Chúng con sống, làm việc hết mình để không phụ lòng Bác
VOV.VN - Đúng Giao thừa, sau lời thơ của Bác “Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!” truyền đi trên làn sóng Đài, quân dân toàn Miền Nam nhất tề nổ súng
Cán bộ, phóng viên nghệ sỹ, kỹ thuật viên, nhân viên Đài Tiếng nói Việt Nam nhiều lần được gặp Bác Hồ ở Phủ Chủ tịch. Ngày lễ trọng, ngày Tết hay có đoàn đại biểu Miền Nam ra thăm, Bác đều mời các đoàn Nghệ thuật đến biểu diễn phục vụ, trong đó có các nghệ sỹ Đài Tiếng nói Việt Nam. Đài phát thanh Quốc gia còn có đặc ân là hàng năm, trước Giao thừa được thu thanh Thơ chúc Tết của Người.
Một trong những kỹ thuật viên được nhiều lần thu thanh thơ Tết của Bác là ông Lê Võ.
Bác Hồ chụp ảnh cùng cán bộ Đài TNVN trong lần đến ghi âm lời chúc Tết của Người. |
Năm 1947, đang là học sinh trường College Cần Thơ, ham chơi đàn măngđôlin, chàng trai trẻ Lê Võ hăng hái tham gia kháng chiến, được làm việc tại Đài Phát thanh Nam Bộ kháng chiến đóng ở Đồng Tháp Mười. Cơ quan có chiếc radio philip để nghe tin tức của Đài Tiếng nói Việt Nam từ Việt Bắc. Ông nhớ như in, vào sáng mùng Một Tết Ta nghe được tiếng nói của Bác Hồ từ Thủ đô Kháng chiến chúc Tết đồng bào, chiến sỹ cả nước. Ông coi như được vinh hạnh gặp bác trên làn sóng phát thanh.
Cuối năm 1954, ông tập kết ra Bắc, được vào làm công nhân phòng Bá âm của Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông ấp ủ khát vọng của người con miền Tây Đô là một lần được gặp Bác Hồ, bằng xường, bằng thịt, thật gần gụi. Ông có nhiều dịp may được gặp Bác, nhưng lần nhớ nhất là lên Phủ Chủ tịch ghi âm thơ chúc Tết của Người mừng năm mới Mậu Thân (1969).
Ông kể:
Không biết người khác thế nào, chứ khi xe qua cổng Đỏ, lòng tôi rộn lên, mắt đảo khắp con đường nhỏ, gốc cây trong khuôn viên Phủ Chủ tịch. Biết đâu được nhìn thấy Bác đang thả bộ, đang nghe chim hót trên cây hay cho cá ăn bên hồ.
Vào phòng làm việc, chúng tôi bố trí máy móc thật nhanh, thật chu đáo. Đang mải mê làm việc thì Bác đến. Bác đi nhanh, đồng chí Vũ Kỳ theo sau. Chúng tôi reo lên: Bác Hồ! Bác ra hiệu cho chúng tôi im lặng rồi ngồi vào đi văng chính giữa phòng. Bác hồng hào, mạnh khỏe. Tôi nhìn Bác thật lâu như ngắm thay cho bà con miệt vườn, sông nước Nam Bộ chưa một lần may mắn được găp Bác.
Tổng biên tập Trần Lâm chúc sức khỏe Bác và xin được thu tiếng Bác đọc thư chúc mừng năm mới đến đồng bào chiến sỹ cả nước và kiều bào ở nước ngoài. Bác đọc thử thư chúc mừng năm mới rồi nhẹ nhàng hỏi:
Các cô, các chú có ý kiến gì đóng góp cho bài của Bác?
Chúng tôi vỗ tay, cười vui. Bác gần gụi mà thân thương quá, không có gì cách biệt giữa người dân và vị Chủ tịch Nước. Như mọi lần, Bác cẩn thận đọc thử, nghe lại rồi đọc chính thức. Cũng như mọi lần Người đọc thư chúc Tết và Thơ Xuân.
Đêm Giao thừa đón nghe Thơ Bác đã thành quen, thành nét đẹp trong Văn hóa Tết của người Việt, dân tộc Việt. Nhưng lần này, thơ Bác phơi phới, giọng Bác hào sảng:
“Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua
Thắng trận, tin vui khắp nước nhà
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
Tiến lên!
Toàn thắng ắt về ta.”
Đồng chí Trần Lâm giới thiệu với Bác là nghệ sỹ ngâm thơ Trần Thị Tuyết ngâm bài thơ Xuân của Người. Bác gật đầu, chị Tuyết cất giọng ngâm tha thiết, điêu luyện. Bác khen giọng ngâm thơ của cháu Tuyết vang, mượt mà, tình cảm. Bác cũng nhắc mọi người làm đã hay thi cố gắng làm hay hơn để làn sóng của Đài phục vụ nhân dân được nhiều hơn, tốt hơn.
Chúng tôi nấn ná, muốn được ở bên Bác nhiều hơn, lâu hơn, nhưng thời gian của Người dành cho chúng tôi thật ít ỏi.
Trước khi ra về Bác tặng anh Trần Lâm lẳng hoa tươi và Thiệp hồng Chúc mừng năm mới đến cán bộ, nhân viên Đài Tiếng nói Việt Nam cùng gói kẹo cho các cô, các cháu ở nhà. Riêng cánh đàn ông chúng tôi có mặt hôm ấy được Bác cho mỗi người một điếu thuốc lá thơm.
Đúng Giao thừa, sau lời thơ của Bác “Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!” truyền đi hùng tráng trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, quân dân toàn Miền Nam nhất tề nổ súng, tiến công và nổi đậy, nổi dậy và tiến công, đánh thẳng vào dinh lũy của kẻ thù.
Lời Bác gọi ấy là lời Sông Núi.
Lời Bác gọi, ấy là Mùa Xuân đến.
Tôi tâm đắc, tôi nhớ mãi lời bình sau tin chiến thắng vang dội trong bản tin Thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam chiều mùng Một Tết Mậu Thân, 1968.
Ông Lê Võ kể lại những kỷ niệm vô giá này cho chúng tôi nghe, giữa thành phố Cần Thơ đang đổi mới, đang thay da đổi thịt, khi ông ở tuổi “xưa nay hiếm”.
Ngoài kia, dòng sông Hậu miệt mài chở nặng phù sa cùng hoa lục bình tím tía lảng đảng trôi về biển.
Ông thợ già bá âm Lê Võ chấp tay thành kính trước chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ông muốn trước khi nhắm mắt xuôi tay được ra Hà Nội, vào Lăng viếng Bác một lần sau chót. Ông muốn nói với Bác ngàn lần xin lỗi vì con cháu không kịp sớm giải phóng Miền Nam đặng rước Bác vô thăm, nhưng chúng con đã sống hết mình, chiến đấu và làm việc hết mình, không hỗ thẹn với Bác, không phụ lòng thương yêu vô vàn của Người đã để lại cho chúng con./.