.

Hỗ trợ chi phí học tập bằng sách, dụng cụ: Lãng phí?
Hỗ trợ chi phí học tập bằng sách, dụng cụ: Lãng phí?

(VOV) - Phần lớn gia đình đã mua sách, vở, dụng cụ cho con em mình, lớp sau sử dụng lại sách, dụng cụ của lớp trước.

Hỗ trợ chi phí học tập bằng sách, dụng cụ: Lãng phí?

Hỗ trợ chi phí học tập bằng sách, dụng cụ: Lãng phí?

(VOV) - Phần lớn gia đình đã mua sách, vở, dụng cụ cho con em mình, lớp sau sử dụng lại sách, dụng cụ của lớp trước.

Học sinh được nghỉ 5 ngày nhân dịp 30/4, 1/5
Học sinh được nghỉ 5 ngày nhân dịp 30/4, 1/5

(VOV)- Các trường học được nghỉ cuối tuần vào thứ Bảy và Chủ nhật được nghỉ liền 5 ngày, từ ngày 27/5 (thứ Bảy) đến hết ngày 1/5 (thứ Tư)...

Học sinh được nghỉ 5 ngày nhân dịp 30/4, 1/5

Học sinh được nghỉ 5 ngày nhân dịp 30/4, 1/5

(VOV)- Các trường học được nghỉ cuối tuần vào thứ Bảy và Chủ nhật được nghỉ liền 5 ngày, từ ngày 27/5 (thứ Bảy) đến hết ngày 1/5 (thứ Tư)...