Chương trình cho vay lãi suất ưu đãi giúp người dân Ba Tơ thoát nghèo

VOV.VN - Nhiều năm qua, từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều gia đình khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở huyện miền núi Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi có được nguồn vốn phát triển kinh tế bền vững. Nhiều mô hình trồng keo kết hợp chăn nuôi giúp bà con từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Gia đình bà Đinh Thị Thu, đồng bào dân tộc Hre ở thị trấn Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi từ một hộ nghèo nay đã có nguồn thu nhập đáng kể qua từng năm. Bà Thu năm nay 60 tuổi, có 4 người con đi học xa. Trước đây, cuộc sống gia đình khó khăn, bà Thu vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội 50 triệu đồng để trồng 3 ha keo và chăn nuôi bò, lợn, gà, trồng thêm một số cây ăn quả.

Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, cứ thế trang trại nuôi bò, lợn ngày một tăng về số lượng. Bà tiếp tục được vay vốn đầu tư sản xuất, mở rộng diện tích trồng keo.

Hiện trung bình mỗi năm, gia đình bà Đinh Thị Thu có thu nhập hơn 100 triệu đồng, cuộc sống ổn định và thoát nghèo bền vững. “Khi được tiếp cận vốn vay ngân hàng chính sách, gia đình tôi trồng keo và chăn nuôi. Từ keo mình bán keo mua thêm bò, lợn, chăn nuôi dần và mua thêm đất đai, tạo thêm ruộng vườn đến nay cuộc sống gia đình tạm ổn”, bà Thu cho biết.

Tương tự, hộ gia đình ông Phạm Văn Đá cũng là một trong những hộ đồng bào dân tộc thiểu số Hre phát triển kinh tế từ mô hình trồng trọt, chăn nuôi. Từ nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ba Tơ, ông Đá đầu tư đào ao nuôi cá diêu hồng, cá chim, nuôi chim bồ câu, ốc bưu đen mang lại hiệu quả cao. Mỗi năm, trừ hết chi phí, ông Đá thu nhập 150 triệu đồng và trở thành một trong những mỗ hình phát triển bền vững ở huyện miền núi Ba Tơ.

Ông Phạm Văn Đá cho biết: “Nhiều người cũng lên đây xem mô hình của tôi để học hỏi. Một số anh em cũng mua cá, ốc bưu về để làm giống. Tôi rất mừng vì có ngân sách của nhà nước hỗ trợ như vậy”.

Đến thời điểm này, chỉ tính riêng thị trấn Ba Tơ, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi đã có hơn 900 hộ dân vay hơn 55 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi để phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại thu nhập ổn định. Hiện, toàn huyện Ba Tơ có gần 7.900 hộ dân vay vốn lãi suất ưu đãi với tổng dư nợ hơn 450 tỷ đồng.

Từ ngồn vốn vay này, bà con mạnh dạn xây dựng các mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi hiệu quả, chỉ sau 1 đến 2 năm đã trả hết nợ ngân hàng và tiếp tục vay để mở rộng mô hình, phát triển kinh tế bền vững. Nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất ưu đãi đã góp phần thúc đẩy hơn 5.000 hộ dân ở huyện miền núi Ba Tơ thoát khỏi hộ nghèo, hơn 1.200 lượt học sinh, sinh viên được vay vốn để tiếp tục việc học tập.

Ông Trần Thanh Hoàng, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Đối với đồng bào dân tộc thiểu số thì trong thời gian qua đơn vị cũng đã chủ động rà soát hồ sơ để đảm bảo đồng bào dân tộc thiểu số được thụ hưởng chính sách này, để các chương trình đặc thù như cho vay Nghị định 28 giải ngân đúng theo chỉ tiêu kế hoạch đề ra, không để một hồ sơ nào không được tiếp cận thụ hưởng chương trình này. Thời gian tới, đơn vị nâng cao vai trò trách nhiệm của cán bộ, đảng viên gắn với hoạt động tín dụng chính sách, để tuyên truyền, vận động người dân biết và tiếp cận được nguồn vốn”.

Là huyện miền núi, chính quyền huyện Ba Tơ đã khai thác tốt nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, giúp đồng bào dân tộc thiểu số làm ăn. Những năm qua, huyện Ba Tơ đã phát huy hiệu quả nguồn lực từ các Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới... đầu tư hơn 600 tỷ đồng thực hiện hàng trăm công trình giao thông, thủy lợi, trường học, nước sinh hoạt, nhà văn hóa, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và xây dựng nhà ở cho hộ nghèo. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện này giảm còn 23,5%.

Ông Đinh Ngọc Vỹ, Bí thư Huyện ủy Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, bên cạnh nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, địa phương yêu cầu các cơ quan đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia để thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo điều kiện đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo.

“Hoạt động giải ngân các chương trình mục tiêu như chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm đúng mức. Đối với những nguồn vốn bảo đảm đủ điều kiện thực hiện công tác giải ngân thì huyện tập trung quuyết liệt. Với nguồn vốn còn vướng về chính sách thì tiếp tục tham vấn ý kiến để giải ngân các nguồn vốn được bảo đảm theo đúng quy định”, ông Vỹ thông tin.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Quảng Ngãi gỡ khó cho “cây xoá đói, giảm nghèo”
Quảng Ngãi gỡ khó cho “cây xoá đói, giảm nghèo”

VOV.VN - Nhiều năm qua, cây keo được xem là loại cây trồng “xoá đói, giảm nghèo”, góp phần nâng cao đời sống bà con đồng bào vùng cao. Tuy nhiên, những năm gần đây, tình trạng mua bán keo non ồ ạt, phá rừng trồng keo, dịch bệnh trên cây keo… khiến người dân và chính quyền địa phương gặp khó.

Quảng Ngãi gỡ khó cho “cây xoá đói, giảm nghèo”

Quảng Ngãi gỡ khó cho “cây xoá đói, giảm nghèo”

VOV.VN - Nhiều năm qua, cây keo được xem là loại cây trồng “xoá đói, giảm nghèo”, góp phần nâng cao đời sống bà con đồng bào vùng cao. Tuy nhiên, những năm gần đây, tình trạng mua bán keo non ồ ạt, phá rừng trồng keo, dịch bệnh trên cây keo… khiến người dân và chính quyền địa phương gặp khó.