Chung tay xóa nghèo vùng biên
VOV.VN -Vùng đất di sản Mù Căng Chải đang thay đổi, cái đói, cái nghèo từng bước bị đẩy lùi, điện, đường, trường, trạm dần được hoàn thiện.
Sau gần chục năm có dịp trở lại Chế Cu Nha – xã vùng cao của huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái từ lâu đã nổi tiếng bởi những thửa ruộng bậc thang vắt vẻo lưng núi. Vùng đất di sản đang thay đổi, cái đói, cái nghèo từng bước bị đẩy lùi, điện, đường, trường, trạm dần được hoàn thiện.
Giữa mùa tháng Ba, nắng vàng rực rỡ, trời Tây Bắc xanh và sâu thăm thẳm cũng là lúc bà con người Mông bắt đầu dẫn nước vào ruộng chuẩn bị cày cấy. Những thửa ruộng bậc thang uốn lượn, quanh co như sợi chỉ mềm tạc vào vách núi được đánh thức sau một giấc ngủ đông dài, nước luênh loáng như những tấm gương soi giữa bốn bề mây núi. Tiếng quát trâu í ới, âm thanh từ những chiếc máy cày nhỏ xen tiếng hát dân ca trong trẻo của các cô gái Mông xua tan vẻ tĩnh mịch của rừng chiều. Cả miền di sản đang hối hả vào vụ.
Thay đổi tư duy để làm giàu
Giữa trưa, ông Hờ A Hừ, Trưởng bản Trống Tông mới buông tay cày nghỉ ngơi. Đưa ánh mắt tràn đầy lòng biết ơn về phía tràn ruộng, ông Hừ rưng rưng niềm xúc động: “Năm nay, trời mưa sớm nên bà con tranh thủ làm đất đón nước vào ruộng. Hầu hết diện tích canh tác của bà con đều ở trên núi cao nên muốn sản xuất được đều trông vào nước trời. Trải qua bao đời kiên trì và nhẫn nại, bà con mới tạo được nơi cày cấy này”.
Trưởng bản Hừ còn thông báo một tin vui, Trống Tông là bản đầu tiên của xã có triệu phú nhờ chăn nuôi giỏi.
Theo lời giới thiệu, chúng tôi tìm đến khu thả dê của anh Hờ Nủ Páo. Vượt 10km đường quanh co, dốc nối dốc xuyên qua tán rừng mới đến nhà anh Páo. Vợ chồng Páo vừa đi rừng về. Chưa kịp mời khách lên nhà, Páo bắc loa tay lên miệng gọi “mai, mai…”.
Tiếng hú âm vang luồn qua muôn vàn mắt lá rừng như hiệu lệnh của ông chủ gọi đàn dê về. Chỉ lát sau, từ bốn ngả đường đổ về trang trại, đám dê mẹ, dê con nô nức kéo về.
Với tay lấy gói muối bên hiên ra đứng giữa bãi đất trống, đàn dê lập tức bu lấy anh. Đám dê thèm muối như trẻ em khát sữa mẹ vậy. “Thi thoảng phải cho ăn muối thì chúng mới về đúng giờ”, anh Páo giải thích.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó, bố anh mất sớm. Tuổi thơ của Páo gắn liền với cái đói, cái nghèo, hầu như năm nào gia đình anh cũng thiếu ăn 4-5 tháng. Sống mãi trong cảnh bần hàn khiến Páo đau đáu nghĩ cách thoát nghèo.
Cách đây 10 năm, khi gom góp được 1 triệu đồng. Páo mua lại một con dê cái của người dân trong xã. Thời gian đầu, anh nuôi con dê ngay bên nhà. Sau 1 năm, con dê bắt đầu sinh sản. Liên tiếp các năm sau đó, con dê này đẻ sòn sòn, 1 năm 3 lứa. Chẳng mấy chốc đàn dê của Páo đã lên đến cả chục con.
Mỗi con dê Páo bán được 3-4 triệu đồng, trị giá hơn cả tấn ngô. Nuôi dê nhàn hạ, dễ chăm sóc lại không mất tiền mua thức ăn cho chúng, nghĩ vậy nên anh Páo quyết định đưa đàn dê vào bãi chăn thả của bản, chứ không nuôi ở nhà nữa.
Quyết định đúng đắn này của anh Páo đã gặt hái được thành công không nhỏ. Anh thả lũ dê cả ngày ngoài rừng, chiều chúng tự về chuồng. Vợ chồng anh dựng lán ở trong rừng, vừa chăm dê vừa trồng cây sơn tra, chăm sóc vườn thảo quả. Cây sơn tra cho thu hoạch quả lại có cỏ cho dê ăn. Từ một hộ dân suốt nhiều năm liền có tên trong danh sách hộ nghèo của bản, giờ anh Páo đã đưa mình vươn lên trở thành hộ giàu nhất bản Trống Tông.
Mô hình nuôi lợn nái sinh sản của gia đình anh Khang A Lềnh ở bản Dề Thàng cũng đang mang lại hiệu quả thiết thực. Mấy năm trước đây, cuộc sống gia đình anh Lềnh còn nhiều khó khăn, diện tích gieo cấy lúa nước ít.
Từ năm 2013, nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm anh Lềnh mạnh dạn đầu tư xây chuồng trại nuôi lợn nái. Anh Lềnh thường xuyên vệ sinh chuồng trại, chủ động phòng, chống dịch bệnh và đầu tư chăm sóc tốt nên ngay từ lứa lợn đầu tiên, con lợn nái của gia đình anh Lềnh đã đẻ được 7 con lợn giống. Sau 3 năm nuôi lợn nái, giờ nhà anh Lềnh là nơi cung cấp lợn giống cho toàn bản. Trừ chi phí, mỗi năm anh Lềnh thu được 30 triệu đồng tiền lãi.
“Tiếp sức” cho bà con thoát nghèo
Những điểm sáng về kinh tế đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều ở Chế Cu Nha. Nỗ lực không ngừng là phẩm chất quý báu của bà con người Mông nơi đây. Tuy nhiên, sự nỗ lực đó mới chỉ ở từng hộ gia đình riêng lẻ.
Sống giữa miền di sản, nhưng các hộ dân nơi đây lại luôn gặp khó khăn trong việc kiếm sống. Dân số ngày một tăng lên, đất canh tác không được mở rộng, nên nhiều hộ gia đình dễ rơi vào cảnh nghèo khó. Chế Cu Nha có 6 bản, người Mông chiếm trên 97% dân số. Đến giờ xã vẫn còn cả trăm hộ nghèo. Đây là một vấn đề nan giải từ nhiều năm nay mà bản thân chính quyền xã và địa phương cũng chưa thể giải quyết trong ngày một ngày hai được.
Theo lý giải của ông Hờ A Hừ, Chủ tịch UBND xã Chế Cu Nha, nguyên nhân là do bà con thiếu đất sản xuất và thiếu vốn. Đặc biệt là những đôi vợ chồng trẻ mới tách ra. Diện tích ít ỏi đó, không đủ cung cấp lương thực cho gia đình họ.
“Cuộc sống của bà con nơi đây phần đông trông cả vào nông nghiệp. “Mô hình nuôi dê, nuôi lợn nái, trồng rau cải sạch… đã bước đầu mang lại thu nhập cao cho bà con. Chế Cu Nha còn nhiều bãi thả gia súc rất rộng, nếu như bà con có vốn đầu tư vào chăn nuôi sẽ là hướng thoát nghèo nhanh chóng”, ông Hừ cho biết.
Trong rất nhiều khó khăn mà bà con người Mông nơi đây gặp phải là thiếu vốn để đầu tư cho chăn nuôi. Một tin vui vừa đến với bà con xã Chế Cu Nha, 25 hộ dân của xã vừa được Chương trình chung tay vì cộng đồng “Bò giống giúp người nghèo biên giới” do Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel triển khai hỗ trợ 25 con bò. Đây là cơ hội để cho các hộ dân này vươn lên thoát nghèo. Gia đình chị Giàng Thị Mỵ ở bản Dìn Thàng là hộ được nhận bò hỗ trợ trong đợt vừa qua. Từ hôm được nhận bò, gia đình chị tất bật và vui hẳn lên. Mỗi khi đi nương, đi rẫy, chị Mỵ đều dắt theo chú bò theo. Hai đứa con trai đang tuổi ăn, tuổi học, nhưng cứ lúc nào rảnh là chúng lại ra vườn cắt cỏ cho bò ăn. Chú bò tơ giờ đã trở thành người bạn thân thiết của gia đình. Chị Mỵ bảo, nhờ chăm sóc tốt mà chú bò này béo mầm. Nó cũng đã quen với việc được cả nhà săn sóc như một thành viên trong gia đình.
Tất cả những hộ dân được nhận bò ở xã Chế Cu Nha đều là hộ nghèo. Cùng chung niềm vui với gia đình chị Mỵ, gia đình anh Lù A Súa ở bản Háng Tầu Dê cũng được nhận bò hỗ trợ. Nhà anh Súa nghèo lắm. Mỗi năm vẫn thiếu ăn vài ba tháng. “Chưa bao giờ tôi nghĩ, vợ chồng tôi lại được hỗ trợ cả một con bò. Chúng tôi xác định chăm sóc chú bò này thật tốt. Sang năm là nó có thể sinh sản rồi. Từ con bò này, vợ chồng tôi có thể nhân lên nhiều con bò nữa”. Niềm vui của anh Súa đã được biến thành động lực để vợ chồng anh vươn lên thoát nghèo. Những thửa đất trống xung quanh nhà, được anh trồng kín cỏ voi để làm thức ăn cho bò.
Suy nghĩ của anh Súa thật đáng khen ngợi, từ một con bò, sau mỗi năm, nếu như bà con biết chăm sóc, nâng niu nó sẽ nâng lên thành 2 con rồi 3 con. Thiết nghĩ, các gia đình nơi đây nhận được hỗ trợ bò, nếu như họ cố gắng và nỗ lực, chắc chắn rồi họ cũng có thể vươn lên làm giàu như anh Páo từ một con dê ban đầu, giờ anh đã có cả một đàn dê./.