Chứng minh nhân dân thành thẻ căn cước công dân?
Có 4/27 thành viên Chính phủ đồng ý với phương án 2 là đổi tên CMND thành thẻ căn cước công dân
Bàn về dự luật Căn cước Công dân tại Chính phủ cuối tuần qua, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường nêu đề xuất đổi tên chứng minh nhân dân thành thẻ căn cước công dân. Văn phòng Chính phủ cũng đồng ý với phương án này.
Dự thảo luật Căn cước Công dân đưa ra phương án đổi tên CMND thành Thẻ Căn cước Công dân. |
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, Bộ Công an được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng luật Căn cước công dân. Ngày 20/1/2014 vừa qua, Bộ Công an đã có tờ trình gửi đến Chính phủ xem xét về dự án luật này.
Khi đó, Văn phòng Chính phủ đã gửi phiếu xin ý kiến các thành viên Chính phủ về 3 vấn đề quan trọng thuộc nội dung dự luật mà còn có nhiều ý kiến khác nhau và đã thu về được 24 phiếu ý kiến.
Vấn đề đầu tiên – tên gọi của giấy chứng minh nhân dân (CMND), có 20/24 thành viên Chính phủ đồng ý phương án 1 quy định CMND là thẻ căn cước của công dân Việt Nam, là giấy tờ tùy thân do cơ quan có thẩm quyền cấp từ cơ sở dữ liệu căn cước công dân cho người từ 15 tuổi trở lên, là chứng nhận căn cước để người dân sử dụng trong giao dịch, đi lại trong lãnh thổ Việt Nam.
Có 4/27 thành viên Chính phủ đồng ý với phương án 2 là đổi tên CMND thành thẻ căn cước công dân.
Thẩm tra tờ trình của Bộ Công an trước đó về đề nghị đổi tên CMND thành Thẻ căn cước Công dân, Bộ Tư pháp cho rằng, việc này nhằm đảo bảo tính thống nhất giữa tên gọi của loại giấy tờ tùy thân này với tên gọi của dự án luật. Bộ Tư pháp nhận định, lập luận này là hợp lý.
Mặt khác, Bộ Tư pháp cũng cho một “phiếu thuận” với phương án này vì thông lệ, nhiều nước hiện nay đều đã sử dụng Thẻ căn cước.
Theo đó, dự thảo luật có quy định về điều khoản chuyển tiếp để vẫn đảm bảo tính pháp lý của hệ thống CMND đã cấp và đảm bảo nội dung phù hợp với thẻ căn cước công dân sau này.
Về thẩm quyền cấp, quản lý Thẻ căn cước công dân, đa số các thành viên Chính phủ đồng tình phương án giao cho Bộ Công an. Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cũng nhận định phương án này là hợp lý vì Bộ Công an là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý nhà nước về căn cước công dân.
Đề đảm bảo tính đồng bộ với hệ thống pháp luật, Bộ Tư pháp cũng có ý kiến cho rằng, dự thảo luật có những nội dung chưa phù hợp liên quan đến các văn bản quy định về quản lý hộ tịch, quản lý cư trú… gắn với cải cách thủ tục hành chính liên quan đến giấy tờ công dân. Phương án chỉnh lý đã được Bộ Công an tiếp thu, giải trình. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đặt vấn đề, đây là vấn đề quan trọng, không chỉ liên quan đến các quy định về quản lý dân cư, công dân mà còn liên quan đến việc đơn giản hóa thủ tục, đảm bảo các quyền tự do con người, quyền công dân. Văn phòng Chính phủ đề nghị Bộ Tư pháp có ý kiến cụ thể hơn về hướng xử lý các vấn đề.
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường phân tích, Thẻ căn cước công dân là căn cứ pháp lý vô cùng quan trọng để chứng minh một con người có quốc tịch của một đất nước (ở đây là Việt Nam); để người dân thực hiện các quyền của mình (quyền giao dịch, đi lại…); bảo đảm cho nhà nước quản lý được dân cư, xã hội và phòng chống tội phạm. Đây cũng là một nội dung nằm trong Đề án đơn giản hóa thủ tịch hành chính và giấy tờ về dân cư mà Thủ tướng đã phê duyệt. Theo đó, Thủ tướng đã cho lập một Ban chỉ đạo để thực hiện đề án. Bộ trưởng Hà Hùng cường đề nghị Ban chỉ đạo xem xét, cho ý kiến nội dung này trước khi trình Thủ tướng quyết định.
Chính phủ thống nhất trong tháng 2 sẽ tiếp tục thảo luận về dự án luật này để kịp trình Quốc hội cho ý kiến trong tháng 5 tới./.